Điều kiện cho vay 'thắt' tín dụng ngân hàng

23/10/2023 06:48 GMT+7

25 năm vay vốn tín dụng, chỉ duy nhất một phương án có tài sản thế chấp là bất động sản thì tăng hạn mức..., phản ánh của một doanh nghiệp tại Hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp mới đây, chính là nút thắt lớn nhất khiến các nhà băng đang thừa tiền, ứ vốn.

Chỉ được vay khi có bất động sản thế chấp

Cụ thể, tại Hội nghị kết nối ngân hàng (NH) với doanh nghiệp (DN) khu vực Tây nguyên diễn ra cuối tuần qua, bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty Xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp Gia Lai, nói thẳng: "25 năm qua trong quan hệ tín dụng NH, dù chúng tôi luôn làm tốt vai trò và trách nhiệm trong việc vay vốn nhưng vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng. Chỉ duy nhất 1 phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản (BĐS) bổ sung thì tăng hạn mức. Thật sự là không phù hợp với một DN hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu. DN không thể cạnh tranh với DN nước ngoài bởi hình thức cho vay này". 

Bà Lan Anh kiến nghị NH có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê; cung cấp 1 gói tín dụng đặc thù riêng cho ngành cà phê, cho các DN đầu ngành và có tính bền vững về lãi suất (LS), về hạn mức tín dụng, về chính sách tài sản đảm bảo (hàng hóa), để cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đồng thời, đề nghị NH xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hóa, để DN được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp, tạo điều kiện cho DN chủ động về vốn; xem xét cho vay dựa trên uy tín của DN, uy tín người mua, bảo hiểm tiền phải thu…

Điều kiện cho vay “thắt” tín dụng ngân hàng - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp vẫn khó đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Câu chuyện của Công ty Xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp Gia Lai không phải hiếm. Chia sẻ với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn, cho hay từ trước đến nay, duy nhất công ty được một NH xét duyệt cho vay dựa trên thẩm định báo cáo tài chính mà không yêu cầu tài sản thế chấp. Nhưng tất cả các NH khác thì lắc đầu và yêu cầu muốn vay phải có tài sản thế chấp. 

Đáng nói, tất cả khoản vay có tài sản thế chấp đầu năm 2023 đều bị hạ hạn mức tín dụng xuống thấp hơn, còn khoảng 60 - 70% hạn mức cho vay trước đây. Đó là chưa kể tài sản là đất trồng cây lâu năm thường được định giá rất thấp nên số tiền NH cho vay cũng quá ít so với nhu cầu của DN. 

Theo bà Thư, các hộ nuôi trồng thủy sản thì càng khó hơn vì hầu như họ chỉ có căn nhà để ở và thế chấp là hết. Sau khi vay vốn để đầu tư làm lồng bè nuôi tôm và mua con giống thì người dân còn phải vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi, nhưng khi đó vì không thể vay NH được nên họ chỉ còn cách vay tín dụng đen với lãi quá cao. Hiện tại, việc xuất khẩu tôm hùm đã ngừng vì căng thẳng ở nhiều nước. 

Vấn đề và Giải pháp: Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn

Song song đó, thị trường tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh khiến công ty lẫn các hộ nuôi đều khó chồng thêm khó. Nếu cùng kỳ năm trước công ty này bán ra thị trường trong nước từ 4 - 5 tấn tôm hùm/ngày thì nay chỉ bán được 5 - 6 tạ/ngày, giảm gần 90%. LS cho vay của NH đã giảm xuống còn 5,5 - 6,5%/năm là mức chấp nhận được. Thế nhưng DN cần vốn, người nuôi trồng thủy sản cần tiền để mua thức ăn chăn nuôi thì không có tài sản thế chấp cũng đành chịu thua.

Điều kiện cho vay “thắt” tín dụng ngân hàng - Ảnh 2.

