Điện gió Tân Thuận 'cản trở lưu thông', Sở TN-MT Cà Mau nói 'tàu ra vào bình thường'

Gia Bách
Gia Bách
18/05/2020 19:15 GMT+7

Người dân than phiền công trình điện gió Tân Thuận gây trở ngại cho việc ra vào cửa biển; còn theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Cà Mau, tàu ra vào bình thường.

Ngư dân ở cửa biển Gành Hào (Bạc Liêu) và Tân Thuận (H.Đầm Dơi, Cà Mau) tiếp tục than phiền về tình trạng thi công công trình Nhà máy điện gió Tân Thuận gây trở ngại việc ra vào cửa biển để đánh bắt.

Tuabin điện gió cản trở tàu thuyền ra vào cửa biển

Theo phản ánh của ngư dân TT.Gành Hào và ngư dân xã Tân Thuận, việc cắm các trụ tuabin ngay lòng lạch đã gây nhiều khó khăn cho việc ra vào của các phương tiện khai thác hải sản, nhất là khi có sóng lớn, mưa bão…
Ông Đặng Văn Hòa (ngụ TT.Gành Hào) nói: "Cửa biển Gành Hào là một trong những cửa biển lớn, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 tàu thuyền ra vào. Vào mưa bão, ghe tàu chạy vào tránh trú dễ va trạm với các trụ tua bin thì rất nguy hiểm. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng Cà Mau tính toán dời các trụ tuabin số 3, 4, 5 và 6 ra khỏi vị trí hiện tại”.
Trước tình hình đó, ngày 16.5, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, dẫn đầu đoàn công tác của Cà Mau đã tiến hành khảo sát thực tế, làm việc với nhà đầu tư, chính quyền và ngư dân 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.
Sau đó, ông Lê Văn Sử, cùng chính quyền, cơ quan chuyên môn và ngư dân tiến hành khảo sát, đo độ sâu luồng lạch tại hiện trường từ các đơn vị tư vấn độc lập.
Từ kết quả khảo sát hiện trường, ông Sử lưu ý, các đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục khảo sát, đo đạc chi tiết lại độ sâu của vùng cửa biển Gành Hào. Số liệu đo đạc phải đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đủ cơ sở pháp lý và có sự xác nhận của các bên có liên quan.
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Tài Nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Cà Mau làm đầu mối phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Bạc Liêu, Chi cục Đường thủy Nội địa phía Nam, các đơn vị tư vấn tổng hợp, làm rõ các số liệu, vấn đề có liên quan để xác định vị trí luồng lạch tại cửa biển Gành Hào.
Ngày 14.5, ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND H.Đông Hải (Bạc Liêu), cho biết công trình điện gió Tân Thuận - Cà Mau thi công cắm các trụ tuabin gió giữa luồng lạch ở cửa biển Gành Hào ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tàu và các phương tiện khác ra vào cửa biển.

Đơn vị thi công đang lắp đặt trụ tuabin gió trước cửa biển Gành Hào, H.Đông Hải, Bạc Liêu

ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Cụ thể, qua phản ánh của người dân, ý kiến của các ngành chức năng 2 huyện Đông Hải và Đầm Dơi (Cà Mau), công trình điện gió Tân Thuận - Cà Mau triển khai thi công theo thiết kế bản vẽ, trong đó trụ số 4 cắm giữa luồng lạch, đường di chuyển của phương tiện thủy, gây nguy hiểm đến việc di chuyển; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương.
Do đó, UBND H.Đông Hải kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có sự trao đổi với tỉnh Cà Mau, làm việc với nhà đầu tư xem xét, điều chỉnh lại vị trí các trụ tuabin gió sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho phương tiện thủy hoạt động
Trần Thanh Phong

Sở TN-MT tỉnh Cà Mau: "Tàu thuyền di chuyển bình thường"

Vào ngày 11.5, Sở TN-MT tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về kết quả khảo sát thực tế vị trí các trụ tuabin Nhà máy điện gió Tân Thuận đến UBND tỉnh Cà Mau.
Theo báo cáo của Sở TN-MT Cà Mau, qua khảo sát thực tế cho thấy cả 2 tuyến luồng lạch (luồng theo thiết kế và luồng lạch truyền thống) thì tàu di chuyển bình thường, không bị cản, mặc dù đang trong thời điểm nước ròng.
Đối với luồng lạch truyền thống, có 2 khoảng trống: 1 khoảng trống giữa trụ tua bin số 4 và số 5; 1 khoảng trống giữa trụ tua bin số 3 và 4. Các khoảng trống này có chiều rộng theo thiết kế 425 m, tính từ trụ tuabin này đến trụ tuabin kia, tàu ra vào bình thường. 
Đối với luồng lạch do ngư dân TT.Gành Hào khẳng định là lạch truyền thống đi ngay trụ tuabin số 4, có 2 khoảng trống giữa trụ số 5 và trụ số 4; giữa trụ số 4 với trụ số 3, chiều rộng bình quân giữa các trụ khoảng 425 m. Cả 2 khoảng trống này thì tàu ra vào bình thường, vì chiều rộng rất lớn, cáp đi ngầm dưới đáy biển.
Về lạch theo thiết kế, người dân cho là cạn, tàu thuyền lớn không di chuyển được, do có cồn cát. Theo Sở TN-MT tỉnh Cà Mau, lý do này không thuyết phục, vì thời điểm khảo sát là nước ròng mà tàu khảo sát vẫn di chuyển bình thường; nếu vào lúc nước lớn, cộng thêm biên độ triều ở cửa Gành Hào cao từ 2,5 -  3 m thì tàu có tải trọng lớn sẽ lưu thông bình thường.
Từ kết quả chuyến khảo sát thực tế, Sở TN-MT kiến nghị đến UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo Đồn biên phòng Tân Tiến phối hợp với Đồn Biên phòng Gành Hào, chủ đầu tư tiếp tục tổ chức họp ngư dân Gành Hào, Tân Thuận để giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ việc thiết kế, thi công các trụ tuabin không ảnh hưởng đến việc di chuyển của tàu thuyền ngư dân; đồng thời, không thể thay đổi vị trí các móng trụ tuabin vì sẽ gây thiệt hại cho chủ đầu tư, trong khi chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý của dự án theo quy định.

Chủ đầu tư điện gió Tân Thuận: Thiệt hại lớn nếu phải điều chỉnh thiết kế

Chủ đầu tư dự án điện gió Tân Thuận cho rằng các tuabin giai đoạn 1 đã được thiết kế và phê duyệt; toàn bộ cáp điện đều được thiết kế bố trí ngầm dưới mặt đất; không thiết kế cầu dẫn giữa các trụ tua bin. Hiện nay, các móng tua bin đã hoàn tất công tác đóng cọc thử.
Theo thiết kế, các tua bin được kết nối với nhau trước khi đấu nối về Trạm biến áp 110kV bằng cáp 22kV ngầm dưới biển, do đó việc thay đổi bất kỳ 1 tua bin nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành dự án và sẽ gây thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư vì phải điều chỉnh lại toàn bộ thiết kế dự án, ước tính thiệt hại gần 500 tỉ đồng. 
Nhà máy điện gió Tân Thuận được khởi công vào ngày 27.12.2019 (giai đoạn 1). Nhà máy có công suất 75MW, với 18 tua-bin gió. Tổng mức vốn đầu tư 2.950 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý III.2021, cung cấp khoảng 220 triệu kWh/năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.