Điều chưa kịp nói - Truyện ngắn của La Thị Ánh Hường

24/10/2021 06:15 GMT+7

1.Cuộc điện thoại cuối cùng Đơn kể với tôi về một đám tang vùng quê. Từ đầu làng đã nghe tiếng trống chiêng dồn dã, mà lạ, thứ âm thanh gì càng ngân lên càng thấy buồn.

Nỗi buồn âm ỉ như được cài đặt sẵn một cách vô thức. Chỉ cần nghe là thấy buồn.

Nhiều lúc Đơn nghĩ đám tang sao cứ phải là tiếng trống chiêng, tiếng đàn ảo não? Lòng người chưa đủ buồn vì cuộc chia ly không ngày gặp lại với người thân hay sao? Sao không phải là thứ âm thanh gì đấy cho nhẹ nhàng hơn, giúp người thân cân bằng hơn? Còn nhớ, có một lần, đến đám tang gia đình cô bạn, tổ chức theo nghi thức Công giáo, không tiếng trống chiêng hay kèn tây, kèn ta gì. Trên hai chiếc loa treo cao nơi góc tường phát ra những bản thánh ca với âm lượng vừa đủ nghe, từng ca từ rất ý nghĩa về tình yêu thương. Trong không gian âm nhạc và hương hoa lan tỏa, Đơn thấy lòng mình cũng nhẹ nhàng theo.

Đám tang ở làng Đơn, cảm giác cả làng như bị nhốt trong bầu trời u ám với đám mây xám xịt tưởng chừng chỉ cần một tác động nào đó, tấm màn xám trên đỉnh đầu ấy bị xé toạc, và nước, nước tuôn ầm ào như có máng xối khổng lồ từ không trung. Khi ấy, những người già nhiều kinh nghiệm trong làng nhìn dòng nước lênh láng trước sân mà ước lượng xem cơn mưa sẽ tạnh trong ngày hay kéo dài sang hôm sau. Rồi kiểm tra lại những nơi dễ ẩm mốc trong nhà, đám heo, gà, vịt, chó, mèo mải chơi đã kịp chạy về nhà trú ngụ hay chưa, thức ăn có đủ cho mùa mưa đi qua hay không…

Tôi nói với Đơn, thôi đừng nói chuyện tang tóc, nghe buồn quá!

Nhưng cuộc điện thoại chỉ lái sang câu chuyện khác vài phút, lại trở về tang tóc, một cách tự nhiên. Cũng bởi tình hình dịch giã căng thẳng thế này.

Dù vậy, xem ra vẫn có những đề tài ngoài cái chết, để nói với nhau cho thời gian trôi nhanh.

Đơn nói rằng, chúng ta khỏe mạnh, nhất định sẽ vượt qua cơn đại dịch này. Nhưng tôi nghe trong hơi thở của Đơn khe khẽ tiếng thở dài.

Tôi không phải là nhà tâm lý học, nên không có khả năng truyền đạt, hay chuyên môn để nhẫn nại dắt dìu Đơn ra khỏi những ý nghĩ tiêu cực đã ngấm sâu như một loại độc hại trong con người Đơn. Tôi cảm nhận rất rõ sự thức tỉnh của mình, trong một lần nghĩ đến cái chết, có một người nói với tôi một câu đơn giản: “Chỉ cần còn sống là có thể giải quyết được hết”. Nhưng tôi không đem câu đó nói với Đơn, bởi biết tính cách ương ngạnh và không nghe ai của cô ấy.

Tôi cũng có chút nhỏ nhen khi nhớ có lần kể với Đơn về vết trượt dài của mình, dẫn đến những ý nghĩ tiêu cực. Đó là khoảng thời gian tôi bị mất hứng thú với tất cả. Tôi nói rằng có khi nào đó là dấu hiệu trầm cảm không? Tôi nhớ như khắc ghi từng lời Đơn nói với tôi: “Nửa thế giới này trầm cảm giống Lam đấy!”. Nghĩa là chuyện của tôi bé tẹo thôi, chẳng đáng gì để quan tâm hay vỗ về. Tôi như trượt hẳn xuống hố đen sau câu nói của Đơn - người kề cận duy nhất của tôi khi ấy.

