Điện thoại phát nổ: Tại sao xảy ra và cần làm gì để phòng tránh?

Thiên Lan
Thiên Lan
05/12/2022 20:11 GMT+7

Điện thoại thông minh thường khó phát nổ, nhưng sự cố này vẫn có thể xảy ra. Và gần đây có nhiều trường hợp điện thoại phát nổ gây thương tích cho người dùng.

Tại sao điện thoại thông minh phát nổ?

Có nhiều lý do khiến điện thoại thông minh có thể bắt lửa hoặc phát nổ và phần lớn đều liên quan đến pin, theo chuyên trang PCMag.com - cơ quan hàng đầu về công nghệ của Mỹ.

Nếu pin sạc hoặc bộ xử lý làm việc quá sức sẽ trở nên quá nóng, nó có thể làm hỏng cấu trúc các bộ phận của điện thoại. Với pin, một phản ứng dây chuyền được gọi là hiện tượng thoát nhiệt có thể khiến pin sinh ra nhiều nhiệt hơn và cuối cùng bắt lửa hoặc phát nổ.

Có nhiều lý do khiến điện thoại trở nên quá nóng. Hư hỏng vật lý do rơi hoặc uốn cong quá mức, có thể làm gián đoạn hoạt động bên trong của pin. Để điện thoại ngoài nắng quá lâu hoặc lỗi sạc đều có thể gây đoản mạch bên trong thiết bị.

Có nhiều lý do khiến điện thoại thông minh có thể bắt lửa hoặc phát nổ

Shutterstock

Hoặc có thể do pin xuống cấp theo thời gian. Vì vậy nếu điện thoại đã sử dụng trong vài năm, các bộ phận bên trong có thể bị chai, dẫn đến phồng và quá nóng.

Dấu hiệu cảnh báo

Hãy để ý xem thiết bị có tỏa nhiệt quá mức không, đặc biệt là khi sạc. Nếu chạm vào thấy nóng, hãy rút phích cắm ngay lập tức.

Một dấu hiệu cảnh báo lớn khác là pin bị phồng - lúc này có thể pin bị hỏng hoặc các bộ phận bên trong xuống cấp. Hãy để ý xem có bất kỳ thay đổi nào về hình dạng, như màn hình nhô ra, khung máy bị phồng lên.

Hầu hết các điện thoại thông minh hiện đại không thể tháo pin, vì vậy nếu lo lắng, hãy tắt điện thoại và mang đi bảo dưỡng ngay lập tức.

Nên làm gì để tránh điện thoại cháy nổ?

Nên tránh vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại. Ngoài ra, cần phải kiểm tra pin để phát hiện các bộ phận bị lỗi, đặc biệt pin bán trôi nổi giá rẻ không đảm bảo chất lượng - có thể khiến điện thoại quá nóng.

Có một số điều cần chú ý để tránh điện thoại cháy nổ, bao gồm:

Tránh nhiệt độ quá lạnh, quá nóng

Thường xuyên để pin tiếp xúc với các điều kiện khắc nghiệt có thể làm hỏng các bộ phận bên trong và gây hư hỏng. Vì vậy nên tránh để điện thoại dưới ánh nắng trực tiếp hoặc trên bộ tản nhiệt nóng trên ô tô trong thời gian dài, đặc biệt là khi sạc. Cũng nên tránh để điện thoại trong môi trường nhiệt độ lạnh cóng như trong tủ đông.

Tốt nhất là đặt điện thoại trên bàn để sạc

Shutterstock

Không phủ vật khác lên điện thoại khi đang sạc

Che phủ lên điện thoại trong khi sạc, đặc biệt là khi sạc trên giường rồi ngủ quên nằm đè lên, phủ mền lên có thể khiến điện thoại trở nên quá nóng. Nó có thể bốc cháy. Tốt nhất là đặt điện thoại trên bàn để sạc, tránh những mớ lộn xộn có thể ủ nhiệt.

Chăm sóc pin tốt

Nên thường xuyên sạc điện thoại trong khoảng 30 - 80% pin và tránh sạc nhanh qua đêm.

Sử dụng đúng bộ sạc

Điện thoại cần có điện áp và dòng điện tối ưu để sạc đúng cách, vì vậy nên sử dụng bộ sạc đi kèm hoặc mua trực tiếp từ nhà sản xuất điện thoại.

Bộ sạc giá rẻ có thể làm hỏng pin.

Chăm sóc dây sạc

Dây sạc và cả phích cắm bị hỏng cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sạc, thậm chí gây ra nguy cơ chập điện và bốc cháy.

Tránh quấn dây quá chặt và nhớ rút bộ sạc khỏi phích cắm thay vì giật mạnh. Nếu bộ sạc bị sờn hoặc có vẻ như bị chảy, nên mua dây cáp mới, theo PCMag.com.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.