Điện thoại là 'kẻ thù' của giấc ngủ

05/10/2022 15:08 GMT+7

Mang điện thoại lên giường để sử dụng và đặt cạnh khi ngủ rất phổ biến nhưng ít người biết những tác hại của thói quen này.

Theo một khảo sát thực hiện bởi AndroidAuthority, hơn một nửa người dùng tham gia trả lời cho biết họ đặt điện thoại bên cạnh khi đi ngủ. Với những người trả lời "Không" đối với hành vi trên, họ vẫn đặt máy ở kệ kê cạnh giường. Dù trong tình huống nào, thói quen này cũng đều gây hại cho sức khỏe, bất kể với độ tuổi nào. Nếu người dùng thấy khó ngủ, gặp tình trạng mất ngủ hay "lờ đờ" trong ngày làm việc, nhiều khảo sát từng thực hiện trước đây đều chỉ đích danh điện thoại là nguyên nhân.

Dùng điện thoại trước khi đi ngủ là thói quen của nhiều người

Afp

Trong một bài đánh giá có hệ thống được tổng hợp từ 20 nghiên cứu khác nhau về chủ đề này, các nhà khoa học chỉ ra những bằng chứng không thể chối cãi về mối tương quan giữa thời gian ngủ với việc sử dụng thiết bị điện tử cũng như sự suy giảm chất lượng, thời lượng ngủ, gia tăng tình trạng buồn ngủ kéo dài trong ngày. Theo đó, nếu điện thoại nằm trong vùng có thể với tay đến từ vị trí nằm, người dùng có xu hướng ngủ ít sâu và ngắn hơn. Kết quả này vẫn xảy ra khi người dùng không sử dụng điện thoại trên giường.

Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của con người, đặc biệt là cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em. Nhưng điện thoại đang "xâm chiếm" quỹ thời gian mỗi ngày, trở thành thiết bị cuối cùng chúng ta sử dụng trước khi chìm vào giấc ngủ cũng như món đồ đầu tiên kiểm tra mỗi ngày khi thức dậy.

Các trang mạng xã hội như TikTok, Instagram bị xem là nguyên nhân khiến trẻ em có tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO) các sự kiện trên mạng hơn bao giờ hết. Thay vì tương tác ở trường học qua hoạt động, các em thường giao tiếp, chia sẻ thông tin với nhau vào giờ ngủ tới tận nửa đêm.

Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm. Theo nghiên cứu của Đại học Putra Malaysia, trẻ em dùng mạng xã hội nhiều trước khi ngủ sẽ khó đi vào giấc ngủ, gây gia tăng căng thẳng. Nhưng thói quen này không chỉ tác động tiêu cực tới trẻ em mà còn xuất hiện ở người trưởng thành. Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Social Science & Medince năm 2015 từng kết luận dùng smartphone trước giờ ngủ nhiều sẽ khiến người ở độ tuổi 40 thường mệt mỏi và ngủ nhiều hơn (vào ban ngày). Ngược lại, những người ở tuổi dưới 60 sẽ thức giấc sớm hơn, giảm thời lượng ngủ.

Không nên đặt điện thoại quá gần giường ngủ

Chụp màn hình

Việc các nhà sản xuất điện thoại thêm những tính năng hỗ trợ hoạt động dùng thiết bị điện tử về đêm như chế độ chuyển màu màn hình sang sắc vàng giúp dịu mắt, chế độ Dark Mode (nền tối), Bedtime Mode... thực tế không có công dụng cải thiện chất lượng ngủ của người dùng. Chính quá trình sử dụng điện thoại mới là nguyên nhân gây ra vấn đề.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ánh sáng xanh của màn hình làm giảm tiết hormone Melatonin giúp điều hòa chu kỳ ngủ - thức của con người. Ngoài ra, việc sử dụng (với các ứng dụng) sẽ liên tục kích thích não bộ và kéo sự chú ý của người dùng khỏi cơn buồn ngủ. Khi điện thoại có thông báo, họ thường muốn kiểm tra ngay, bất kể đã muộn hay thấy mệt mỏi vì tâm lý sợ bỏ lỡ nội dung quan trọng.

Thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều hệ quả không tốt đối với cơ thể. Một số bệnh lý hoặc triệu chứng được liệt kê như ảnh hưởng trí nhớ, gặp rắc rối với hoạt động tư duy, mất tập trung, thay đổi cảm xúc, tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh về tim, giảm nhu cầu sinh lý, suy giảm hệ miễn dịch, tăng cân...

Để cải thiện tình hình, các chuyên gia khuyến cáo nên dừng việc sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ hay đặt máy cạnh giường, cài chế độ không hiển thị thông báo khi đi ngủ (trừ những thông báo quan trọng). Thói quen này có thể mất khoảng 1 tháng để thay đổi, nhưng kết quả sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.