Doanh nghiệp cần vốn nhưng không vay được dù ngân hàng thừa tiền

NGỌC THẮNG

"Nhiều hộ chăn nuôi không muốn bị nợ xấu đã phải chạy đôn chạy đáo vay ngoài để đáo hạn khoản vay cũ tại NH, nhưng sau đó lại được cho vay ít hơn khoản cũ càng khốn khổ hơn. Chúng tôi rất mong NH Nhà nước (NHNN) xem xét, mở rộng việc cho vay tín chấp dựa trên điều kiện của từng ngành nghề. Chẳng hạn với các hộ nuôi trồng thủy sản thì có thể cho vay dựa trên tài sản đã có là các lồng bè nuôi trồng. Mỗi hộ thường sẽ đầu tư hơn tỉ đồng cho lồng bè để nuôi tôm nên đây cũng là tài sản đảm bảo. NH có thể thông qua các đầu mối như hợp tác xã, hộ nông dân để người dân đăng ký vay. Nếu được vậy thì mới đúng là hỗ trợ, khuyến khích ngành nông lâm ngư nghiệp phát triển", bà Anh Thư nói.

Điều kiện khó khăn khiến dòng vốn bị "ế"

Theo công bố của nhiều NH, hồ sơ vay cho mục đích kinh doanh yêu cầu từ khách hàng gồm nhân thân, hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn (phương án kinh doanh); hồ sơ chứng minh thu nhập và hồ sơ tài sản bảo đảm (giấy chứng nhận sở hữu tài sản). Đây chỉ là những "nét cơ bản" trong hồ sơ vay. Đi vào chi tiết mới thấy rõ hơn các quy định ngặt nghèo vô cùng. Tài sản đảm bảo là BĐS phải có giấy chứng nhận sở hữu nhà đất. Kế đến phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả đảm bảo khả năng trả nợ NH, kế hoạch trả nợ. Bản báo cáo tài chính của DN trong vòng 2 năm gần nhất, hợp đồng mua bán hàng hóa… Chính vì vậy, nhiều DN nhỏ hay hộ kinh doanh hầu như không thể đảm bảo điều kiện được vay vốn.

Điều kiện cho vay “thắt” tín dụng ngân hàng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, chia sẻ DN ông sở hữu hãng hàng không và công ty du lịch. Đây là 2 lĩnh vực được nhắc đến đầu tiên trong số 11 nhóm ngành được hỗ trợ LS theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ; nhưng dù hỏi bất kỳ NH nào thì câu trả lời cũng không được. Bởi DN vẫn phải đáp ứng đủ điều kiện như có tài sản đảm bảo, có phương án kinh doanh, có khả năng hồi phục… thì mới được cho vay. 

Ngay cả vay vốn bình thường thì cũng phải có tài sản đảm bảo kèm theo báo cáo tài chính để NH đánh giá hoạt động kinh doanh. Đầu năm, tài sản đảm bảo thường bị định giá lại sẽ thấp hơn vì có khấu hao nên hạn mức cho vay của DN sẽ thấp hơn năm trước. Nếu không có thêm tài sản thế chấp thì DN chỉ trông chờ sau khi có báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, nếu kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng thì NH mới xem xét và có thể gia tăng trở lại số tiền cho vay…

Các NH đầu tiên phải thấu hiểu thì mới có thể đồng hành, hỗ trợ cùng DN như khuyến khích của Chính phủ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation

"Đến hiện tại, các DN du lịch như Vietravel vẫn khó khăn để tiếp cận được nguồn vốn từ NH nếu không có tài sản đảm bảo. Chính phủ muốn hỗ trợ nhưng NH để "chuẩn quá cao" là không phù hợp thực tế nên nói vui là vốn NH bị "ế" thì đúng rồi. Đa số DN trong nước thuộc loại nhỏ, vừa và thậm chí siêu nhỏ, số DN lớn rất ít. Từ nay đến cuối năm là thời điểm các DN cần tăng tốc nên sẽ cần vốn nhiều hơn để tích trữ hàng hóa, nguyên phụ liệu. Ngay cả DN du lịch, lữ hành cũng cần có vốn để đặt cọc, thuê dịch vụ chuẩn bị cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Nếu như các NH có thể mở rộng cho vay hơn nữa như cho DN thế chấp bằng phương án kinh doanh thì quá tốt. Các NH đầu tiên phải thấu hiểu thì mới có thể đồng hành, hỗ trợ cùng DN như khuyến khích của Chính phủ", ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ thêm.

