Điện Bàn - cửa ngõ Đà Nẵng

27/03/2020 08:02 GMT+7

“Phủ Điện Bàn, một trong những vùng đông dân nhất trong lãnh thổ của họ Nguyễn”, nhà nghiên cứu Li Tana đã xác quyết trong “Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế xã hội VN thế kỷ 17,18”.

Tác giả dẫn chứng rằng từ một huyện dưới triều Lê, Điện Bàn đã được nâng lên thành Phủ từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhiệm và mở đầu triều đại các chúa Nguyễn. Cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng về dân số. Nếu trong Ô châu cận lục (1555), Dương Văn An xác định Điện Bàn chỉ có 66 xã với chưa đầy 30 ngàn dân, thì hai thế kỷ sau, dưới mắt Lê Quý Đôn (Phủ biên tạp lục, 1777) dân số Điện Bàn tăng lên gần 3 lần, bình quân mỗi năm tăng lên 0,78%. Dân số Điện Bàn tăng nhanh nhất, hơn cả vùng Thuận Hóa đã chứng tỏ vai trò kinh tế - xã hội của thủ phủ xứ Đàng Trong mà nhiều nhà nghiên cứu đã xác định.
Dưới mắt Dương Văn An: “Huyện Điện Bàn đất đai liền với phương Nam, cương giới bên ngoài châu Ô. Dân lấy thóc làm giàu, nhà nông dùng trâu đạp lúa. Xe tiện chuyên chở đường bộ, ghe thuyền thuận lợi đường sông… Phụ nữ mặc quần vải Chiêm. Đàn ông tay cầm quạt Tàu. Phân biệt sang hèn, chén bát không vẽ rồng thì phượng; thứ bậc tôn ti, áo quần không tía thì điều. Phong tục Điện Bàn hậu ít bạc nhiều như thế…”. Gần ba trăm năm sau, Điện Bàn càng chứng tỏ là một cửa ngõ quan trọng của nhượng địa Tourane khi Cửa Đại bị bồi cạn và vai trò thương mại của Hội An ít quan trọng dần. Đường sắt ven biển nối Đà Nẵng và Hội An được xây dựng. Sông Vĩnh Điện được mở rộng và đào sâu từ thời Minh Mạng, Đại Nam nhất thống chí, nói rõ: “Vĩnh Điện hà trước đây là con lạch nhỏ hẹp, năm 1824 vua Minh Mạng cho đào nới rộng ra, từ Câu Nhí đến làng Cẩm Sa dài 850 trượng, đặt tên là sông Vĩnh Điện. Đến năm 1825, nhà vua lại sai thống chế Trương Đăng Minh lấy 8.000 dân phu đào chỉnh lý đường sông cho thẳng, mở rộng cửa sông để lấy nước từ Thu Bồn. Đây là việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía nam kinh kỳ..., phải đào vét thêm, mong lợi cho dân, chẳng phải muốn nhọc sức dân đâu”.
Theo nhà văn Nguyễn Văn Xuân, sông đào Vĩnh Điện còn gắn liền với những chiếc ghe bầu chở hàng hóa từ Hội An ra Đà Nẵng, đặc biệt là hai loại đường cát trắng và quế. Lượng xuất khẩu những năm cao điểm như năm 1842 là 1,4 triệu cân đường cát và 20.000 cân quế được chở thẳng sang Batavia (nay là Jakarta) và Tambalang (Indonesia), Malaysia, Singapore, Luzon (Philippines)... Đúng là Biết bao giờ trả cho hết nợ Cao Hoàng/Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bông Miêu… như một câu ca xưa của người Quảng.
Cửa ngõ vào Đà Nẵng qua Điện Bàn còn là đường thiên lý, nay là QL 1 và đường sắt thống nhất…
Trong các cuộc chiến tranh vừa qua, chúng ta lại thấy Điện Bàn chính là bàn đạp, là vành đai, là nơi tranh chấp của tất cả các bên tham chiến. Điện Bàn là nơi quân đội Pháp, Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản chọn lựa để xây các căn cứ Bồ Bồ, Trảng Nhật, hàng rào điện tử băng qua Thanh Quýt, các đồn bót ở các xã vùng cát như Điện Nam, Điện Ngọc nhằm bảo vệ cứ điểm chiến lược và sân bay Đà Nẵng. Phía cách mạng cũng chọn các xã bắc Điện Bàn làm bàn đạp xâm nhập vào nội thành, lập bộ chỉ huy ở vùng Gò Nổi hay trước đó là vùng tiêu thổ kháng chiến từ năm 1946. Cao điểm và đặt một dấu ấn lịch sử là vào ngày 28.3.1975, lãnh đạo cao nhất của Khu ủy 5 đã đến làng Thanh Quýt chỉ huy các mũi tiến công và ra quyết định tiến vào giải phóng Đà Nẵng, tạo ra một lợi thế quân sự mang tính quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Thị xã Điện Bàn ngày nay với dân số gần 250 nghìn người, gấp gần 8 lần thời Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục năm 1777. Sự phát triển chuỗi đô thị ven biển của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và đô thị động lực Đà Nẵng đã tạo nên các tác động qua lại cho quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa vùng đất này. Các khu đô thị mới áp sát Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Cụm công nghiệp Trảng Nhật, các khu du lịch cao cấp ven biển và dọc sông Cổ Cò đang đánh thức mọi tiềm năng của vùng cửa ngõ phía bắc Quảng Nam và phía nam Đà Nẵng. Các làng nông thôn đang chuyển mình lên đô thị…
Vấn đề đặt ra là, bên cạnh sự phát triển ấy vẫn còn nhiều lo toan về bảo vệ các di sản văn hóa, gìn giữ không gian sống theo mô hình làng song hành trong phố và đặc biệt là ngăn chặn cho được các tác nhân xâm hại đến môi trường, để có được một Điện Bàn giàu có mà thanh tao như trong truyền thống!
Người dân DB luôn gìn giữ các truyền thống văn hóa

