'Điều ước' bất thường của một thiếu niên và trách nhiệm của người lớn

16/03/2022 06:10 GMT+7

Một bản tin ngắn Đăng Facebook “Xin 1 lần công an bắt được”, sau 9 ngày “điều ước” thành hiện thực được đăng tải trên Thanh Niên Online, nhưng lại nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Vì sao?

T.N.Q (gần 18 tuổi, trú xã Sơn Kỳ, H.Sơn Hà, Quảng Ngãi) đăng trên trang Facebook cá nhân của mình với nội dung: “Xin 1 lần công an bắt được”. Không chờ đợi lâu, 9 ngày sau, vào lúc 11 giờ 45 ngày 13.3, qua tuần tra, kiểm soát Công an H.Sơn Hà phát hiện và lập biên bản đối với Q. đang điều khiển mô tô BS 76E1-411.63 với nhiều lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Không những Q., mà theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi, chủ chiếc mô tô trên cũng sẽ bị phạt về hành vi “để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 điều 58 của luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông”.

Xe máy do T.N.Q, bạn trẻ có “điều ước” bất thường, điều khiển bị CSGT Công an H.Sơn Hà (Quảng Ngãi) tạm giữ

CÔNG AN H.SƠN HÀ

Đằng sau vụ việc trên, theo bạn đọc (BĐ) Thanh Niên, phản ánh ý thức của bạn trẻ đang ở tuổi học sinh (HS) và cả người giao xe cho bạn trẻ này điều khiển.

Trách nhiệm của phụ huynh

Theo BĐ Nguyễn Thanh Lâm, điều đầu tiên “Phải nói đến ý thức của phụ huynh, người thân để cho các em HS điều khiển phương tiện giao thông khi không nằm trong độ tuổi quy định được phép điều khiển”.

“Việc này có thể dẫn tới chính HS đó tự gây ra tai nạn cho bản thân và có thể còn gây nguy hiểm cho những người điều khiển phương tiện giao thông khác. “Thương cho roi, cho vọt. Ghét cho ngọt, cho bùi”, người xưa đã từng răn dạy như thế. Thương con theo lối suy nghĩ giao cho con phương tiện giao thông dù chưa đủ tuổi sử dụng là gián tiếp hại con… Thật đáng tiếc, tình trạng này hiện nay khá phổ biến”, BĐ này viết.

BĐ Mac Vu cũng chia sẻ: “Trong một lần đón con đi học về, tôi chứng kiến cảnh 4 cô, cậu mặc đồng phục HS của một trường cấp 2, đầu trần không đội mũ bảo hiểm… “kẹp” nhau trên một mô tô phân khối lớn vừa lạng lách, đánh võng vừa cười hô hố tỏ vẻ rất khoái chí khi trêu đùa một HS khác đang đi xe đạp. Vừa về đến nhà, tôi đã phải nói với cậu con trai (cũng chứng kiến cảnh tượng này) rằng, đó là hành vi rất đáng lên án, và không được phép học đòi, bắt chước. Thanh, thiếu niên ở độ tuổi mới lớn, đang trong quá trình hình thành nhân cách, nếu nhìn nhận những hành vi xấu, vi phạm pháp luật của bạn bè một cách dửng dưng và thậm chí còn cổ súy cho hành vi nguy hiểm này thì đúng là mối nguy cho xã hội…”.

“Thời gian gần đây, qua theo dõi thông tin trên báo chí, lực lượng chức năng ở Đà Nẵng, TP.HCM, Tiền Giang, Long An… đã liên tục phát hiện các vụ tổ chức đua xe trái phép, “làm xiếc” trên đường phố. Đáng chú ý, có không ít các bạn trẻ trong độ tuổi HS. Thực trạng cần báo động này có một phần trách nhiệm không nhỏ của gia đình trong việc giám sát, dạy dỗ con cái. Còn các bậc phụ huynh giao mô tô cho con chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện để chiều theo ý thích của con thì… không còn gì để nói”, BĐ Ha Vu viết.

Cần “3 nhà” phối hợp

Theo BĐ Nguyễn Văn Hoạt, ở độ tuổi là HS cấp 2, 3, các em rất dễ “nóng máu” khi bị kích động: “Có thể thấy được thực tế này khi quan sát hành vi, ứng xử được các em thể hiện thông qua các status (dòng trạng thái) trên mạng xã hội. Để chứng minh, tạo ra sự khác biệt, không ít các HS làm những trò rồ dại, thậm chí vi phạm pháp luật rồi khoe lên mạng xã hội như cách để “lấy số”, thể hiện bản thân. Những hành vi này cũng được các HS khác (và đôi khi là người lớn) “comment” (bình luận) nhiệt tình”.

BĐ Thiên Ân nêu ý kiến: “Tôi đề nghị Phòng CSGT ở các tỉnh, thành, đặc biệt là ở những TP lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ… phối hợp với ban giám hiệu các trường THCS, THPT thử “vi hành” trong các bãi giữ xe của trường và các bãi giữ xe của tư nhân xung quanh các trường xem thực trạng thế nào. Xin thưa rằng, không thiếu những mô tô xịn, mắc tiền trong các bãi giữ xe là do các HS điều khiển, gửi. Ở một số trường học, vẫn có những tiết học ngoại khóa phối hợp với CSGT tổ chức sinh hoạt dưới cờ để tuyên truyền, giúp HS tìm hiểu về luật Giao thông. Thế nhưng, để những buổi sinh hoạt này trở nên phổ biến hơn ở phần lớn các trường cấp 2, cấp 3 đòi hỏi phải có kế hoạch, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa phụ huynh, nhà trường và lực lượng chức năng”.

* Một bản tin ngắn nhưng gợi ra nhiều suy nghĩ về cách giám sát, dạy dỗ con cái chưa đủ thành niên. Đó là thực trạng lệch lạc trong suy nghĩ lẫn hành vi của một số bạn trẻ.

Nguyễn Hữu Qui

* Tình trạng HS chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe máy trên 50 phân khối hầu như ở trường THPT nào cũng có, nhưng không hiểu sao CSGT tại các nơi đó không giải quyết triệt để. Có lý do nào khác chăng?

Nguyen Xuan Vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.