Điện mặt trời tự sản tự tiêu 'loại' khu công nghiệp

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/08/2023 06:57 GMT+7

Quan điểm khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản tự tiêu nhưng lại không cho phát triển điện mặt trời trên nhà xưởng trong các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, nhà ga, khách sạn… gây khó hiểu cho nhiều người.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc này đi ngược lại chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo.

Lãng phí nguồn ĐMT

Tại Hội thảo về các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện tại TP.HCM do Hội Điện lực, Tổng công ty Điện lực TP.HCM và Tập đoàn năng lượng Singapore (SP Group) tổ chức ngày 3.8 tại TP.HCM, rất nhiều ý kiến cho rằng, con số 2.600 MW điện mặt trời (ĐMT) tự sản tự tiêu trong Quy hoạch điện 8 thấp hơn rất nhiều so với khả năng phát triển ĐMT tại VN.

Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) Khu công nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết tại TP.HCM có 18 khu công nghiệp (KCN) với diện tích quy hoạch khoảng 7.000 ha, sắp tới tăng thêm 4.000 ha nữa, nên nhu cầu tiêu thụ điện là rất lớn. Không hiểu vì lý do gì mà Bộ Công thương chỉ nhắc đến ĐMT mái nhà ở và cơ quan công sở mà bỏ qua mái nhà xưởng trong các KCN. "Sẽ là lãng phí rất lớn nếu bỏ qua ĐMT mái nhà tại các KCN", ông Đức nhấn mạnh.

Điện mặt trời tự sản tự tiêu “loại” khu công nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến ủng hộ phát triển ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu trong các KCN

NG NGA

Giám đốc Trung tâm đầu tư và phát triển năng lượng VN (VIDEC) Đào Du Dương nhận xét: Dự thảo của Bộ Công thương không đề cập đến ĐMT mái nhà cho nhà xưởng, không cho nhà đầu tư ĐMT tự dùng, hoặc dư bán cho nhà xưởng bên cạnh khiến chính sách đẩy mạnh phát triển ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu rất mâu thuẫn. Đáng nói hơn, nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất rất lớn. Thế nên, khi thiếu điện ở miền Bắc mấy tháng trước, các DN lao đao vì buộc phải ngưng sản xuất. Thực tế có những DN trong khu công nghiệp sử dụng đến 8 - 9 tỉ đồng tiền điện mỗi tháng, nhưng điều kiện mái nhà nhỏ, không lắp đủ ĐMT hoặc không thể đầu tư thêm hàng tỉ đồng để làm ĐMT thì đành chịu. Nhưng nhiều nhà kho, xưởng có mái rất lớn, có thể lắp hàng chục MW điện và có DN trong đó đầu tư, xài không hết có thể bán lại cho DN bên cạnh. Thế nên, về bản chất, đầu tư ĐMT tự sản tự tiêu, nhưng có thể chia sẻ, bán lại cho các DN khác cùng trong một KCN có nhu cầu là điều rất nên khuyến khích.

"Bộ Công thương nên thay đổi khái niệm về "điện tự sử dụng" thành "điện sử dụng tại chỗ" để mở rộng đối tượng thụ hưởng cơ chế này. Quan trọng là dự án ĐMT mái nhà xưởng đó không đẩy lên lưới điện, được tiêu thụ tại chỗ, phải khuyến khích. Việc này không ảnh hưởng gì đến lưới điện, sao đến nay Nhà nước vẫn chưa cho phép?", ông Dương đặt vấn đề.

Trước đó, góp ý về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở tại VN do Bộ Công thương soạn thảo, Bộ KH-ĐT có ý kiến đề nghị Bộ Công thương cân nhắc việc sử dụng khái niệm về trụ sở của DN phù hợp với luật DN, làm rõ nội dung cơ chế khuyến khích nhưng "không bao gồm các trụ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại". Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT cũng đề xuất mở rộng cho phép đầu tư hợp tác với dân, tổ chức, chủ sử dụng nhà, tòa nhà để lắp ĐMT tự sản tự tiêu theo thỏa thuận hai bên. Tuy vậy, Bộ Công thương nhấn mạnh cơ chế chỉ nhằm mục tiêu lắp đặt ĐMT áp mái để sử dụng, không nhằm mục tiêu kinh doanh điện.

Đi ngược chủ trương khuyến khích phát triển điện tái tạo

TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế VN, lại tỏ ra khá bức xúc trước cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà kiểu "bế quan tỏa cảng" này. Bởi đưa ra một chính sách nhưng ngăn cản việc lắp ĐMT mái nhà ở KCN, mái bến xe bến tàu, trường học, khách sạn… trong lúc cả nước trong tình cảnh thiếu điện là vô lý, là đi ngược lại chính sách đổi mới của Đảng, khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất hàng hóa làm lợi cho nhà nước và toàn xã hội.