Người dân Điện Bàn luôn gìn giữ các truyền thống văn hóa

Đầu tư, phát triển đồng bộ TX.Điện Bàn

Theo ông Trần Úc, Chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, thời gian qua chính quyền TX.Điện Bàn đã tập trung huy động và sử dụng tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên đến 17.391 tỉ đồng (bình quân tăng 13%/năm), trong đó, ngân sách địa phương 1.797 tỉ đồng, “hầu hết các tuyến giao thông tỉnh lộ được đầu tư nâng cấp, mở rộng; các trục giao thông trung tâm nội thị, trục chính Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, đường Trung tâm hành chính nối dài, ĐH6, ĐH7, ĐH4, cầu và đường ĐH14, các trục chính giao thông nông thôn, đô thị, hạ tầng các cụm công nghiệp, các khu dân cư đô thị, khu phố chợ, trường học, trạm y tế, trụ sở hành chính, các thiết chế văn hóa, di tích văn hóa lịch sử..., được đầu tư với tổng giá trị hơn 2.703 tỉ đồng, trong đó ngân sách thị xã 1.624 tỉ đồng”, ông Trần Úc, chia sẻ về việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại Điện Bàn và cho biết thêm: “Từ một số cơ chế đặc thù của tỉnh cho Điện Bàn, như cơ chế để lại nguồn thu từ tiền sử dụng đất, hỗ trợ đầu tư, kinh phí quy hoạch xây dựng đô thị, môi trường, kiến thiết thị chính... đã tạo nguồn thu cho thị xã đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ năm 2017, Điện Bàn được giao tự cân đối thu, chi và có đóng góp cho ngân sách cấp trên”.
Không chỉ chú trọng về đầu tư hạ tầng đô thị, tập trung giữ vững an ninh - quốc phòng, lãnh đạo TX.Điện Bàn cũng coi trọng việc đầu tư mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh đỗ đại học hằng năm đều tăng... Điện Bàn cũng thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình Quốc gia về y tế, hỗ trợ kinh phí đối ứng đầu tư nâng cấp các trạm y tế trên địa bàn, duy trì 20/20 xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Đặc biệt, đối với chính sách người có công được chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời. Qua đó, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công cách mạng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5%/năm, hộ nghèo phát sinh hằng năm thấp, không có hộ tái nghèo.
Cũng theo ông Trần Úc, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp. “Hằng năm, chỉ số cải cách hành chính của thị xã đều đứng ở vị trí cao của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ quan, đơn vị, địa phương mang lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của UBND thị xã và phục vụ cho tổ chức, người dân, doanh nghiệp”, ông Trần Úc, cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.