Diễu binh, diễu hành mừng ngày đất nước thống nhất

30/04/2010 08:00 GMT+7

(TNO) Sáng nay 30.4, tại Công viên 30.4 (trước Dinh Thống Nhất, TP.HCM), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, với sự tham gia của gần 50.000 người.

>>  Chiến thắng 30.4.1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước
>> Tri ân đội hùng binh Hoàng Sa
>> Quán phở của vợ cũ ông cựu phó tổng thống
>> Non sông liền một cõi
>> Tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
>> Bi hùng Hoàng Sa
>> Mít tinh kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước
>> Tài liệu chưa từng công bố của chính quyền Sài Gòn
>> Những ngày cuối chính quyền Sài Gòn qua tài liệu CIA

Đến dự có các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Chủ nhiệm UB Kiểm tra T.Ư Nguyễn Văn Chi, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, đại tướng Lê Hồng Anh - Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng...

Tổng bí thư Nông đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi hoa chúc mừng.

Trong không khí phấn khởi cả nước hướng về ngày lịch sử 30.4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã ôn lại những cột mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc.

Ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Sài Gòn Gia Định là nơi đầu sóng ngọn gió, dưới lá cờ Đảng, cùng đồng bào cả nước, người dân TP đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đấu tranh trên thành đô khiến kẻ thù khiếp vía... Ngày hôm nay, người dân TP tiếp tục quyết tâm nguyện sống xứng đáng với các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của cả nước trong sự nghiệp xây dựng đất nước; chung sức chung lòng xây dựng TP.HCM thành TP xã hội chủ nghĩa văn minh hiện đại, trung tâm kinh tế, công nghiệp, giáo dục, văn hóa, xã hội đi đầu của cả nước.

Trong buổi lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng Huân chương Sao Vàng (lần thứ hai) cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.

Tiếp theo là phần biểu dương lực lượng vũ trang của TP. Tiếp bước các chiến sĩ đi trước, những bậc cha anh đã lớp lớp xung phong ra chiến trường, ngày nay, các lực lượng vũ trang, công an, an ninh đang ngày đêm cảnh giác, chiến đấu chống tội phạm, các thế lực thù địch nhằm bảo đảm yên bình trên mỗi góc phố, mỗi căn nhà.

Từng chiếc xe hoa của các lực lượng kinh tế, giáo dục, các tổ chức xã hội trên toàn TP.HCM cũng từng bước tiến qua lễ đài, báo cáo những thành tích mà mình đã đạt được.

Sau 35 năm xây dựng, TP.HCM đang là TP dẫn đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng, chiếm 20% tổng sản phẩm nội địa và 30% ngân sách cả nước.

TP.HCM cũng phấn đấu nâng mức sống của nhân dân. Những công trình xây dựng hạ tầng đô thị đang thành hình và được đưa vào sử dụng. TP tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hoàn thiện hạ tầng đô thị, giao thông… Để có được những thành tích đó, người dân TP ở các lĩnh vực, cơ sở kinh tế đã nỗ lực hết mình. Thế hệ trẻ TP ngày nay đang cố gắng vượt bậc trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiên cứu phát triển vào các ngành khoa học, công nghệ cao để xứng đáng là công dân TP mang tên Bác...

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi lễ:


Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự Lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP.HCM


Hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn...


Và niềm vui ngày chiến thắng được tái hiện trong lễ kỷ niệm


Các lực lượng vũ trang TP.HCM diễu binh


Người dân TP tham gia trong lễ mít tinh sáng 30.4


Đoàn diễu hành của các tổ chức kinh tế, xã hội tại TP.HCM.
Qua 35 năm xây dựng, TP.HCM luôn đi đầu cả nước trong tất cả các lĩnh vực...