"Trong lịch sử phát triển để có nền kinh tế thị trường, chúng ta từng trải qua những năm tháng bao cấp, phát triển kiểu ngăn sông cấm chợ, gây thiếu lương thực thực phẩm. Khi đổi mới, cởi trói cho toàn dân làm lúa gạo, phân phối lưu thông bằng cơ chế thị trường thì dư thừa lúa gạo xuất khẩu, giá cả điều tiết theo cơ chế thị trường và nhờ đó, đến nay chúng ta nằm trong số các quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Với mặt hàng điện cũng vậy thôi, điện cũng là hàng hóa, phải khuyến khích toàn dân và các thành phần kinh tế làm ra điện sạch hòa vào lưới điện để đáp ứng nhanh tình trạng thiếu hụt điện năng. Đặc biệt nên mở trói cho lắp ĐMT mái nhà trong các KCN. Điện làm ra, tiêu thụ ngay tại đó, thời gian phát từ 8 giờ đến 16 giờ, tương đồng khung giờ làm việc. Các nhà máy luyện kim, công trường, xí nghiệp… rất nên khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng này. ĐMT được coi là phát triển mới trong xu hướng xanh, cuộc cách mạng số 4.0. Nếu có nguồn điện này, giải quyết được bài toán lo thiếu điện đã và đang được dự báo. Nếu có cơ chế tốt, chúng ta đủ điện để dùng và có thể xuất khẩu được. Thế nên, việc "loại" đối tượng tham gia làm ĐMT mái nhà để dùng trong bối cảnh này là vô hình trung gây cản trở chính sách sản xuất, phân phối, lưu thông điện năng theo cơ chế thị trường?", TS Trần Đình Bá phân tích.

PGS-TS Võ Trí Hảo, chuyên gia luật, nhận xét: Trong dự thảo của Bộ Công thương, dù có hai chữ "khuyến khích" nhưng thực tế cả dự thảo không có một cơ chế thực sự khuyến khích nào. Các cơ chế đều rất chung chung, không đề xuất một cơ chế có tính hấp dẫn hay đột phá nào để thu hút đầu tư vào hệ thống ĐMT mái nhà.

"Thứ nhất, nếu đã không phát lên điện lưới, EVN không mua lại điện sẽ không gây áp lực lên hệ thống truyền tải, thì không có lý do gì cấm cản. Thứ 2, trong khi kêu gọi người dân tiết kiệm, DN cố gắng tiết kiệm chi phí năng lượng, giảm phát thải carbon… lại đi cấm họ gắn ĐMT mái nhà để dùng tại chỗ có đi ngược chính sách giảm phát thải carbon, khiến hàng hóa của DN được sản xuất từ VN ra sẽ bị tăng đánh thuế carbon khi xuất khẩu không?", TS Võ Trí Hảo nhấn mạnh.

Ông Trần Đình Bá nhắc lại ý tưởng "ngân hàng điện năng" và "cơ chế 2 đồng hồ" để tháo gỡ khó khăn thiếu điện cho ngành điện mà ông đã đề xuất lên Bộ Công thương, Chính phủ từ năm 2010 và cho rằng đến lúc này, ý tưởng vẫn còn nguyên giá trị.

"Ngân hàng điện năng có thể tận dụng nguồn năng lượng sạch và không lo thiếu điện. Nếu cho DN đầu tư ĐMT trong KCN, giá thành rẻ, sẽ không còn cơ chế bù chéo giá điện như hiện nay. Một chính sách dám đột phá và dám làm đối với ngành điện là cần thiết", ông Trần Đình Bá nói. 

Năng lượng mặt trời có thể giảm khoảng 30% chi phí tiền điện tại khu vực phía nam; khoảng 15 - 20% đối với phía bắc. Số tiền giảm đó khá đáng kể bởi chi phí sử dụng điện của một số ngành chiếm 0,5 - 5% chi phí sản xuất. Chưa kể, DN cần hướng tới chứng chỉ xanh để phục vụ xuất khẩu. Năng lượng sạch cũng đóng góp cho cam kết của VN hướng tới Net Zero vào năm 2050. Chính phủ Singapore có chính sách thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch rất ấn tượng. Thuế khí carbon thải ra môi trường tăng qua từng năm, từ 5 SGD/tấn carbon hiện tại thì tới năm 2030 sẽ là 80 SGD/tấn carbon. Từ năm 2020, Singapore có chính sách, Nhà nước bồi hoàn chi phí cho những người lắp ĐMT trên tòa nhà thương mại là 10.000 SGD (tương đương 177 triệu đồng), hay chi phí đầu tư đó sẽ được trừ thuế vào tiền thuế phải nộp đối với các tòa nhà.

Ông Nguyễn Thanh Phát (Giám đốc điều hành SP Group tại VN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.