Điện ảnh Việt trước muôn trùng khó khăn

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
07/04/2020 06:24 GMT+7

Do dịch Covid-19 , một loạt phim Việt đã phải dời lịch chiếu sang năm sau như Lật mặt 5, Trạng Tí, Thanh Sói... Nhiều bom tấn thế giới đã được mua bản quyền nhưng không thể ra rạp vì rạp đóng cửa. Thị trường điện ảnh Việt đang bị thiệt hại nặng nề.

“Bạc đầu” tìm cách vượt khó

Dịch Covid-19 đến nay đã lan rộng trên toàn thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia, Covid-19 có thể khiến doanh thu toàn cầu của ngành điện ảnh mất ít nhất 5 tỉ USD, và con số này sẽ còn tăng lên khi dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành.
Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim VN, Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh VN cũng đang làm kiến nghị gửi cơ quan chức năng để xin hỗ trợ ngành điện ảnh, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực này
Điện ảnh Việt cũng không nằm ngoài thiệt hại chung này. CGV VN vừa thống kê tình hình không mấy sáng sủa của toàn thị trường rạp chiếu của điện ảnh Việt khi cả nước có hơn 210 cụm rạp và đã đóng cửa hết. Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện truyền thông của CGV, cho biết: “Số lượng vé bán ra tháng 3.2020 trong cả nước chỉ được 1 triệu lượt vé, bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu phòng vé tháng 3.2020 (tính đến ngày 25.3 khi tất cả rạp chiếu đóng cửa hoàn toàn trên cả nước; riêng TP.HCM đóng cửa rạp từ 15.3) chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tháng 3.2020 doanh thu đạt 76 tỉ đồng, trong khi tháng 3.2019 doanh thu phòng vé cả nước đạt hơn 350 tỉ đồng”.
Đóng cửa nhưng các rạp vẫn phải chi trả những khoản tiền cố định để duy trì như nhân công, mặt bằng, bảo trì hệ thống máy móc, vệ sinh, xịt khử khuẩn… Chi phí này ngốn cả chục tỉ đồng nên các chủ rạp cho biết khó khăn càng chồng chất. Không chỉ CGV mà các đơn vị chiếu phim khác như BHD, Galaxy, Mega GS… cũng đang “bạc đầu” tìm cách vượt qua khó khăn trong thời điểm này. Bà Bích Liên, chủ rạp Mega GS, nói: “Mọi chuyện sắp tới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh”.
Rạp đóng cửa cũng kéo theo hàng loạt phim không thể phát hành. Sau khi các phim dự kiến ra mắt trong năm nay như Bí mật của gió, Chị Mười Ba, Trạng Tí... dời lịch chiếu, thì mới đây, đạo diễn - nhà sản xuất Lý Hải công bố phim Lật mặt 5 sẽ dời lịch chiếu đến mùng 1 Tết Tân Sửu 2021, thay vì lịch cũ là 30.4 năm nay. Các nhà sản xuất đều cho biết 6 tháng tới phim Việt sẽ khan hiếm nghiêm trọng vì không ai mạo hiểm đem ra rạp chiếu lúc này. Đồng thời, phim đang quay cũng phải hoãn bấm máy tại phim trường đông người, tiến độ làm hậu kỳ của các phim mới cũng liên tục bị ảnh hưởng bởi đặc thù công việc trong ngành điện ảnh không thể làm tại nhà một mình được.

Phim Lật mặt 5 của Lý Hải hoãn chiếu đến tết năm sau

Ảnh: đoàn phim cung cấp

Mong mỏi của người làm điện ảnh

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết: “Chúng tôi rất khó khăn để đưa ra quyết định dời ngày công chiếu Trạng Tí và Thanh Sói. Chọn lịch chiếu mới khá xa so với lịch cũ là việc làm đầy rủi ro. Việc hoãn chiếu phim khiến tiền của, công sức truyền thông, marketing trước đó trở nên gần như vô nghĩa. Đến ngày phát hành lại, chắc chắn chúng tôi phải tốn kém thêm chi phí, vì thế khả năng thu hồi vốn dự án cũng gặp trắc trở”.
Ê kíp Lật mặt 5 cũng nói thêm: “Quyết định hoãn chiếu cả trong và ngoài nước (Mỹ, Úc) đã gây nhiều tổn thất (ngâm vốn) cho đoàn làm phim, kể cả khi mở cửa rạp trở lại thì doanh thu khó đảm bảo trong thời gian này. Tuy nhiên, đây là điều cần thiết bởi việc phối hợp cùng cơ quan chức năng, hạn chế tụ tập đông người, ngăn ngừa dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Điều các nhà sản xuất phim trong nước lo lắng hơn chính là viễn cảnh các tháng tới, rạp chiếu heo hút khán giả và doanh thu sẽ còn thấp hơn nhiều so với tháng 3 năm nay, bởi tâm lý e sợ đám đông của khán giả sẽ dẫn đến việc ít người ra rạp xem. Bên cạnh đó, hàng loạt bom tấn thế giới sẽ ào ạt trở lại rạp nếu dịch bệnh trôi qua cũng sẽ khiến phim Việt “lép vế” tại phòng vé, doanh thu phim Việt sẽ khó cạnh tranh được như mong đợi.
Phía rạp CGV cho biết: “Để vượt qua giai đoạn này, chúng tôi sẽ cắt giảm chi phí vận hành, thương lượng với các chủ đầu tư cho thuê mặt bằng để miễn giảm chi phí trong thời gian đóng cửa; đồng thời sẽ cắt giảm chi phí nhân sự bởi các nhân viên sẽ đi làm 1 tuần 3 ngày, thay vì 5 ngày như trước đây. Trước tình hình các phim bom tấn đã dời lịch chiếu thì CGV đã xin đối tác chiếu lại một số phim bom tấn trước đây để phục vụ khán giả và cũng đã có kế hoạch chọn lọc một số phim để trình chiếu nhằm lấp đầy lịch chiếu mới nếu có”. Hiện mong muốn của phía rạp CGV là: “Chính phủ có thể phê duyệt dự thảo gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ gói vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua và phát triển”. Đây cũng là nguyện vọng của các rạp chiếu khác như BHD, Galaxy, Mega GS…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.