Và đang vươn ra tầm thế giới


Học sinh, sinh viên tiêu biểu của các trường trong TP tiến qua lễ đài với quyết tâm nối bước cha anh vì đất nước phát triển giàu đẹp


Không những học tập và công tác tốt trong lĩnh vực chuyên môn, lực lượng Đoàn viên, thanh niên TP còn sẵn sàng tham gia vào các hoạt động từ thiện, xã hội


Màn đồng diễn biểu trưng cho sức sống mới từ thiếu nhi TP.HCM


Những tà áo dài trắng tung bay trong nắng sáng 30.4


Niềm vui của người dân TP.HCM trong không khí kỷ niệm ngày 30.4


Tiết mục biểu diễn hướng về đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội


Sắc đỏ vàng tung bay rợp trời tại công viên 30.4, trước dinh Thống Nhất (TP.HCM) trong ngày kỷ niệm miền Nam hoàn toàn giải phóng

Các hoạt động mừng 30.4

* Lễ hội:

- Lễ hội du lịch “Đồ Sơn biển gọi”: từ 29.4 - 2.5 tại Hải Phòng.

- Carnaval Hạ Long 2010: diễn ra vào ngày 1.5 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Buổi tối (21 giờ 40 đến 23 giờ), có vũ hội hóa trang và bắn pháo hoa.

- Lễ hội du lịch hè Sầm Sơn (Thanh Hóa) năm 2010: khai mạc ngày 29.4.

- Triển lãm nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc về tác phẩm thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh: từ ngày 29.4-6.5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Giải đua xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM: chặng đua cuối từ Cần Thơ về TP.HCM (dự kiến về đích trước dinh Thống Nhất lúc 11 giờ, trao giải lúc 16 giờ 30, ngày 30.4), được trực tiếp trên VTV3 và HTV9.

- TP.HCM tổ chức Chương trình ca múa nhạc đặc biệt có chủ đề Hát về thành phố mang tên Bác - Thành phố anh hùng (lúc 19 giờ, tại công viên 23.9, ngày 30.4), được truyền hình trực tiếp trên HTV9.

- Bắn pháo hoa mừng 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (TP.HCM), diễn ra lúc 21 giờ đến 21 giờ 15 (30.4). Có 5 điểm bắn tầm cao: Khu vực xưởng đóng tàu Caric (Q.2), Khu công nghệ cao (Q.9), Khu vực ngã tư Giếng Nước (huyện Hóc Môn), Khu tái định cư Tân Túc (huyện Bình Chánh), Dự án xây dựng trung tâm hành chính Q.7; 2 điểm bắn tầm thấp: Công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11), Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).

* Truyền hình mừng lễ 30-4:

- VTV4 phát sóng nhiều chuyên mục, phim tài liệu, phim truyện kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như: Khi chiến tranh đã đi qua (0 giờ 35), Bao giờ cho đến tháng 10 (2 giờ, 10 giờ), Thành phố Hồ Chí Minh 35 năm sau (3 giờ 30, 9 giờ 15), Hòa giải với Việt Nam (6 giờ 30), 35 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam (8 giờ), Việt Nam qua con mắt của một nhà báo Mỹ (8 giờ 30, 22 giờ), Cuộc hội ngộ sau 30 năm (12 giờ), Michael Maclear và cuộc chiến 10.000 ngày (16 giờ), Ký sự Trường Sa (19 giờ 30), Những con người của thời điểm lịch sử (20 giờ), Quá trình hoà giải Việt Nam- Hoa Kỳ (23 giờ).

- VTV1: truyền hình trực tiếp chương trình Giao lưu nghệ thuật: Bài ca thống nhất (20 giờ), Người đương thời Bí quyết của người chỉ huy giỏi (22 giờ 35).

- VTV9: lúc 23 giờ 5 (30.4 và 1.5) phát sóng phim tài liệu dài 85 phút Thưa ngài, chắc chắn là không! Đây là bộ phim được đánh giá là một trong những phim tài liệu hay nhất về chiến tranh VN, do đạo diễn David Zeiger thực hiện.

