Điều gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán?

Mai Phương
Mai Phương
05/10/2022 06:28 GMT+7

“Lần đầu tiên tất cả các cổ phiếu trong tài khoản đều giảm”; “Bầu trời sụp đổ”; “Không dám nhìn”; “Thị trường này nghỉ chơi thôi”... là những lời than ngập tràn trên các diễn đàn chứng khoán sau phiên giao dịch ngày 3.10, phiên có tới gần 200 cổ phiếu sụt giảm, VN-Index rơi 46 điểm.

Nhưng sự u ám vẫn chưa dừng ở đó, phiên hôm qua VN-Index tiếp tục mất thêm 8,3 điểm, đưa thị trường xuống ngang với mức cách đây 2 năm. Không ai hiểu điều gì đã và sẽ tiếp tục xảy ra trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Chứng khoán giảm 30% kể từ đầu năm nay

Đào Ngọc Thạch

1 tháng “bốc hơi” 33,3 tỉ USD

Nếu so với đỉnh cao ở mức 1.530 điểm trong quý 1/2022, VN-Index đến nay đã giảm gần 30%. Chỉ riêng từ đầu tháng 9 đến nay, vốn hóa của sàn TP.HCM đã giảm gần 800.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 33,3 tỉ USD. Số chứng khoán bị giảm 50 - 60% không thể kể hết, cả những cổ phiếu blue-chips, đã từng là hàng “hot” được nhà đầu tư trong và ngoài nước yêu thích. Có nhiều cổ phiếu đã giảm về mức thấp nhất sau hơn 2 năm vừa qua dù công ty vẫn hoạt động có lãi...

Đáng chú ý, dòng vốn giao dịch trên thị trường liên tục sụt giảm. Nếu như đầu năm mỗi phiên giao dịch vẫn còn trên 20.000 tỉ đồng thì nay chỉ xoay quanh mức 12.000 - 13.000 tỉ đồng. Ngay cả những phiên giảm sâu cũng không thể thu hút được dòng tiền vào bắt đáy như thông thường. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta VN, cho rằng TTCK liên tiếp nhận tin xấu và chủ yếu từ thị trường thế giới. Trong khi đó, dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong nước đã suy yếu từ quý 2/2022 đến nay. Vì vậy khi các thông tin xấu diễn ra thì tâm lý nhà đầu tư bi quan, dẫn đến áp lực bán tăng cao.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất và dự kiến còn tiếp tục thực hiện điều này đến năm 2023 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến chứng khoán nói chung. Cộng thêm những rủi ro không thể dự báo được về kinh tế chính trị thế giới sẽ khiến nhà đầu tư (NĐT) không muốn để tài sản dài hạn là cổ phiếu mà sẽ chọn những tài sản an toàn hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn từ ngân hàng cũng đang chậm lại và nhiều công ty không còn dòng tiền nhàn rỗi để tham gia vào chứng khoán. Vì vậy sẽ khó kỳ vọng thanh khoản tăng lại ở mức 18.000 - 20.000 tỉ đồng/phiên như năm vừa qua. Đặc biệt, dù chỉ số P/E (giá/thu nhập cổ phiếu) của TTCK đã xoay quanh 11 lần, là mức rất thấp, có thể tạo ra cơ hội cho NĐT nhưng vì tâm lý lo sợ nên cũng chưa thu hút thêm dòng tiền tham gia.

Ông Nguyễn Thế Minh phân tích: Trong lịch sử TTCK của VN, từ 2013 chỉ có 3 lần P/E về mức 11 lần và đây là lần thứ 4. Ước tính khi P/E về mức này thì xác suất thị trường xác lập lại mức tăng sau đó khoảng 2 tháng và hiện xác suất này là 72%. Nhưng như đã nói, vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi cho chứng khoán nên tâm lý NĐT vẫn còn lo lắng, bi quan nhiều hơn nên khó có thể biết được quá trình giảm khi nào sẽ kết thúc.

Đồng tình, chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cũng cho rằng những yếu tố tác động tới thị trường vẫn không thay đổi, có điều là phản ứng của NĐT ở thời điểm hiện tại tiêu cực hơn. Trong nước, dù kinh tế vĩ mô của VN vẫn tốt và ít bị ảnh hưởng bởi biến động quốc tế, nhưng thị trường vẫn xấu khi tâm lý NĐT lo ngại, dòng tiền đứng ngoài. Nhiều NĐT đang có tiền vẫn lo sợ nên cũng không muốn tham gia ở thời điểm hiện tại. Các NĐT chưa nên vội mua vào hay bắt đáy, bình quân giá... vì dễ bị gia tăng mức thua lỗ.

Tiền chảy vào ngân hàng, chứng khoán còn “đau thương”

Nhận định về xu hướng TTCK sắp tới, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng việc giảm giá thật ra đã diễn ra từ đầu năm đến nay và có thể còn tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2023. Các NĐT đang còn ở trong thị trường thì nên chờ các phiên hồi phục để giảm mạnh tỷ trọng CP và gia tăng giữ tiền mặt. Hay nói cách khác, theo ông thì lúc này nhà đầu tư nên "nghỉ tết sớm". Trong các kênh đầu tư từ đầu năm đến nay, gửi tiết kiệm là kênh an toàn, bảo đảm đủ mức sinh lời so với chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện các ngân hàng đều đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 1% lãi suất điều hành thì dòng vốn sẽ chảy về hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Thậm chí trước đây có thể nhiều NĐT còn để tiền ở tài khoản chứng khoán vì lãi suất kỳ hạn ngắn của các nhà băng thấp, nhưng nay kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng lên 5%/năm và kỳ hạn dài lên đến 8,2 - 8,4%/năm thì nhiều người sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cũng cho rằng xu hướng của TTCK không mấy lạc quan. Thực tế là sau khi Mỹ tăng lãi suất thì các chỉ số chính tại Phố Wall hay chứng khoán châu Âu, châu Á đều đi xuống nhiều phiên liên tiếp. Bên cạnh đó, xu hướng thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất của Mỹ hay nhiều ngân hàng trung ương vẫn còn tiếp tục diễn ra đến cuối năm và cả năm sau để đối phó và ngăn chặn lạm phát cao sẽ càng khiến cho chứng khoán phải chịu "đau thương". TTCK khắp nơi đã chao đảo khi NĐT muốn bán tháo để rút tiền ra và thị trường VN cũng sẽ không ngoại lệ. Hơn nữa, hiện nay lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở VN đã tăng lên và sẽ thu hút dòng tiền quay trở lại ngân hàng, kể cả những dòng vốn lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Tiền mặt là vua

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, bình luận: “Theo tôi tiền mặt hiện nay là vua. Giống như năm 2008 khi lãi suất của các ngân hàng đang ở mức cao thì người dân sẽ gửi tiết kiệm nhiều hơn, không chuyển vào các kênh đầu tư khác vì rủi ro đang gia tăng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.