Điều trị tại nhà theo chiến lược mới nhất

Liên Châu
Liên Châu
16/08/2021 08:11 GMT+7

Từ hôm nay (16.8), Bộ Y tế khởi động chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các bệnh nhân Covid-19 (F0) tại nhà và cộng đồng (home-based care).

Trên cơ sở trao đổi và thống nhất với TP.HCM, Bộ Y tế triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng ở TP.HCM, với mô hình 3 tại chỗ: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ (cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan).
Các ca F0 cũng được cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết giúp tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ, chuyển viện điều trị kịp thời. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay số lượng ca bệnh tăng cao. Vì thế, cần có sự thay đổi về chiến lược điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong và đảm bảo tất cả người bệnh được tiếp cận y tế. Căn cứ trên kinh nghiệm quốc tế, về triệu chứng bệnh học, các chuyên gia nhận thấy có các bệnh nhân Covid-19 nhẹ có thể điều trị ngoại trú tại nhà.
Ông Khuê đánh giá với điều trị bệnh nhân nhẹ tại nhà, vấn đề đặc biệt quan trọng là việc sử dụng thuốc tại gia đình. Chiến lược cấp những “túi thuốc an sinh” cho các gia đình, cũng như tăng cường tư vấn cho mọi người trong gia đình, cộng đồng giúp người nhiễm bệnh an tâm, người trong gia đình được đảm bảo an toàn. “Với việc điều trị ngoại trú, mỗi gia đình trở thành “home care” - phòng y tế tại nhà. Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh áp dụng thí điểm tại TP.HCM và một số tỉnh, thành có số mắc tăng cao”, ông Khuê cho biết.
Theo ông Khuê, với các bệnh nhân F0 điều trị ngoại trú, cùng với cấp thuốc điều trị, người bệnh sẽ được cán bộ y tế tuyến cơ sở, bác sĩ gia đình, bác sĩ tại địa phương và các khu vực, cộng thêm mạng lưới bác sĩ tình nguyện, hỗ trợ tư vấn. Các bệnh nhân sẽ được một tổ y tế theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi các chỉ số sinh tồn cơ bản. Để an toàn cho người bệnh, theo dõi được diễn biến bệnh, đề phòng tình huống nặng lên, mỗi bệnh nhân cũng được hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe; khi diễn biến có sốt, ho, bắt đầu khó thở thì cần liên hệ nhân viên y tế. Ngoài ra, cần đảm bảo tuân thủ quy định cách ly, không để lây nhiễm chéo cho người trong gia đình, ra ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, ông Khuê cũng lưu ý về các yếu tố được chú trọng khi triển khai chương trình, vì Việt Nam khác nước ngoài ở mô hình gia đình “tứ đại đồng đường” có ông, bà, bố mẹ và cháu cùng sống tại nhà; điều kiện sống; điều kiện công nghệ thông tin ở mỗi nơi, mỗi vùng cũng có sự khác biệt. Có những gia đình chỉ có mấy chục mét vuông để sống thì việc có chỗ cho người bệnh sinh hoạt riêng là rất khó. Phải tính đến tất cả những điều đó khi xây dựng hướng dẫn để mô hình đi vào thực tiễn.
“Trong hướng dẫn điều trị hiện nay, Bộ Y tế đưa ra vấn đề quan trọng đó là tư vấn tâm lý. Đại dịch cũng như thảm họa, người mắc bệnh rất lo lắng, tâm lý dao động, có diễn biến lo lắng, không biết điều trị thế nào, ở đâu, thuốc gì...”, ông Khuê chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.