Điều kiện cho vay vẫn duy trì như từ trước đến nay khiến nhiều DN, hộ gia đình không đáp ứng được là phần quan trọng khiến dòng vốn đang dư thừa trong hệ thống NH. Tương ứng, kết quả thực hiện một số giải pháp, chính sách tín dụng của ngành NH trong thời gian qua vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho một số mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo ĐBSCL, thủy sản, cà phê), 13 NH đăng ký tham gia chương trình và đã thực hiện cho vay doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỉ đồng, chỉ bằng 37% tổng số tiền cam kết cho vay theo chương trình. Hay sau gần 2 năm thực hiện, chương trình tín dụng hỗ trợ LS 2%/năm tối đa 40.000 tỉ đồng trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống NH thương mại nhưng giải ngân đến hết tháng 8.2023 chỉ đạt 781 tỉ đồng, tương ứng 1,95% kế hoạch. Kết quả khảo sát của VCCI cũng chỉ ra khoảng 2% DN nhận được khoản vay từ gói này, nhưng gần 57% đơn vị gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay…

Dè dặt cho vay tín chấp

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khi NH quyết định cho khách hàng vay tín chấp, khách hàng phải chứng minh được dòng tiền, DN phải có hợp đồng. Tuy nhiên tỷ trọng cho vay tín chấp trên hợp đồng cũng sẽ không được cao như kỳ vọng khách hàng, đồng thời LS vay tín chấp sẽ cao hơn thế chấp rất nhiều. Ở đây, năng lực thẩm định để ra quyết định cho vay tín chấp của các NH trong nước còn hạn chế. Ở nước ngoài, DN được đánh giá tín nhiệm, NH dựa vào đây để ra quyết định cho vay. Đó là chưa xét đến rủi ro hợp đồng khống, cán bộ NH sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trong việc xét duyệt cho vay. Tùy vào khẩu vị rủi ro, khả năng quản trị của mỗi nhà băng để quyết định cho vay tín chấp cũng như hạn mức cho vay như thế nào.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: Tỷ lệ cho vay tín chấp trong hệ thống NH hiện nay ở mức khá thấp, chủ yếu vẫn là cho vay thế chấp hoặc bên thứ 3 bảo lãnh. NH đòi hỏi tài sản thế chấp khá phổ biến trong các khoản vay từ DN đến cá nhân. Nhưng cứ dựa vào tài sản thế chấp để cho vay thì chẳng khác nào "gậy ông đập lưng ông". Bởi tài sản đảm bảo, nhất là BĐS đi xuống, NH yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài sản cho khoản vay hoặc giảm hạn mức tín dụng. Đây cũng là một trong những lý do khiến tín dụng tăng trưởng chậm hơn.

Phân tích sâu thêm, ông Hiếu cho rằng trong thời gian qua, DN tiếp cận được vay tín chấp chủ yếu là những DN lớn, có uy tín, minh bạch báo cáo tài chính, đồng thời cũng có chất lượng tài sản tốt. Trong khi đó, các DN vừa và nhỏ thường có ít hoặc không có tài sản thế chấp nên rất cần vay tín chấp. Thế nhưng những DN này thường không đủ điều kiện để vay tín chấp. Một số điều kiện hội đủ để có thể vay tín chấp là báo cáo tài chính có kiểm toán độc lập, công ty kiểm toán không có đánh giá hay nhận xét gì liên quan đến mức độ rủi ro, cũng như báo cáo có mức độ tin cậy cao. Về phía DN, phải đáp ứng các chỉ số như lợi nhuận, thanh khoản, đòn bẩy ở mức từ chuẩn mực trở lên, làm ăn có lãi trong thời gian ổn định, chứ không phải lúc lãi tăng đột biến, năm lại không có lãi. Đồng thời, DN phải không có nợ xấu; phải có chiến lược kinh doanh trong vòng 3 năm, có những kịch bản cụ thể để NH đánh giá được khả năng trả nợ của DN...