Khi cuộc đời thay đổi

Chung cư cao tầng Tân Mỹ (Q.7, TP.HCM), chiếc thang máy vừa mở cửa thì 4-5 cô cậu bé từ trong ùa ra rồi lại đi vào. Đám trẻ con cứ tò mò khám phá, đi lên rồi lại đi xuống thang máy như thế đầy thích thú. Bởi lẽ, từ lúc sinh ra, các em chỉ quen với việc đi lên đi xuống bờ kênh sông nước của những căn nhà sàn cất bên bờ rạch. Nay cuộc sống đó lại hóa vào những chung cư mới toanh của TP.


Ngày dọn nhà của người dân rạch Ụ Cây về khu chung cư Tân Mỹ - Ảnh: Minh Nam

Trước ngày 30.4 năm nay, 300 căn hộ tái định cư tại chung cư Tân Mỹ (Q.7) đã được trao cho các hộ dân trong diện giải tỏa rạch Ụ Cây (Q.8). Họ là những người gần cả một đời người gắn bó với màu nước sông đen kịt, với mùi hơi ẩm bốc lên thành quen thuộc đến nỗi chẳng còn thấy hôi. Sinh ra - lớn lên - dựng vợ gả chồng - rồi sinh con đẻ cái ở rạch Ụ Cây (Q.8, TP.HCM) - nơi mà mọi người quen gọi là “xóm bộ lạc”.

Cả một khu dân cư ổ chuột chẳng biết hình thành từ bao giờ, nay đã mang một diện mạo mới.

Thế hệ mới chào đời

Chú Lê Văn Út, năm nay đã bước qua tuổi 55, sinh ra và ở trên rạch Ụ Cây từ nhỏ, đến lúc lập gia đình cũng ở ngay tại con rạch này, là một trong những người xung phong di dời đợt đầu về chung cư Tân Mỹ.


Bác Út cùng cháu nội hóng mát và hít thở không khí trong lành tại khu chung cư tái định cư Tân Mỹ - Ảnh: Nguyên Mi

Ngày cả nhà bắt đầu cuộc sống mới ở một khu ở mới thì cũng là ngày thế hệ thứ ba của nhà chú chào đời. Chú lên chức ông nội. Hôm nay, cả gia đình ba thế hệ cùng đoàn viên trong một căn hộ 36m2 ở tầng 4, chung cư Tân Mỹ chứ không phải ở trên con rạch lụp xụp ngày nào.

Tuy diện tích hơi chật nhưng: “Khác với ông bà, cha mẹ, cháu nội tui giờ không phải giật mình mỗi khi trời mưa lớn nước dột ở trên, nước dâng ở dưới và gián chuột nổi lên sàn nhà. Nó cũng không phải hít thở không khí hôi ẩm của dòng nước đen nữa”, chú Út tâm sự.

Vừa bế cháu nội hóng mát tại lan can căn hộ, mắt nhìn xa xăm, chú trút hết dòng tâm sự: “Gần hết đời người, qua được khu ở mới quá mừng! Đối với tui như thế là quá đủ, chứ hai căn nhà cũ của tui chưa chắc đổi được một căn nhà như thế này. Con cháu cũng được đổi đời theo”.


Từ khoản tiền bồi thường và hỗ trợ tái định cư, nhiều gia đình còn có thể mua thêm những vật dụng trong nhà - Ảnh: Nguyên Mi

Gia Huy là tên ông bà chọn đặt cho thành viên mới ra đời của gia đình mình, công dân mới của TP. Cái tên như đánh dấu một ước vọng của gia đình, của những thế hệ đang đón nhận cuộc sống thay đổi ngày càng tươi đẹp hơn.

Đám cưới không kênh rạch

Các hộ dân mới được tái định cư tại chung cư Tân Mỹ này nằm trong dự án Dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (thuộc P.9, 10, 11, Q.8). Đây là khu vực người dân chỉ toàn sống trong những căn nhà tạm bợ cặp bờ kênh rạch, với công việc làm thuê, làm mướn.