Mỗi lúc Đơn nói với tôi về dấu hiệu trầm cảm chực chờ, cái ý nghĩ xưa cũ lại hiện lên trong sự ích kỷ, để bụng của tôi. Tôi lại phải gồng mình đè nó xuống. Đấy là con người cũ của Đơn, giờ Đơn khác rồi - tôi cố nghĩ như vậy. Nhưng giúp Đơn như thế nào thì tôi vẫn không biết cách.

Minh họa: Tuấn Anh

2.

Tôi nói cuộc gọi cuối cùng của Đơn, vì lần tiếp theo là tôi gọi cho Đơn. Khi ấy, tôi vừa có kết quả dương tính với virus Corona. Tôi gọi để báo với Đơn, có khi trong thời gian điều trị, tôi không nghe điện thoại hay gọi cho Đơn được. Đơn cũng lo lắng, căn dặn tôi một số điều cần thiết. Căn bệnh này như một trải nghiệm mới mẻ mà không một ai mong muốn. Mới mẻ còn vì người căn dặn thường là khỏe mạnh, chưa trải qua. Cứ dặn theo thông tin cập nhật từ khắp các kênh tin tức, internet vậy thôi.

Đơn cũng không có kinh nghiệm để biết mà dặn tôi một điều quan trọng cho việc giữ kết nối: cầm theo chiếc điện thoại “pin trâu”. Đó là chiếc điện thoại tôi với Đơn xài sim đôi được khuyến mãi để gọi miễn phí, thời internet chưa rầm rộ với các phần mềm gọi điện qua mạng như bây giờ. Mà công nhận đúng “pin trâu”. Có ngày chúng tôi tám với nhau vài tiếng, mà cả tuần mới phải sạc pin một lần. Nếu chỉ cần để gọi thông tin cho nhau, có khi chưa hết pin thì tôi đã xuất viện. Nhưng tôi đã không mang nó theo. Tôi mất liên lạc với Đơn từ đó.

Tôi nhớ ở cuộc gọi ấy, Đơn hối hả nói với tôi nhiều điều, câu cuối cùng Đơn nhắc đi nhắc lại hơn hai lần nên tôi nhớ rõ nhất: “Mình sẽ gặp lại nhau, Đơn có điều muốn hỏi Lam, nên nhất định sẽ gặp lại nhé!”.

Trong thời gian điều trị, có hơn một lần tôi nghĩ về câu nói ấy của Đơn. Chúng tôi gặp gỡ nhau quá nhiều, nói với nhau ngày nọ qua ngày kia, từ trực tiếp cho đến qua điện thoại, rồi mạng xã hội. Một lần Đơn nói, phải chi Đơn với chồng mà cầm điện thoại nói với nhau lâu vậy, có khi đã không ly hôn. Tôi với Đơn cứ cầm máy thôi, nhiều khi chẳng có chuyện gì cụ thể, cũng cứ gọi, nhất là trong mùa giãn cách kéo dài. Vì vậy mà tôi không nghĩ Đơn còn điều gì chưa kịp hỏi tôi.

Có khi đó chỉ là chiêu tâm lý, theo kiểu để người điều trị nhất định có động lực quay lại, không được “đi luôn”. Con virus này khó lường mà, nhiều khi khỏe mạnh vậy đó nhưng chỉ qua vài hơi thở khó khăn, chúng như một kẻ cướp hung hãn, xâm lấn cướp mất đi mạng sống.

