Diện mạo mới Điện Bàn

27/03/2020 08:00 GMT+7

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Điện Bàn (29.3.1975 - 29.3.2020), ông Đặng Hữu Lên - Bí thư Thị ủy Điện Bàn (Quảng Nam), đã chia sẻ về những đổi thay mạnh mẽ của địa phương trong suốt thời gian qua.

Diện mạo mới sau hòa bình

Theo ông Đặng Hữu Lên, 45 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ TX.Điện Bàn đã lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiều chương trình kinh tế - xã hội, tạo ra bước phát triển đột phá trên các lĩnh vực, đưa Điện Bàn tiến một bước dài trong quá trình phát triển đi lên.
Nếu như bước ra khỏi chiến tranh, Điện Bàn có 97/114 thôn bị bom đạn cày xới, 8.000 ha đất bị hoang hóa, cả huyện lúc bấy giờ chỉ có 3 trường học, một bệnh xá với trên 20 giường bệnh, hơn 20.000 người trong diện cứu đói… thì giờ đây Điện Bàn khoác lên mình diện mạo đô thị, phố phường phát triển năng động; những thôn bị cày ủi trắng, được thay bằng những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; từ diện tích đất bị hoang hóa nay đã trở thành những cánh đồng bạt ngàn, sản xuất phát triển.
Nền kinh tế của TX.Điện Bàn đã đạt được những thành tựu vượt bậc cả về quy mô cũng như tốc độ tăng trưởng. Tính riêng giai đoạn 2015-2020, kinh tế tăng bình quân 11,52 %/năm; trong đó công nghiệp phát triển mạnh, tăng bình quân 10,2 %/năm. Các vùng sản xuất công nghiệp tập trung đã hình thành với Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc và 9 cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo ra giá trị sản xuất ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế; dịch vụ có bước phát triển khá nhanh, tăng bình quân 17,57%/năm, các ngành dịch vụ được hình thành và phát triển; nông nghiệp, nông thôn phát triển tương đối toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ; cơ cấu lao động phi nông nghiệp chiếm 82%. Thu ngân sách của Điện Bàn liên tục tăng qua các năm. Từ năm 2017, Điện Bàn đã tự chủ về thu chi ngân sách và có đóng góp cho ngân sách cấp trên. Năm 2019, thu nội địa của Điện Bàn đạt 2.572 tỉ đồng, tăng bình quân 29,18%/năm.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX.Điện Bàn luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và đã làm rất nhiều việc để tri ân đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với đất nước

Ông ĐẶNG HỮU LÊN - Bí thư Thị ủy Điện Bàn, Quảng Nam

Bí thư TX.Điện Bàn Đặng Hữu Lên

Bí thư TX.Điện Bàn Đặng Hữu Lên

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế đạt được những kết quả tích cực; trên địa bàn thị xã có 2 trường đại học, 2 trường trung cấp nghề, 72 cơ sở giáo dục phổ thông các cấp học. Ngoài ra, có hàng trăm cơ sở giáo dục ngoài công lập khác. Y tế công lập, ngoài công lập phát triển khá mạnh với 980 giường bệnh. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của thị xã chỉ còn 1,2%. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định...

Cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Về định hướng trong thời gian đến, ông Đặng Hữu Lên cho hay TX.Điện Bàn huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng khung đô thị tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và một số khu đô thị như Khu đô thị ven sông Vĩnh Điện, Khu đô thị tây đường 607A, Khu đô thị thương mại dịch vụ hỗn hợp Điện Dương, khu đô thị Nam Phương, khu đô thị Phương-An, Khu đô thị Điện Thắng... Đồng thời, TX.Điện Bàn tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp; đầu tư hạ tầng văn hóa, xã hội; phát triển hạ tầng du lịch, chú trọng tuyến ven biển, ven sông Thu Bồn... tạo nền tảng để Điện Bàn trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030.
Thường vụ Thị ủy Điện Bàn chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là giải quyết thủ tục hành chính (thành lập doanh nghiệp, đất đai, mặt bằng, thuế...), thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách, cơ chế của Nhà nước về đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, chú trọng phối hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sau đầu tư, nhằm tạo được môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hài hòa, để các doanh nghiệp an tâm đầu tư một cách ổn định, lâu dài trên địa bàn thị xã. Trọng tâm là triển khai các nội dung để tiến đến xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh theo chủ trương của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Chăm sóc người có công, chú trọng an sinh xã hội

Qua hai cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Điện Bàn có 18.920 liệt sĩ, hàng nghìn thương binh, hàng nghìn gia đình có công cách mạng, 3.087 Bà mẹ VN anh hùng. “Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX.Điện Bàn luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và đã làm rất nhiều việc để tri ân đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với đất nước”, ông Đặng Hữu Lên nói.
Chăm sóc người có công, an sinh xã hội được lãnh đạo Điện Bàn quan tâm chu đáo

Chăm sóc người có công, an sinh xã hội được lãnh đạo Điện Bàn quan tâm chu đáo

Có thể nêu ra đây một vài nét lớn như chỉ đạo thực hiện đảm bảo việc giải quyết các chế độ chính sách cho người có công cách mạng. Trong 5 năm qua, đã lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ cho 33.127 trường hợp; trong đó, truy tặng, phong tặng 1.457 Mẹ Việt Nam Anh hùng; công tác phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng được quan tâm thực hiện rất chu đáo, 100% mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Bên cạnh đó, TX.Điện Bàn cũng chú trọng công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí 120 tỉ đồng; chăm lo đời sống, việc làm cho gia đình chính sách... Ngoài ra, Thị ủy đã chỉ đạo đầu tư nâng cấp, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn... Hiện nay, tất cả các nghĩa trang, nhà bia liệt sĩ đều khang trang, sạch đẹp, vừa là công trình tưởng niệm vừa là công trình văn hoá - lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ.

Năm 2025, không còn hộ nghèo

Ông Đặng Hữu Lên, cho biết giai đoạn 2020 - 2025, TX.Điện Bàn đặt mục tiêu đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá để phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm sóc người có công, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển. TX.Điện Bàn phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 1%; cơ bản hoàn thành bảo hiểm y tế toàn dân. TX.Điện Bàn cũng đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, giữ vững 100% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 90% trường (mầm non, tiểu học) đạt chuẩn mức độ 2; 100% xã, phường giữ vững đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Kinh tế đạt những thành tựu vượt bậc

Tính riêng giai đoạn 2015-2020, kinh tế tăng bình quân 11,52 %/năm; trong đó công nghiệp tăng bình quân 10,2%/năm. Các vùng sản xuất công nghiệp tập trung đã hình thành với Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc và 9 cụm công nghiệp. Dịch vụ có bước phát triển khá nhanh, tăng bình quân 17,57%/năm; các ngành dịch vụ được hình thành và phát triển. Nông nghiệp, nông thôn phát triển tương đối toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ; cơ cấu lao động phi nông nghiệp chiếm 82%.

Với những thành quả to lớn đó, Điện Bàn đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1976); Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005); được công nhận TX.Điện Bàn và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2015); Công nhận TX.Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (năm 2016).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.