Sự nghèo khó đã làm nên suy nghĩ con gái, con trai trong xóm chỉ lấy nhau mà không nên lấy người ngoài. Thế là, từ trước đến giờ, trong xóm chỉ toàn là những đám cưới trên kênh rạch. Những đôi vợ chồng trẻ lại tiếp tục chen chúc sống bên bờ rạch. Rồi con cái lớn lên cũng lại theo "tập tục" của xóm mà lấy nhau. Thế nên, người dân sống ven rạch Ụ Cây còn có cái tên “xóm bộ lạc”.

Những ngày này, trong căn nhà mới của mình, anh Thái Văn Mỹ đang lui cui sắp soạn đồ đạc. Vợ chồng anh chị cũng đang chuẩn bị đám cưới cho cô con gái mình tại căn nhà mới này.


Chị Hảo lau chùi, chăm chút cho căn bếp mới của mình - Ảnh: Nguyên Mi

“Ngày xưa, cha mẹ thương nhau và lấy nhau chỉ với cái đám cưới đơn sơ bên mái “chòi” trên kênh rạch. Nay, ngày con gái lấy chồng, được tổ chức tại căn nhà khang trang cũng nở mày nở mặt với nhà chồng, bè bạn, cho con có cuộc đời tươi sáng, no ấm hơn”, vợ anh Mỹ chia sẻ.

Những thói quen mới

Khu chung cư Tân Mỹ còn thơm mùi sơn mới, lớp keo dán của chiếc thang máy còn chưa mở ra hết. Trong những ngày này, nhiều hộ dân đang tiếp tục chuyển đồ về nhà mới. Các hành lang rộn rịp tiếng nói cười.

Chiều chiều, các cụ ông, cụ bà lại tản bộ vòng vòng khu chung cư tập thể dục, hít từng hơi thật sâu không khí trong lành.

“Sống từ nhỏ ở rạch Ụ Cây quen mùi nên không thấy gì, chứ giờ về lại mới thấy mùi của kênh rạch ô nhiễm”, một cụ ông cười nói.


Xóm nước đen ven rạch Ụ Cây (Q.8) rồi đây sẽ biến mất để thay vào đó bằng một khu chung cư mới khang trang - Ảnh: Viên An

Vừa rồi, TP.HCM có đợt mưa lớn trái mùa bất chợt, nhiều người giật mình chuẩn bị xô chậu để hứng nước mới ngớ người ra phì cười, nhà giờ đây đâu còn cảnh dột. Căn nhà mới đối với nhiều hộ dân từ con rạch Ụ Cây mới chuyển về giống như “ngôi nhà mơ ước”.

Mỗi ngày, chị Đặng Vĩnh Hảo lau chùi nhà mình đến hai lần, lau chùi luôn cả hành lang dọc lối đi trong khu ở. Vì theo chị Hảo: “Mình đã sống ở ổ chuột ọp ẹp cả đời, nay về nhà mới thì phải có ý thức giữ vệ sinh sạch đẹp. Nếu không, qua thời gian lại biến nơi đây thành khu ổ chuột lại. Quyết thoát cảnh ổ chuột thì phải thay đổi ý thức, không để mang tiếng sống bê bối, mất vệ sinh được”.


Căn hộ mới cũng tạo nên sự biến đổi mới trong nếp sống, cách sinh hoạt của những hộ dân chuyển về nơi đây - Ảnh: Nguyên Mi

Anh Mỹ say sưa kể về khu nhà mới với những ước mơ mới, xây dựng cuộc sống mới: “Ở đây yên tĩnh, tối làm việc mệt về nghỉ ngơi, thư thả, mở ti vi xem thời sự. Sống ở mé sông, mình quen cứ vứt mọi thứ rác thải xuống sông. Nay thì phải gọn gàng, có thùng rác, nhà vệ sinh hẳn hoi”.