Giường bên cạnh của tôi cũng là cô gái trẻ tuổi. Cô cũng kể một chuyện tương tự trước khi vào nơi này - ân nhân mà cô ấy khắc ghi mãi trong lòng, chưa có dịp trả ơn, đột nhiên gằn giọng với cô ấy trước khi vào viện, bảo rằng, nếu coi anh ta là ân nhân thì nhất định phải sống để trả ơn đó, biết chưa?

Tôi nhất định phải sống. Sẽ sống. Dù câu nói của Đơn chỉ là chiêu tâm lý, hay có nội dung thật. Tôi phải sống vì tôi muốn sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa với món quà lớn lao mà tôi nhận được đó là: tôi đã có mặt ở trên cuộc đời này!

Ý nghĩ mạnh mẽ cần phải sống ấy, tôi còn nghĩ sau khi xuất viện, nhất định bằng cách nào đấy tôi sẽ truyền đạt với Đơn. Để cô ấy không ủ rũ theo kiểu “sống chỉ chờ ngày chết” - như có lần cô ấy nói.

3.

Ngày tôi về, hôm ấy bầu trời trong xanh đẹp quá! Hay vì quá lâu tôi không thấy bầu trời, nên mới thấy cái màu xanh mát lành, dịu dàng thư thái đến như vậy.

Phố xá vẫn lặng lẽ bước chân người. Thành phố kéo dài giãn cách để an toàn cho người dân. Cánh cổng ân cần đón bước chân tôi. Bụi tường vi thiếu nước gục hẳn xuống. Tôi ngồi hẳn xuống, khẽ chạm tay vào từng chiếc lá, lòng dấy lên nỗi xót thương không gọi thành tên. Một trong những cành cây chạm phải bàn tay tôi, cảm giác mát lạnh của sự sống lan tỏa đến từng tế bào trong tôi. Tôi mừng rỡ vội lấy nước tưới cho bụi cây, thủ thỉ cảm ơn cây đã cố gắng sống chờ tôi trở lại. Khi ấy, có cơn gió đi qua, những tán lá vờn lấy bàn tay tôi, mừng rỡ, tủi hờn…

Tôi sạc điện thoại để gọi cho Đơn. Hình dung ra Đơn sẽ vui mừng khi thấy tên tôi hiện lên trên màn hình gọi tới. Rồi Đơn sẽ bắt máy, đùa vui một câu gì đấy. Đơn là vậy, chưa bao giờ thể hiện tình cảm trong ngôn ngữ. Nhưng giữa chúng tôi luôn hiểu, có những điều dành cho nhau ẩn sâu bên trong, nó nằm ngoài thứ ngôn ngữ thông thường. Cùng lắm, Đơn sẽ chỉ hỏi, khi nào chúng ta mới tự do gặp nhau như ngày trước nhỉ? Ấy là khi tôi hiểu, chỉ cần đường phố hết giãn cách, nhất định Đơn sẽ qua nhà tôi.

Trong lúc chờ sạc pin, tôi pha một tách trà. Loại trà này nhẹ, thanh, thường tôi chỉ dùng khi có khách. Một lần Đơn với bạn Đơn đến, cô ấy nói, cả hai không biết uống trà đâu, cứ nước lọc cho tiện. Nhưng tôi vẫn pha trà, như một thói quen. Câu chuyện của ba cô gái không dứt ra được. Và tôi để ý đã pha đến bình trà thứ ba, cuộc nói chuyện bên tách trà nhẹ nhàng theo thời gian, đến khi màu trà, màu nắng nhạt dần…

Tôi pha loại trà nhạt này, vì cũng nhớ đến Đơn với kỷ niệm uống trà vui vui ấy…

Màn hình điện thoại bật lên, máy tự kết nối mạng. Tôi chưa kịp chạm số gọi cho Đơn thì màn hình nhảy liên tục, những tin nhắn, cuộc gọi… Tôi chạm vào tin nhắn của một người bạn vì vẻ như cô ấy đã cố liên lạc với tôi bằng cách gọi rất nhiều lần. Dòng tin nhắn làm tôi sững sờ: “Đơn mất rồi. Sao liên lạc với Lam mãi không được?”. “Đơn mất rồi Lam ơi, phải làm sao đây?”. “Lam ơi”…

