70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:

Điện Biên 'thay da đổi thịt' sau 70 năm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/05/2024 07:00 GMT+7

Sau 70 năm kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ nơi chiến địa khốc liệt, Điện Biên đang trở mình, thay da đổi thịt mỗi ngày.

"So với trước thì gấp trăm, gấp nghìn lần rồi"

Chiều cuối tháng 4, ông Lò Văn Hặc thong thả dạo bước trên con đường nhựa sạch sẽ, xanh mát của bản Noong Nhai 2 (xã Thanh Xương, H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ông lão người Thái nay đã 84 tuổi vẫn nhớ như in những gì xảy ra cách đây 70 năm - ngày 25.4.1954, quân Pháp ném bom xuống trại tập trung Noong Nhai, giết hại 444 người dân, chủ yếu người già, phụ nữ và trẻ em.

Đôi mắt ông Hặc vẫn sáng lên khi kể về những người bạn chơi cùng ông dưới sàn nhà năm đó, về người em trai trúng bom Pháp nhưng may mắn thoát chết với vết thương ở cánh tay, và về những gì ông đã trải qua ngay trên mảnh đất Noong Nhai trong 70 năm qua.

Điện Biên 'thay da đổi thịt' sau 70 năm- Ảnh 1.

Căn nhà sàn mới xây nhờ sự hỗ trợ từ Đề án 09 của gia đình chị Lò Thị Tiến tại bản Cò Chạy 1, xã Mường Pồn, H.Điện Biên

TUẤN MINH

Cả đời gắn bó với Noong Nhai, hơn ai hết, ông Hặc là người chứng kiến những đổi thay của mảnh đất này. Điều ông vui nhất là bản Noong Nhai không vì vụ thảm sát mà tàn lụi, ngược lại, Noong Nhai đang ngày một thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân ngày một khấm khá. "Cuộc sống người dân cũng trải qua thời gian khó khăn lắm. Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống dần dần được nâng lên. Đến nay so với trước thì gấp trăm, gấp nghìn lần rồi. Ngày xưa nhà cửa lụp xụp, bây giờ nhà cửa khang trang. Thôn bản có đường, có điện. Đàn bà, con gái không phải đi lấy củi, gánh nước. Nhà nào cũng có vài cái xe máy, hoặc ô tô. Đời sống sướng lắm rồi. So với trước thì sướng nhiều", ông Hặc nói.

Những điều ông Hặc nói có thể được thấy ngay trên những con đường thảm nhựa đến tận cửa từng gia đình ở bản Noong Nhai. Sau vụ thảm sát, quân Pháp thua trận, tướng De Castries phải ra hàng. Người dân Noong Nhai dưới sự giúp đỡ của bộ đội bắt tay vào dựng lại nhà cửa, bắt đầu cuộc sống mới.

Đến năm 1976, theo chủ trương di giãn dân của nhà nước, 12 hộ gia đình ở bản Noong Nhai chuyển vào khu đất bằng phẳng hơn ở phía bên kia quốc lộ, lập nên bản mới, gọi là Noong Nhai 2. Sáu hộ gia đình của bản Noong Nhai cũ ở lại bản cũ, nay gọi là Noong Nhai 1. Từ 18 hộ ban đầu, tới nay hai bản Noong Nhai 1 và 2 đã có trên 200 hộ gia đình. Cuộc sống của người dân ở cả hai bản đều đủ đầy, không còn hộ nghèo.

Trại tập trung Noong Nhai, nơi xảy ra vụ thảm sát năm xưa, nay trở thành trung tâm xã Thanh Xương, nằm ngay cạnh QL279 nhộn nhịp, dẫn lên cửa khẩu Tây Trang sang nước bạn Lào. Từ 5 - 6 bản đồng bào dân tộc, giờ đây xã Thanh Xương có 22 thôn, bản trải rộng trên gần 1.900 ha với hơn 2.000 hộ dân và gần 9.000 nhân khẩu.

Ông Lê Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, cho biết năm 2023 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Xã đang tập trung nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. "Phấn đấu năm 2025, xã cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 5", ông Cương nói.

Cuộc sống của đồng bào phải tốt đẹp hơn

San sát hai bên con đường nhựa phẳng phiu dẫn từ QL12 vào bản Cò Chạy 1 (xã Mường Pồn, H.Điện Biên) là những căn nhà khang trang vững chãi, nhà sàn kiểu truyền thống xen lẫn những căn nhà xây, lợp tôn kiên cố. Căn nhà của vợ chồng chị Lò Thị Tiến (26 tuổi, dân tộc Khơ Mú) và anh Lò Văn Thích (32 tuổi, dân tộc Thái) nằm ở giữa bản, nhìn thẳng ra dãy núi xanh mát, được xây dựng theo kiểu nhà sàn Thái với 4 gian nổi bật so với những căn nhà khác trong bản với màu vàng ruộm của gỗ. Đây là một trong những căn nhà đại đoàn kết thuộc Đề án vận động hỗ trợ làm 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Đề án 09) được hỗ trợ xây dựng trong năm 2023.