Ông Hiếu nhấn mạnh: Ở Mỹ, chỉ những công ty có uy tín, có khả năng trả nợ, hội đủ những điều kiện như trên mới vay được tín chấp. Còn ở VN, các NH đa số vẫn dựa vào tài sản thế chấp là một trong những điều kiện quyết định cho vay. Ở đây có thể thấy, cả NH và DN chưa đạt được những chuẩn mực, tiêu chí đánh giá nên mới dựa vào tài sản thế chấp trong hoạt động tín dụng. DN ở Mỹ vay NH nào thì mở tài khoản thanh toán ở NH đó để quản lý dòng tiền ra vào, đây cũng một trong những điều kiện chứng minh dòng tiền của DN đối với NH. Các nhà băng cho DN vừa và nhỏ vay theo một tỷ lệ nhất định trên tài sản lưu động, hàng tồn kho, nợ phải trả cho khách hàng. Việc này sẽ được đánh giá 3 tháng/lần. Thế nhưng các DN VN lại có xu hướng mở nhiều tài khoản ở nhiều NH khác nhau. NH không thể nào kiểm soát được dòng tiền của DN thì việc yêu cầu NH cho vay tín chấp là điều khó. Một số DN Việt nhận được khoản vay theo hàng tồn kho, khoản phải thu nhưng đây không phải số nhiều. DN nào thật sự uy tín mới tiếp cận được sản phẩm này.

Tăng trưởng tín dụng sau 9 tháng mới đạt 50% kế hoạch

Tính chung đến cuối tháng 9.2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 12,7 triệu tỉ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, đạt mức tăng trưởng cao so với các tháng gần đây. Tuy nhiên nếu so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm đề ra 14% thì mức tăng trưởng này hiện chỉ mới đạt một nửa. Trong đó, điều kiện vay không thay đổi là nút thắt lớn nhất trong việc triển khai hoạt động cho vay. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới lẫn trong nước khó khăn, thị trường BĐS trầm lắng khiến cho tài sản thế chấp là BĐS đã bị đánh giá lại với giá trị thấp hơn trước nhiều...

Tăng cường hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ vay vốn

Các NH cũng có cho vay thông qua dự án kinh doanh, thế chấp hàng tồn kho… nhưng tỷ lệ này chưa nhiều. Các DN được cho vay cũng phải có phương án kinh doanh khả thi, đảm bảo khả năng có lãi, thanh toán khoản vay thì NH mới dám cho vay. Bởi trách nhiệm trong quyết định cho vay của nhân viên tín dụng, lãnh đạo NH rất lớn. Để xảy ra thất thoát vốn, họ có thể bị khởi tố hình sự nên phải thận trọng. Thực tế có nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ, dù có kế hoạch kinh doanh tốt nhưng việc chuẩn bị hồ sơ vay lại không đạt yêu cầu do biểu mẫu, báo cáo chưa chuẩn… Vì vậy NH cần khuyến khích nhân viên tín dụng trao đổi, lắng nghe nhu cầu của DN kỹ hơn. Đồng thời tư vấn cho các DN lập kế hoạch kinh doanh khả thi, lập hồ sơ vay vốn hay báo cáo chứng minh dòng tiền theo đúng chuẩn của NH. Đó là cũng một trong những cách để NH tạo điều kiện, mở rộng đối tượng cho vay hơn. Điều đó cũng góp phần tháo gỡ nút thắt trong câu chuyện DN cần vốn nhưng không vay được dù NH thừa tiền.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.