***

Dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây, (thuộc P.9, 10, 11, Q.8) được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 vào ngày 10.2.2010. Đây là chương trình trọng điểm về phát triển nhà ở của TP, xóa bỏ nhà ổ chuột, do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Theo đó, có 2.552 căn hộ bị giải tỏa với trên 14.000 người.

Ngoài chung cư Tân Mỹ, theo thông báo mới đây của UBND Q.8, người dân có thể lựa chọn các khu tái định cư khác, như: chung cư An Phú - An Khánh (Q.2), chung cư An Sương (Q.12), chung cư Bùi Minh Trực III (Q.8), chung cư 99 Bến Bình Đông (Q.8) hoặc khu chung cư thương mại dự án rạch Ụ Cây (tái định cư tại chỗ), chung cư 481 Bến Ba Đình (Q.8).

Cách đây hai năm, khi phóng viên Thanh Niên Online chúng tôi đến “xóm bộ lạc” nơi rạch Ụ Cây để viết bài, bác Trần Thị My, một cư dân kỳ cựu trong xóm từng hi vọng: "Người dân nghèo nơi đây đang từng ngày ấp ủ hy vọng về kế hoạch giải tỏa khu vực. Họ sẽ dời nhà vào chung cư hoặc những khu tái định cư sạch sẽ, khang trang hơn. Theo đó, một cuộc sống mới với biết bao hy vọng thoát nghèo, đổi đời sẽ dần thành hiện thực… Lúc ấy, cái danh xưng "xóm bộ lạc" bị xóa sổ nhưng chắc chắn không ai buồn mà chỉ vui thôi…".

Trong những ngày này, tại rạch Ụ Cây, ngày nào cũng có đoàn dọn nhà. Một là qua khu chung cư Tân Mỹ, một là qua khu chung cư An Sương (Q.12). Còn tại khu vực rạch Ụ Cây này, trong tương lai, một khu chung cư mới cũng sẽ mọc lên thay cho xóm nước đen từng được mệnh danh là “xóm bộ lạc”.

Tồn tại cùng với mấy thế hệ đời người, con xóm như bị bỏ quên giữa lòng TP ngày nào, với nước máy không có, điện thì chập chờn do câu nối, nay đang thay da đổi thịt như khẳng định diện mạo mới hiện đại và phát triển của TP.HCM. Và như thế, hàng chục con xóm ven kênh cũng đang chờ thay đổi...

Viên An

Những công trình vươn lên từ TP

Sau ngày giải phóng Miền Nam 30.4, TP.HCM đã đi qua chặng đường 35 năm xây dựng và hoàn thiện mình. Chưa bao giờ, nơi đây lại phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh như lúc này.

Những công trình mới là những đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội các khu vực của TP.HCM. Đồng thời, bên cạnh Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Dinh Thống Nhất, Bến Nhà Rồng, những công trình hạ tầng đang vươn lên cũng tạo nên những biểu tượng mới của một đô thị năng động, hiện đại.

Đại Lộ Đông Tây

Đại lộ Đông Tây như một mũi tên xuyên từ cửa ngõ phía tây nam vào thẳng trung tâm Q.1 của TP.HCM. Đại lộ có tổng chiều dài 21,98 km bao gồm 1,49 km đường hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm). Điểm đầu của Đại lộ Đông Tây giao với Quốc lộ 1A tại huyện Bình Chánh. Điểm cuối giao với Xa lộ Hà Nội. Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư trên 9.860 tỷ đồng.


Đại lộ Đông Tây ngày thông xe giai đoạn 1(2.9.2009) - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đại lộ có chiều rộng mặt đường từ 60-100m, cho phép xe chạy tới tốc độ 80 km/giờ. Việc đưa vào sử dụng con đường huyết mạch mới này, TP hi vọng sẽ giảm đáng kể những điểm ùn tắc giao thông trước đây ở các trục đường ra cửa ngõ về miền Tây.

