Điều nhỏ bé phi thường trong những ngày tết

Tuấn Duy
Tuấn Duy
10/02/2024 12:30 GMT+7

Lấy bối cảnh nông thôn miền Trung, 20 truyện ngắn trong tập truyện 'Bán một cành mai ăn Tết' (NXB Trẻ ấn hành) của Hoàng Công Danh không chỉ họa lên không khí những ngày cuối năm, mà còn truyền tải thông điệp tích cực cho một năm mới hứng khởi.

Trong vòng xoáy nhân sinh

Sinh ra và gắn bó với mảnh đất miền Trung, nên hơn ai hết Hoàng Công Danh đã luôn quan sát và nhặt nhạnh cho mình những chi tiết "đắt" trong đời thường nhật. Nhân vật trong tập truyện này tuy đến từ sự nhìn nhận cá nhân, nhưng đều là mẫu hình chung có tính phổ quát. Họ như bước ra từ đời sống thực và kể câu chuyện mà rất nhiều người đang phải trải qua mỗi dịp tết đến xuân về.

Điều nhỏ bé phi thường trong những ngày tết- Ảnh 1.

Bìa tập truyện ngắn Bán một cành mai ăn Tết

NXB Trẻ

Ở đó có những người già bơ vơ, lạc lõng, không gốc, không ngọn như bà cụ bán cành mai vào đêm 30 tết hiu hắt. Đó cũng còn là người công nhân về quê sum họp nhưng chờ đón họ là những bất tiện trên chuyến tàu lửa đông nhung nhúc người… Mỗi một số phận, mỗi một cảnh đời đều được nhà văn tái hiện một cách sống động cũng như chân thật, khiến ai như cũng bất giác thấy mình đâu đó.

Chia sẻ với Thanh Niên, Hoàng Công Danh cho biết truyện ngắn cùng tên xuất phát từ một lần ở chợ hoa cuối năm, khi anh ngồi uống cà phê ở một quán cốc thì thấy có một bà cụ mang theo cành mai đến bán. Anh nói: "Suốt buổi chẳng thấy ai đến hỏi han cành mai của cụ. Đấy chắc chắn là cành mai cụ vừa cắt trong vườn nhà mang đi bán để có tiền đón tết. Tôi ấn tượng rất lâu hình ảnh ấy, nhưng mãi 3 năm sau mới hoàn thành được truyện ngắn này. Hình ảnh ấy khiến ai cũng cảm thương, và gợi nhớ lại những năm về trước, rất nhiều nhà ở nông thôn phải cắt cành mai đem lên thành phố bán mới có tiền sắm sửa cuối năm".

Có thể nói người dân thị thành của Hoàng Công Danh luôn mang trong mình sự mong manh và nỗi hoài nghi mà cuộc sống cơm áo gạo tiền đã tạo lập nên. Họ phải sống trong một thế giới e ngại mình bị lừa lọc khi vừa rút tiền ở cây ATM vừa phải quan sát để không mất xe. Họ cũng sợ ăn phải rau phun thuốc, uống nhầm rượu giả, giúp đỡ người khác cũng sợ bản thân mất đi gì đó… Tất cả những nhân vật này dường như đã trở nên hoài nghi nhân sinh mọi lúc mọi nơi.

Quan trọng hơn cả, ở đó, giá trị gia đình cũng bị xem nhẹ hoặc bất khả kháng, như khi từng thành viên như bị "ru ngủ" vào guồng quay biếu xén, smartphone, vòng xoáy tin tức… Trong khi những người trẻ tuổi vì còn công việc cũng như ước mơ cho một tương lai tươi sáng thì đường về nhà ngày càng xa xôi. Có thể nói bằng sự quan sát sống động và khả năng ghi nhận chính xác, Hoàng Công Danh đã tạo nên một bức tranh xã hội thu nhỏ vô cùng chi tiết và đúng thực trạng.

