Điện mặt trời trên mái nhà hết "vướng" hóa đơn

Chí Nhân
Chí Nhân
31/03/2019 14:12 GMT+7

Đó là điểm nổi bật trong văn bản 1532 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hướng dẫn thực hiện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà (ĐMT TMN).

Gỡ khó cho hộ gia đình

Trong thời gian qua, mô hình ĐMT TMN gặp vướng vì thủ tục tài chính, cụ thể bắt buộc các hộ dân phải có hóa đơn tài chính khi bán điện cho EVN thì mới được thanh toán. Nhưng hộ gia đình thì hầu hết không có hóa đơn nên mô hình không thể phát triển dù được các bên liên quan đánh giá có tiềm năng cao.
Để gỡ khó, EVN hướng dẫn cách thức thanh toán: Đối với chủ đầu tư ĐMT TMN là doanh nghiệp, có phát hành hóa đơn; hằng tháng công ty điện lực nhận hóa đơn, kiểm tra và thanh toán tiền điện theo hóa đơn cho chủ đầu tư theo quy định.
Đối với chủ đầu tư ĐMT TMN là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn; hằng tháng bộ phận kinh doanh của công ty điện lực thực hiện lập bảng kê thanh toán tiền điện trên hệ thống (CMIS), trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt và chuyển sang bộ phận tài chính kế toán để thanh toán tiền điện cho chủ đầu tư. Tiền thanh toán không bao gồm thuế giá trị gia tăng. Sau thời điểm kết thúc năm hoặc sau khi kết thúc hợp đồng mua điện từ dự án, căn cứ “Biên bản xác nhận chỉ số công tơ, điện giao nhận và tiền điện thanh toán” hai bên sẽ thực hiện quyết toán tiền thuế giá trị gia tăng theo quy định. Phương pháp xác định thuế giá trị gia tăng đối với chủ đầu tư thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản 1534/BTC-CST ngày 31.1.2019 của Bộ Tài chính.
Việc đo đếm sản lượng ĐMT TMN được thực hiện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. EVN cũng yêu cầu các đơn vị căn cứ hướng dẫn tại văn bản này khẩn trương triển khai thực hiện và báo cáo các vướng mắc phát sinh nếu có. 
Các hộ dân có thể tham gia sản xuất điện "ích nước, lợi nhà" CTV

Phải hoàn thành trong 3 ngày

Các công ty điện lực tổ chức tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp đặt ĐMT TMN của chủ đầu tư qua Trung tâm chăm sóc khách hàng bằng các hình thức: điện thoại, email, Zalo, Chat box… Chủ đầu tư dự án ĐMT TMN cần gởi hồ sơ đề nghị bán điện về công ty điện lực trước 3 ngày so với thời gian hoàn thành dự án. Trong vòng 3 ngày kể từ khi tiếp nhận giấy đề nghị bán điện của chủ đầu tư, công ty điện lực phải hoàn thành việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của dự án và ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư.
Ngày 11.4.2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 11, về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định 11 này bao gồm chính sách giá bán điện mặt trời, bao gồm cả mô hình ĐMT TMN. Mô hình ĐMT TMN được áp dụng cơ chế bù trừ điện năng. Tuy nhiên mô hình ĐMT TMN trong thời gian qua chưa thể phát triển vì vướng quy định tài chính theo đó buộc bên bán bao gồm cả các hộ dân phải có hóa đơn.
Ngày 8.1.2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 02/2019/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày ký), sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11; theo đó bỏ cơ chế bù trừ điện năng mà áp dụng đo đếm theo chiều giao và nhận riêng biệt. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí. So với cơ chế bù trừ điện năng, cơ chế đo đếm riêng biệt giữa chiều giao và nhận có thể giúp tăng thu thuế giá trị gia tăng.
Quyết định 11 có hiệu lực từ ngày 1.6.2017, đến hết cuối năm 2018, cả nước mới có 1.800 dự án ĐMT TMN được nối lưới. Sự phát triển ì ạch này do người dân bán điện nhưng không thể thu tiền vì không có hóa đơn; ngành điện tạm thời ghi nhận con số và… “để đó” chờ chính sách tháo gỡ khó khăn.
Với văn bản mới này, nhiều chuyên gia dự báo mô hình ĐMT TMN sẽ phát triển nhanh chóng giúp giảm áp lực của ngành điện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.