Đại lộ Đông Tây thông xe suốt tuyến không những sẽ giải quyết vấn đề giảm tải giao thông cho khu vực trung tâm TP, mà tuyến đường còn tạo hành lang cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế phía Nam TP

Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP.HCM

Đại lộ Đông Tây đã thông xe giai đoạn 1, có chiều dài 13km vào dịp lễ Quốc khánh 2.9.2009 và đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đến khoảng tháng 4.2011, toàn bộ dự án Đại lộ Đông Tây sẽ hoàn thành, dài 21,9 km, từ nút giao với Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), xuyên vào trung tâm TP, vượt sông Sài Gòn và nối vào Xa lộ Hà Nội tại nút giao Cát Lái (Q.2).

Cùng với việc thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây, các tuyến đường ven kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đi qua địa bàn các quận 1, 4, 5, 8 về hướng tây thành phố cũng được nâng cấp, mở rộng lên từ 42-60m cho phép các phương tiện lưu thông với tốc độ 60 km/giờ.


Những chiếc xe bon bon chạy trên tuyến đường đẹp và hiện đại nhất TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa


Cầu Phú Mỹ

Cầu Phú Mỹ được khởi công chính thức vào ngày 22.2.2007, khánh thành ngày 2.9.2009 (sớm hơn tiến độ dự kiến 4 tháng).

Cầu Phú Mỹ (nối từ Q.7, vượt sông Sài Gòn, qua Q.2). Đây là cây cầu dây văng đẹp và hoành tráng nhất TP.HCM, với thiết kế dây văng có dạng như tấm lưới, tiêu biểu cho hình ảnh của vùng sông nước miền Nam, hai trụ tháp sừng sững vươn đến độ cao 140m...


Cầu Phú Mỹ lộng lẫy trong đêm TP - Ảnh: Diệp Đức Minh

Với tổng mức đầu tư là 2.077 tỉ đồng, cầu Phú Mỹ có chiều dài hơn 2.000m, bao gồm 705m nhịp dây văng và 1.331m nhịp dẫn. Ngoài ra, còn có hai đường dẫn vào cầu dài 257m, chiều rộng mặt cầu là 27,5m. Cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn ở vị trí cạnh cảng rau quả nối Q.7 (tại phường Tân Thuận Đông) với Q.2 (tại phường Thạnh Mỹ Lợi).

Cầu cũng được thiết kế đảm bảo cho tàu thuyền có trọng tải lên đến 30.000 DWT qua lại, sẽ thúc đẩy việc xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua các cảng khu vực TP.HCM và các cảng phía Nam.


Tham dự Lễ khánh thành cầu Phú Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng đánh giá, việc kết nối cầu Phú Mỹ với các tuyến đường trục chính đô thị là yếu tố quyết định tạo hành lang lưu thông mới của trục vận tải từ miền Bắc, miền Trung đi về Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội phía Đông và phía Nam TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh 

Cầu Thủ Thiêm

Đầu năm nay (ngày 31.1), cầu Thủ Thiêm đã chính thức thông xe giai đoạn 2. Cây cầu kết nối Q.Bình Thạnh với Q.2. Giai đoạn 2 của công trình này được thông xe đã bổ sung nhánh cầu N1 rộng 3 làn xe, hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh rộng 4 làn xe và trạm bơm phía ngoài hầm với 3 máy bơm công suất lớn, đảm bảo thoát nước mưa cho hầm chui.


Từ cầu Thủ Thiêm phóng tầm mắt ra xa có thể chiêm ngưỡng cả vẻ đẹp của cây cầu Phú Mỹ - Ảnh: Khả Hòa

Cầu Thủ Thiêm, nối đường Lương Định Của, Q.2 với giao lộ Ngô Tất Tố - Nguyễn Hữu Cảnh thuộc Q.Bình Thạnh, có tổng mức đầu tư là 1.450 tỉ đồng từ ngân sách TP.