Vẻ đẹp của sự sẻ chia

Tết trong tập truyện này không chỉ đến từ không khí, màu sắc, mùi hương… mà sâu xa hơn nó cũng bắt nguồn từ những khởi đầu khi con người ta từ bỏ chấp niệm, chuyển sang yêu người thay vì ký ức. Có lẽ tết đến là khi tâm trí con người bắt đầu một guồng quay mới, để họ quên đi những điều xót xa, cay đắng, từ đó chuẩn bị hành trang cho những ngày mới. Cho nên, dù có ra sao thì tết cũng chính là lúc hướng về gia đình và những giá trị tốt đẹp.

Trong các truyện ngắn, dễ thấy Hoàng Công Danh không lựa chọn những cái kết đẹp mang tính lý thuyết hay phi thực tế, mà giữa hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống, thì sự chia sẻ dẫu là nhỏ thôi nhưng trong bĩ cực lại chói sáng lên và làm trọn vẹn cả một chữ tình. Chẳng hạn, dẫu bà cụ lớn tuổi không bán được cành mai "ngự", thì việc anh bán vé số cho cụ một tờ lấy may vào ngày hôm sau ít nhiều đã nhen nhóm lên niềm hy vọng dù rất mong manh. Cũng tương tự thế là "quỹ đen" của các anh chồng khi rút từ đó để bù đắp cho khoản thưởng tết thiếu hụt vì suy giảm kinh tế, để vợ, để con và để bố mẹ hai bên không phải lo lắng…

Trong cái xót xa của sự sẻ chia, Hoàng Công Danh chạm đến ranh giới của buồn và vui, để các câu chuyện của anh bỗng dưng hiện lên vẻ đẹp đồng cảm. Có thể hiện thực mang tính nhân văn không đến với họ, nhưng một chút sẻ chia cũng làm ấm lòng bất cứ người nào mong muốn những điều tốt đẹp rồi sẽ xảy đến.

Như tác giả nói: "Ngày tết trong văn hóa của người Việt là khoảng thời gian thiêng liêng, nhiều cảm xúc khác ngày thường. Nếu lấy một câu chuyện ngày thường gắn thêm hoa lá, khung cảnh mùa xuân, thì không thể ra một chuyện tết đúng nghĩa... Đời thường có những buồn vui, tất nhiên ngày tết cũng sẽ có những vui buồn, chẳng tránh được. Tuy nhiên, kết thúc nếu quá buồn sẽ khiến bạn đọc… mệt, nên nỗi buồn ấy chỉ là những nốt trầm sâu lắng".

Điều nhỏ bé phi thường trong những ngày tết- Ảnh 2.

Nhà văn Hoàng Công Danh

NVCC

Và không chỉ những người phố thị, tác giả cũng ngược lên miền núi cao để viết về những "anh hùng có thực trong đời thường nhật", những người thích thực tiễn hơn lý thuyết khi làm hết khả năng để giúp đời sống bà con thêm phần khấm khá. Đó là những người giáo viên vùng cao gạt sang một bên hạnh phúc cá nhân, là những kỹ sư ở trạm nghiên cứu khoa học tìm ra lối sản xuất sao cho hiện đại và công nghiệp hơn. Hay đó cũng là những chiến sĩ thầm lặng trấn giữ biên cương, bên cạnh giúp xóa mù chữ và chăm sóc sức khỏe cho người Vân Kiều…

Ở tác phẩm này, tác giả dường như đã không bỏ qua bất cứ con người và số phận nào, từ đó anh khắc họa họ và làm nổi bật lên điều nhỏ bé phi thường. Bán một cành mai ăn tết là tập truyện ngắn nhẹ nhàng, ý nghĩa, không riêng chỉ để "nhấm nháp" phong vị mùa tết, mà còn truyền thêm cảm hứng, hướng con người ta đến bài học sẻ chia và đồng cảm trong đời sống này.

Hoàng Công Danh sinh năm 1987, hiện sống và làm việc tại Quảng Trị. Anh đã xuất bản 6 tác phẩm ở nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tùy bút cho đến truyện dài. Với Bảy bảy bốn chín, anh từng đoạt giải tư cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 7 của NXB Trẻ. Bằng lối văn dung dị và kết thúc bất ngờ, những truyện ngắn của anh luôn khiến bạn đọc ấn tượng, thích thú.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.