Đinh Cường trong ký ức mùi hoa phong lan

17/04/2016 05:33 GMT+7

Hôm qua (16.4) tròn 100 ngày mất họa sĩ Đinh Cường, một trong 4 gã có mặt trong tùy bút Căn nhà của những gã lang thang mà tôi đã viết, gồm Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và tôi, Hoàng Phủ.

Hôm qua (16.4) tròn 100 ngày mất họa sĩ Đinh Cường, một trong 4 gã có mặt trong tùy bút Căn nhà của những gã lang thang mà tôi đã viết, gồm Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và tôi, Hoàng Phủ.

Tác phẩm Đá chẻ của Đinh CườngTác phẩm Đá chẻ của Đinh Cường
Có một dạo, cứ vào đầu hôm là chúng tôi có mặt ở căn nhà ấy - đó là căn nhà của gia đình Trịnh Công Sơn ở Huế và sau này, căn nhà thuộc về tôi - để bắt đầu cuộc đi dạo một vòng ở hữu ngạn: từ chợ Bến Ngự theo đường Nguyễn Trường Tộ đi xuống bưu điện, qua cầu Tràng Tiền, đi dọc đường Trần Hưng Đạo, đến đầu cầu Gia Hội vòng lên lại cầu Tràng Tiền, dọc đường Lê Lợi về chợ Bến Ngự là đủ một vòng. Chúng tôi trên đường về đều ngẩn ngơ với mùi hoa phong lan từ các khu vườn. Ôi mùi hoa phong lan đậm đà và ngọt ngào giống như mùi hương của một loài hoa hoang dại đổ xuống từ thiên đường, vỗ về linh hồn chúng tôi suốt nhiều năm sau này dù khi đã xa Huế. Bộ tứ ấy đã ra đi hết ba, chỉ còn mình tôi giữa cái thành phố đang được bàn giao lại cho thế hệ sau.
Cường quê ở Thủ Dầu Một, những năm đầu học ở Trường Mỹ thuật Gia Định, sau đó thì làm một việc “xưa nay hiếm” là từ giã Sài Gòn ra Huế học để tìm cái mới. Hồi ấy, Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế mới được xây dựng, mời một số họa sĩ vừa tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Pháp do linh mục Cao Văn Luận trịnh trọng rước về. Do đó, Huế lan tỏa một hơi hướng đổi mới, hấp dẫn thế hệ trẻ ở trong nước. Dẫn đầu những bức họa danh tiếng của Cường vẽ về đề tài Huế gồm Cầu say, Hỏa châu I và II… Cường vẽ theo lối trừu tượng và say mê trầm mình trong đường nét kỳ lạ của hội họa trừu tượng. Bức Cầu say vẽ bằng một màu đỏ dữ dội là hình ảnh của những vai cầu Tràng Tiền trong một lớp sương mù màu hồng. Và đó là hình ảnh cầu Tràng Tiền đi qua một cơn say. Màu đỏ của bức Cầu say được kết tụ lại trong một chấm đèn vàng ở trên cao mà Cường gọi là Point Riche, tức là biểu hiện của ý thức về hiện tại. Mẹ tôi bảo với món ăn Huế thì vị cay là Point Riche, và những bà mẹ Huế cho Point Riche là chế độ ăn uống, vì thế họ gọi đồ gia vị là đồ màu.
Đinh Cường qua nét vẽ Trịnh Công Sơn 
Còn trong Hỏa châu I và II, trên nền sáng của bầu trời hiện ra những vòng tròn có màu sắc lấp lánh không thành hình thù gì, như là những dấu không ảnh của một người say rượu, thực ra là ánh của pháo sáng chiếu xuống thành phố Huế về đêm. Cả hai bức này đã bán cho một vị giáo sư người Đức là Eric Wulff đến tìm Cường tại phòng vẽ. Có thể nói rằng thành công của Cường trong khát vọng đi tìm cái mới từ Sài Gòn chính là bút pháp của tranh trừu tượng và cho đến tận hôm nay, người Huế vẫn gọi Đinh Cường là “họa sĩ trừu tượng”, và những bức tranh của Cường vẫn được giữ gìn cẩn thận. Tôi vẫn nghĩ về toàn bộ sự nghiệp hội họa của Cường đáng để kết luận rằng Cường là một họa sĩ trừu tượng vào bậc thầy ở VN, cũng là người đầu tiên đem môn hội họa trừu tượng từ bên ngoài vào VN (kể cả miền Bắc) và là một họa sĩ đã thành danh trên bề mặt văn hóa của dân tộc.
Có một câu chuyện không thể thiếu khi nói về Đinh Cường là người yêu đầu tiên của Cường. Tên cô là T.A, quê ở một tỉnh ngoài miền Trung nhưng theo bố mẹ vào sống ở Sài Gòn đến độ đồng hóa với dân tại chỗ, có những nét cá tính lãng mạn của một cô gái ở thời trước. Cường đi nghỉ hè ở Vũng Tàu, một ngày đầy nắng, bỗng nghe xôn xao ngoài bãi biển tiếng bàn cãi náo nhiệt của những người đi tắm biển. Có một cô gái vì không muốn tiếp tục sống đã nhảy xuống biển tự tử, và cô đã được cứu. Người nhảy xuống biển chính là T.A. Cô đã chọn cái chết vào giờ phút rất đặc biệt của ngày vì yêu mến bản nhạc Xin mặt trời ngủ yên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cường quen với T.A bởi ý định rất bi thảm của cô, và từ đó hai người yêu nhau…
Riêng tôi cũng còn giữ một vài hình ảnh “không thể nào quên” ở Cường. Có một đêm đông mưa lạnh, Cường sang nằm bên cạnh tôi. Tôi nghe những tiếng khóc thút thít của Cường, và Cường đọc cho tôi nghe bài thơ vừa làm xong. Bài thơ này tôi vẫn nhớ:
Ngoài kia, ta nghe những giọt lệ của ta
Theo cơn mưa trôi đi khắp đường phố đêm...
Và cứ thế, chúng tôi quàng vai nhau đi qua thành phố suốt những năm đổ vỡ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.