Cầu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm, chiều dài toàn cầu 1.250 m. Phần cầu chính gồm 5 nhịp, bề rộng cầu 28 m tương đương 6 làn xe. Cầu dẫn phía Bình Thạnh gồm 4 nhánh N1, N2, N3, N4 (nhánh N4 sẽ thực hiện ở giai đoạn 2); phía quận 2 đường dẫn dài 160 m.


Cầu Thủ Thiêm hình thành phá thế ốc đảo của khu Thủ Thiêm (Q.2) và tạo đà phát triển cho hàng loạt khu dân cư, cao ốc mới mọc lên bên bờ sông Sài Gòn, Q.2 và Q.Bình Thạnh - Ảnh: Khả Hòa

Cầu Thủ Thiêm được xây dựng từ tháng 4.2005. Thông xe giai đoạn 1 vào ngày 9.1.2008. Cây cầu hoàn thành kết nối với Đại lộ Đông Tây nhằm phá vỡ thế ốc đảo của Thủ Thiêm.

Hầm Thủ Thiêm

Đây là hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. Có tổng trị giá 2.083 tỉ đồng, do nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) thực hiện.

Hầm có tổng chiều dài 1.490m, bao gồm 2 đoạn hầm dẫn phía Q.1 (dài 585m), phía Thủ Thiêm (535m) và đoạn hầm dìm (370m) chia làm 4 đốt hầm. Công trình còn có 2 tháp thông gió và nhiều hệ thống kỹ thuật khác. Ngoài ra, trong đường hầm còn có đường kiểm tra và khoang thoát hiểm.


Đốt hầm Thủ Thiêm được lai dắt trên sông Sài Gòn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đốt hầm dìm là kết cấu bê tông cốt thép, có nhiều ngăn rỗng. Đường hầm dạng hộp đôi rộng 33,3m, bố trí 3 làn xe mỗi hướng. Hầm được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp I, vận tốc lưu thông 60 km/giờ.

Đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên được đổ bê tông vào ngày 13.9.2007, tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Đến ngày 7.3.2010, đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên được lai dắt thành công từ bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) về khu vực xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn (bờ phía Thủ Thiêm, Q.2). Việc đánh dìm đốt hầm số 1 kéo dài từ 9 giờ sáng đến 23 giờ đêm 8.3 và được kết nối thông với hầm dẫn phía Thủ Thiêm vào ngày 10.3.


Phía trong đốt hầm Thủ Thiêm - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tiếp sau đó, đốt hầm số 2 được lai dắt vào ngày 5.4, dìm hầm vào ngày 6.4.

Dự kiến, đốt hầm số 3 được kết nối vào ngày 4.5, dìm hầm vào ngày 5.5; đốt hầm cuối cùng được lai dắt về vào ngày 4.6, dìm hầm vào ngày 5.6.

Hầm chui vượt sông Thủ Thiêm dự kiến hợp long vào tháng 8.2010 và thông xe kỹ thuật vào tháng 2.2011. Việc thông xe hầm Thủ Thiêm sẽ làm cho toàn tuyến giao thông trên trục đường Đại lộ Đông Tây thông suốt.

Khu công nghệ cao TP.HCM

Bên cạnh đó, sáng 28.4, UBND TP.HCM đã tổ chức Lễ khánh thành phân khu sản xuẩt công nghiệp công nghệ cao giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 Khu công nghệ cao. Đây là dịp để chào mừng kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Khu công nghệ cao là công trình trọng điểm nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp của TP.HCM, định hướng vào các ngành công nghệ cao, nâng cao kỹ thuật và trình độ khoa học công nghệ đối với các ngành sản xuất của TP.


Lãnh đạo TP.HCM tham quan sản phẩm của các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao - Ảnh: Minh Nam

Tính đến cuối năm 2009, Khu công nghệ cao TP có 17 dự án đi vào hoạt động và dự kiến đến năm 2010 là 24 dự án. Đến hết quý I năm 2010, Khu công nghệ cao đã cấp 41 chứng nhận đầu tư, trong đó có 22 dự án FDI, 19 dự án trong nước với tổng vốn đầu 1,76 tỷ USD, trong đó vốn của dự án FDI đạt 1,57 tỷ USD.