Tôi ngồi hẳn xuống, bởi vì hai bàn chân không còn khả năng giữ cơ thể nữa. Tôi không tin. Tôi cần xác minh bằng cách bình tĩnh gọi cho Đơn. Số máy không còn tín hiệu. Tôi lên mạng xã hội, mở trang cá nhân của Đơn. Không có dòng trạng thái tưởng nhớ như một số người đã mất. Ở status mới nhất, đó là khi tôi vô bệnh viện được năm ngày, Đơn đăng hình một bông hoa tuyết lạnh. Tôi kéo xuống phần comment, có đến vài trăm comment lời chia buồn với nội dung na ná nhau.

“Đơn mất đột ngột ở nhà” - người bạn chỉ thông tin ngắn gọn đến tôi như vậy.

Tôi tìm cách “kết nối” với Đơn, trong tâm thức mình, nhưng không có một điều gì khởi lên trong tôi. Tôi vẫn không tin con người ta nằm xuống là mọi thứ mất đi. Tôi tin vào nguồn năng lượng, có thể kết nối với nhau bất cứ ở thế giới nào. Nhất là giữa tôi và Đơn còn nhiều điều cần nói với nhau.

Nhưng liệu sự cố gắng kết nối ấy có tốt cho Đơn? Dù sao đó cũng đã là quá khứ, không thể thay đổi được. Điều tôi muốn biết để xoa dịu nỗi đau mỗi khi người thân của mình ra đi, đó là những ngày cuối đời của họ có nhẹ nhàng không, có nỗi đớn đau nào vượt sức chịu đựng không? Nếu có thì tôi sẽ dằn vặt mình thêm, vì chẳng thể giúp gì họ ở thời khắc ấy, chẳng thể nắm tay họ tiễn đưa đoạn đường cuối cùng, chẳng thể nhìn vào mắt họ nói rằng tôi rất mạnh mẽ đón nhận, họ hãy yên tâm ra đi nhé…

Khi nhận được câu trả lời họ ra đi trong thanh thản, lòng tôi mới thấy an. Lần này, làm sao tôi an khi cả lý do Đơn ra đi vì gì, tôi cũng không biết? Lẽ nào Đơn đã cố ý buông tay giữa những chuỗi ngày ảm đạm kéo dài?

4.

Một ngày thành phố đã khống chế được dịch. Mức độ an toàn để người dân có thể hòa nhập cuộc sống bình thường. Tôi đón lấy chùm tường vi tươi hồng trong làn gió mát. Những tháng ngày cũ cũng dần chìm sâu vào ngăn ký ức.

Hôm ấy, bầu trời như tấm thảm màu xanh khổng lồ, có vài vệt mây như nét vẽ đầy ngẫu hứng của người họa sĩ, nhưng lại trừu tượng với người thưởng ngoạn. Tôi ngắm thật lâu bức tranh ấy, theo câu chuyện của riêng mình, “có rất nhiều cách kết nối với nhau, để dù không còn gặp nhau vẫn có thể cảm nhận về nhau, thậm chí là đối thoại với nhau” - thầy dạy thiền nói nhiều lần với tôi như vậy. Và sau cái chớp mắt, tôi thấy Đơn trên những đám mây bồng bềnh.

Đơn nhìn thanh thản hơn cả những lần đầy lo toan mà tôi gặp gần đây. Còn nhớ ngày biết tin Đơn mất, tôi đã quay quắt với ý nghĩ phải hỏi xem điều cô ấy muốn nói với tôi là gì? Nhưng trong lúc này, nhìn vẻ thanh thản trên gương mặt của cô ấy, tôi biết cô ấy đã nhận được câu trả lời từ tôi rồi! Phải không Đơn?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.