Điện Biên 'thay da đổi thịt' sau 70 năm- Ảnh 2.
Điện Biên 'thay da đổi thịt' sau 70 năm- Ảnh 3.

TP.Điện Biên Phủ ngày nay

Ảnh: TUẤN MINH

Được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Đề án 09, gia đình chị Lò Thị Tiến quyết định vay thêm hai suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tổng cộng 70 triệu đồng. "Tiền mặt ở nhà lúc làm nhà chỉ có 15 triệu đồng thôi. Vay thêm anh em họ hàng được 20 triệu. Gỗ thì gia đình tự có từ ngày xưa. Chỉ mua sắt với tôn, ván thưng (làm vách) thì làm bằng gạch. Làm nhà này không phải thuê, anh em, họ hàng, bà con trong bản đến dựng nhà, làm nền, kéo cột, lợp mái. Ai cũng đến giúp nên không mất tiền công", chị Tiến kể. Căn nhà của gia đình chị Tiến có tổng chi phí lên tới hơn 150 triệu đồng, rộng rãi, khang trang, sạch sẽ.

"Chồng đi làm phụ xây trong thành phố, mỗi tháng thu nhập được khoảng 8 triệu. Cho các con đi học, ăn uống, sinh hoạt, mỗi tháng ít nhất để ra 2 triệu trả nợ ngân hàng. Tháng nào nhiều thì để ra 3 - 4 triệu", chị Lò Thị Tiến nói thêm. Hai vợ chồng chị dự kiến nếu cứ "đều việc", con cái không ốm đau, chỉ trong 1 - 2 năm sẽ trả hết số tiền vay dựng nhà. "Giờ thì thoải mái rồi, nhà nước hỗ trợ cho giờ cũng có cái nhà để ở, không lo lắng cái gì nữa. Giờ chỉ lo lắng kiếm tiền để trả nợ thôi. Cảm ơn Đảng, Nhà nước", chị Tiến nói.

Căn nhà của vợ chồng chị Lò Thị Tiến là một trong số 5.000 căn nhà đại đoàn kết thuộc Đề án 09 được Ủy ban T.Ư MTTQ VN phát động triển khai trong năm 2023. Sau 9 tháng triển khai, 5.000 căn nhà được bàn giao cho người dân trước tháng 12.2023 và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán năm 2024. Các căn nhà diện tích ít nhất từ 36 m2 trở lên, đảm bảo chất lượng. Sau khi được hỗ trợ làm nhà từ đề án, đã có 1.132 hộ thoát nghèo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau 70 năm kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ nơi chiến địa khốc liệt, Điện Biên đang thay da đổi thịt mỗi ngày. Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết kinh tế Điện Biên tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Các mặt văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên. Chương trình giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hằng năm trên 4%.

Chiến sĩ Điện Biên Dương Chí Kỳ từ TP.HCM trở lại Điện Biên Phủ sau 70 năm, đã xúc động nói: "Sau 70 năm, nay Điện Biên Phủ đã thay da đổi thịt, nhân dân ấm no hạnh phúc, ánh sáng xuống tận bản làng, đêm khuya điệu xòe vang vọng". Đó là điều ai cũng có thể thấy được khi bước trên đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc lòng chảo Điện Biên Phủ. Khó ai có thể mường tượng rằng cách đây 70 năm, nơi đây từng là chiến địa khốc liệt kết thúc số phận thực dân Pháp ở Đông Dương.

Tại hội nghị tổng kết Đề án 09 cuối tháng 3 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai đánh giá cuộc vận động làm 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo Điện Biên thể hiện sự tri ân thiết thực, tinh thần nhân văn sâu sắc, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc nơi mà cách đây 70 năm là tâm điểm của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trưởng ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh, sau 70 năm, Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc phải được nhìn thấy sự phát triển tốt hơn, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc mỗi ngày phải tốt đẹp hơn. Sự tốt đẹp đó phải gắn chặt với các mục tiêu phát triển đất nước.

Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống dần dần được nâng lên. Đến nay so với trước thì gấp trăm, gấp nghìn lần rồi. Ngày xưa nhà cửa lụp xụp, bây giờ nhà cửa khang trang. Thôn bản có đường, có điện. Đàn bà, con gái không phải đi lấy củi, gánh nước. Nhà nào cũng có vài cái xe máy, hoặc ô tô. Đời sống sướng lắm rồi. So với trước thì sướng nhiều.


Ông Lò Văn Hặc (bản Noong Nhai 2, xã Thanh Xương, H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.