Lĩnh vực đầu tư tập trung vào các ngành: vi điện tử, CNTT - Viễn thông; công nghệ sinh học; cơ khí chính xác; tự động hoá; dịch vụ công nghệ cao; đào tạo công nghệ cao; nghiên cứu triển khai, ươm tạo.

Khu công nghệ cao TP.HCM cũng đã trở thành thành viên của Hiệp hội các khu đô thị khoa học công nghệ thế giới (ISPA), Hiệp hội CNC Châu Á (ASPA). (Minh Nam)

Nguyên Mi
(tổng hợp)

Lớn lên cùng đất nước


Ảnh do nhân vật cung cấp

Nguyễn Hồng Lộc (ảnh), Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2009: Không phải cảm xúc với quê hương đất nước chỉ có trong Lộc bây giờ, khi mình đang sống và làm việc tại TP.HCM, khi mà cả nước đang kỷ niệm 35 năm Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, mà vốn là người yêu lịch sử, chẳng hiểu sao trong Lộc lúc nào cũng dâng trào cảm xúc mãnh liệt, khó tả khi học về những cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Ngày nay, khi chạy xe bon bon trên đường, qua những con phố, những công trình mới, Lộc càng cảm thấy tự hào hơn về quê hương mình. Càng yêu TP.HCM và đất nước mình hơn nữa vì một lớp thanh niên trẻ đang thật sự giỏi giang và cùng góp tay vào xây dựng đất nước.


Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Quế Trân (ảnh), Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009: Thuộc thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước giải phóng, Quế Trân cũng như các bạn trẻ ngày nay đã có cơ hội được sống, được làm việc, được cống hiến cùng với giai đoạn phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Cứ mỗi lần lần giở những trang tài liệu đầy hình ảnh xúc động, xem lại những bộ phim tài liệu về Bác Hồ, về những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho hòa bình dân tộc, Trân đều không thể cầm được nước mắt.

Qua chính nghiệp diễn từ thuở ấu thơ, với những vai diễn truyền thống, tái hiện hình ảnh những vị anh hùng dân tộc, cũng đã hun đúc và nuôi dưỡng trong Trân một niềm tự hào khó tả. Cứ mỗi khi nhận được những vai diễn như vậy, Trân lại càng tự nhủ mình phải diễn thật tốt, phải làm sao truyền được ngọn lửa yêu nước của nhân vật, phải làm sao xứng đáng là một thế hệ kế thừa.

Trong thời điểm đất nước đang chào đón 35 năm ngày thống nhất này, Quế Trân thật sự cảm thấy phấn khởi, và cảm nhận được rằng, thế hệ trẻ như Trân có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước, để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bằng việc cố gắng đem sức trẻ của mình sống đẹp, sống có ích.

Nguyễn Thị Minh Châu, Bí thư Đoàn trường Đại học Sài Gòn (TP.HCM): Là một công dân sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, tôi muốn cảm nhận nhịp sống của TP mỗi ngày. Tôi tự hào về TP của tôi là một TP trẻ, năng động và luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, đời sống, xã hội.

Thế hệ trẻ của chúng tôi hôm nay có suy nghĩ và cách đóng góp riêng cho đất nước của mình. Đó là học tập, nâng cao trình độ trong lĩnh vực chuyên môn. Làm tốt trong mỗi việc nhỏ và có suy nghĩ, hành động vì cộng đồng, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động tình nguyện, xã hội là một trong những cách người trẻ chung tay góp sức trong giai đoạn đổi mới, hội nhập ngày hôm nay. Là một người hoạt động Đoàn -Hội, tôi biết, các bạn trẻ đều tiềm ẩn trong suy nghĩ, trái tim mình những tình cảm như thế và cần được khơi lên để thể hiện.

Nguyên Mi - Hiền Nhi

Viên An
Ảnh: Diệp Đức Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.