Điền kinh Việt Nam tự tin đạt 2 mục tiêu quan trọng năm 2021

18/02/2021 09:10 GMT+7

Trong số các nội dung thế mạnh của điền kinh Việt Nam, 4x400 m hỗn hợp đang là nội dung khả thi nhất giành vé dự Olympic.

Hiện đội chạy 4x400 m hỗn hợp Việt Nam đang xếp hạng 17 thế giới với thành tích 3:19:50, nhiều hơn gần 1 giây so với đội xếp thứ 16 là Nhật Bản (3:18:77). Nhiệm vụ đặt ra cho đội từ nay cho đến thời điểm chốt danh sách chính thức (5.7.2021) là phải cải thiện thành tích để lọt vào top 16 thế giới với phần thưởng là tấm vé tham dự Thế vận hội mùa hè tại Nhật Bản.
Một tấm vé nữa cho điền kinh cũng được kỳ vọng ở nội dung cá nhân. Quách Thị Lan (nội dung 400 m rào nữ) đứng trước cơ hội giành vé tham dự Olympic khi đang đứng đầu châu Á và xếp thứ 19 thế giới. Tại giải điền kinh VĐQG 2020 vừa qua, Quách Thị Lan đã vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Huyền để giành HCV nội dung 400 m rào với thành tích 55,98 giây. Thông số này đã mở ra cơ hội cho cô gái sinh xứ Mường có thể chạm ngưỡng chuẩn tham dự Olympic. Để làm được điều đó, Lan cần phải rút ngắn thành tích của mình thêm 0,58 giây. Còn nhớ tại ASIAD 2018, Quách Thị Lan đã đạt thông số 55,30 giây, về nhì sau Kemi Adekoya (Bahrain). Tuy nhiên VĐV này sau đó bị phát hiện sử dụng doping nên Lan được đôn lên nhận HCV.
Bên cạnh việc giành vé dự Olympic, điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu “khủng” là giành 17 - 19 HCV trong số 47 nội dung thi đấu tại SEA Games 31. Đây là mục tiêu đầy khó khăn nhưng không phải bất khả thi, bởi trong 2 kỳ SEA Games gần đây, chúng ta đều giành vị trí số 1 Đông Nam Á (gần đây nhất ở SEA Games 30, điền kinh Việt Nam giành 16 HCV).
Về mặt lực lượng, các nhà vô địch SEA Games vẫn đang cho thấy phong độ ổn định và vượt trội trên đường đua. Ở giải điền kinh VĐQG 2020, Nguyễn Thị Oanh xuất sắc giành tới 4 HCV ở các cự ly trung bình, trong đó phá sâu kỷ lục quốc gia tồn tại 17 năm ở nội dung 10.000 m nữ. Lê Tú Chinh cũng giành kết quả ấn tượng 11,43 giây ở đường chạy sở trường 100 m (nhanh hơn thành tích HCV của chính cô tại SEA Games 30 với 11,54 giây).
Bên cạnh đó, lứa VĐV kế cận đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ. Trần Văn Đảng vượt qua đàn anh Dương Văn Thái để giành HCV ở 2 nội dung 800 m và 1.500 m nam. Rồi Ngần Ngọc Nghĩa xác lập kỷ lục quốc gia mới (10,40 giây) ở cự ly 100 m nam bên cạnh tấm HCV ở nội dung 200 m nam (20,92 giây), chỉ kém một chút so với thành tích giành HCV ở SEA Games 30 ở 2 nội dung này (10,35 giây ở cự ly 100 m và 20,78 giây cự ly 200 m).
Khó khăn lớn nhất đối với đội tuyển điền kinh Việt Nam ở thời điểm hiện tại là các giải đấu quốc tế như giải điền kinh thế giới trong nhà (dự kiến từ 19 - 21.3 tại Trung Quốc), giải các nội dung tiếp sức châu Á (dự kiến từ 27 - 28.3 tại Thái Lan), giải vô địch điền kinh châu Á lần thứ 24 (dự kiến vào tháng 5)... đều đang bỏ ngỏ vì còn phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch Covid-19, trong khi các VĐV rất cần thi đấu để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao trình độ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.