Điều chỉnh tên gọi và hồ sơ di sản lễ giỗ bà Phi Yến là kịp thời

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
23/06/2022 11:12 GMT+7

Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam cho biết đã nắm được tinh thần công văn của Bộ VH-TT-DL, tiếp tục theo dõi việc thực hiện điều chỉnh tên gọi và hồ sơ di sản lễ giỗ bà Phi Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Ngày 23.6, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, cho biết đã nắm được thông tin về công văn số 2135/BVHTTDL-DSVH của Bộ VH-TT-DL do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký yêu cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu điều chỉnh tên gọi và hồ sơ di sản quốc gia đối với Lễ giỗ bà Phi Yến (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, phát biểu tại buổi tọa đàm khoa học về “An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo, vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản”.

Bùi NGọc Long

Theo ông, đây là điều chỉnh kịp thời và phù hợp sau khi Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam có thư kiến nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
Theo ông Nam, công văn của Bộ là kịp thời. Tuy nhiên yêu cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, ngoài việc thay đổi tên gọi của di sản, điều chỉnh nhiều chi tiết sai lệch trong hồ sơ liên quan đến nhân vật lịch sử vua Gia Long, cần phải điều chỉnh nội dung thuyết minh về di sản, điều chỉnh nội dung trên văn bia đặt tại di tích.

Đối với di sản "Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu", sau khi được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quyết định công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã kiến nghị thu hồi quyết định.

Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức khảo sát về di sản trong cộng đồng chủ thể di sản tại Côn Đảo, làm việc với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan (gồm Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) để xem xét lại quy trình kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và những nội dung liên quan đến kiến nghị.

Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VH-TT-DL đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức Đoàn công tác làm việc với Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên - Huế về nội dung kiến nghị.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Huế) ký vào bản kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam

Bùi Ngọc Long

Ngày 16.6, Bộ VH-TT-DL tiếp tục phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia xem xét thêm về kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam liên quan đến hồ sơ di sản "Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến".

Điều chỉnh tên gọi và hồ sơ để tránh gây xung đột cộng đồng

Theo văn bản của Bộ VH-TT-DL, qua kết quả làm việc, nghiên cứu hồ sơ, tư liệu liên quan, Bộ VH-TT-DL cho rằng di sản "Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến" với các tên gọi khác là Lễ giỗ Bà, Lễ hội bà Phi Yến (theo hồ sơ đề nghị của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có giá trị đáp ứng các tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc ghi danh di sản nhằm ghi nhận những giá trị sáng tạo văn hóa tinh thần của cộng đồng chủ thể di sản tại Côn Đảo và khuyến khích, nâng cao ý thức trong việc thực hành, trao truyền di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của chính cộng đồng chủ thể.
Đồng thời, còn là sự ghi nhận một lễ hội - thực hành tín ngưỡng của họ được pháp luật bảo hộ, hoàn toàn không mang ý nghĩa vinh danh hay công nhận một nhân vật lịch sử hoặc một sự kiện lịch sử.

Lăng vua Gia Long tại cố đô Huế

Bùi NGọc Long

Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất di sản với tên gọi "Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu", cùng một số chi tiết trong hồ sơ đề cập tới truyền thuyết bà Phi Yến có thể gây ra hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử, trong khi, với cộng đồng, di sản có các tên gọi: Lễ giỗ Bà, Giỗ Bà, Giỗ bà Phi Yến, Giỗ bà Hoàng Phi Yến...

Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng cộng đồng chủ thể của di sản, tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với cộng đồng chủ thể của di sản nghiên cứu, điều chỉnh tên gọi chính thức của di sản tại hồ sơ và các thành phần kèm theo cho phù hợp; tránh dùng tên gọi có thể gây ra hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử như đã nêu trên.

Việc địa phương được đề nghị phối hợp xử lý là căn cứ theo thẩm quyền, trách nhiệm được phân cấp của Luật Di sản văn hóa, các quy định của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Luật Di sản văn hóa, Thông tư số 04-2010.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể theo hướng làm sâu sắc hơn những giá trị cốt lõi, đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của cư dân biển đảo; đồng thời lược bỏ những yếu tố mới, không xác thực về lịch sử trong hồ sơ.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, điều chỉnh nội dung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản và di tích liên quan như Di tích lịch sử - văn hóa An Sơn miếu đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng di tích cấp tỉnh - địa điểm được cộng đồng tổ chức Lễ giỗ bà Phi Yến hằng năm để tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, xung đột giữa các cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.