Điện ảnh Việt trong cuộc chơi triệu đô

07/09/2017 09:45 GMT+7

Các nhà sản xuất đang mạnh dạn đầu tư cho nhiều phim Việt với số vốn hơn 1 triệu USD/phim, vì tin tưởng thị trường chiếu bóng VN đủ tiềm năng để có được doanh thu lớn.

Muốn cạnh tranh, phải đầu tư lớn
Phim điện ảnh Việt mang danh “bom tấn” đã xuất hiện cách đây nhiều năm, với kỹ xảo hiện đại, đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng lại thu về không được một nửa chi phí. Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng, Quyên, Lửa Phật, Fan cuồng, Truy sát, Vệ sĩ Sài Gòn... bị “ngã ngựa” ngay khi ra rạp, mặc dù được đánh giá như bước đột phá lớn của điện ảnh Việt. Phim đầu tư triệu đô thắng đậm phòng vé đến nay chỉ mới có Mỹ nhân kế, Long Ruồi, Em là bà nội của anh, Tấm Cám: Chuyện chưa kể…
Đạo diễn kiêm nhà sản xuất Dustin Nguyễn khi nếm mùi thất bại của Lửa Phật đã cho biết: “Thị hiếu khán giả là một canh bạc với nhà sản xuất, bởi dù có nghiên cứu hay mong muốn làm một thể loại mới mẻ thì cũng không biết được khán giả chọn lựa hay không. Nhưng nếu chỉ làm những thể loại hài, tình cảm quen thuộc thì điện ảnh Việt khó mà khởi sắc, đa dạng. Vì thế, với người làm nghề tâm huyết, chúng tôi vẫn phải tiếp tục đầu tư cho những bộ phim lớn khác”.

Cần thiết phải đầu tư kinh phí lớn cho phim và tôi tin khán giả sẽ nhận ra sự đầu tư đó, ủng hộ phim nếu thật sự có nhiều cái hay để xem

Đạo diễn Đức Thịnh

Trước sức ép cạnh tranh của phim ngoại, các nhà sản xuất phim Việt phải đầu tư nâng cao chất lượng. Sắp tới, sẽ có những bộ phim có kinh phí rất cao, khoảng hơn 1 triệu USD/phim. Một trong những phim đó là Lôi báo của đạo diễn Victor Vũ, do hơn 5 nhà sản xuất góp vốn tổng cộng trên 30 tỉ đồng. Victor Vũ cho biết: “Lôi báo có đề tài về người hùng, hành động - giả tưởng, nhưng tôi không khai thác hình tượng siêu anh hùng như trong các phim Hollywood, mà đó là nhân vật thuần Việt, rất đời thường, đại diện cho những con người thầm lặng, can đảm đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ người yếu thế”.
Trong khi đó, phim Người bất tử cũng do Victor Vũ đạo diễn, với kinh phí ước tính 40 tỉ đồng vì có nhiều cảnh phải phục dựng qua 3 thế kỷ theo kịch bản. Phim Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng đã gây sự chú ý không nhỏ khi được đầu tư không dưới 1 triệu USD.
Với Ngô Thanh Vân, lý do cô đầu tư triệu đô cho thể loại phim về Sài Gòn xưa qua bộ phim Cô Ba Sài Gòn là vì: “Giá trị đẹp của văn hóa một thời chính là điều thôi thúc tôi phải làm bộ phim này. Tôi nghĩ giữa đời sống hiện đại, một bộ phim mang màu sắc xưa cũ sẽ khiến khán giả thích thú”.
Hoặc như nhà sản xuất Mai Thu Huyền đem cả ê kíp sang Mỹ thực hiện phim Giấc mơ Mỹ với số vốn hơn 1 triệu USD, là phim lần đầu tiên có 60% bối cảnh quay tại Mỹ. Rồi nhà sản xuất người Ấn gốc Việt Raja đã đầu tư 25 tỉ đồng làm phim hành động - võ thuật - tâm lý Sám hối, trong đó chi phí dựng võ đài thi đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế lên đến 7 tỉ đồng để ghi hình cảnh đấu võ đài do Bình Minh đóng, với hơn 1.500 diễn viên quần chúng.
Điện ảnh Việt trong cuộc chơi triệu đô1
Cảnh trong phim Lôi báo Ảnh: ĐPCC
Doanh thu đầy tiềm năng
Kinh phí cao chưa hẳn là yếu tố quyết định thành công
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nêu ý kiến: “Kinh phí đầu tư tăng, chất lượng phim Việt sẽ được nâng lên về nhiều mặt như hình ảnh, kỹ xảo, âm nhạc, thể loại... Tuy nhiên, kinh phí cao chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ trong thành công của phim, bởi phim hay còn đòi hỏi sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác như thị hiếu, kịch bản, tay nghề đạo diễn, quay phim, diễn viên...”.
Nhiều phim Việt có lãi và lập kỷ lục doanh thu phòng vé là những tín hiệu lạc quan của thị trường điện ảnh VN năm 2017. Từ đầu năm đến nay, đã có 25 phim Việt ra rạp. Nếu năm 2016, ngoài Em là bà nội của anh đạt doanh thu 102 tỉ đồng thì chỉ có 2 phim đạt doanh thu ấn tượng xấp xỉ 70 tỉ đồng là Tấm Cám: Chuyện chưa kểNắng, thì năm nay đến thời điểm này, Em chưa 18 đã xác lập kỷ lục cao nhất điện ảnh Việt khi vượt qua con số 170 tỉ đồng. Phim Cô gái đến từ hôm qua mới đây thu hơn 70 tỉ đồng, Xóm trọ 3D - 33 tỉ đồng, Bạn gái tôi là sếp - 32 tỉ đồng, Lô tô - hơn 30 tỉ đồng...
Đạo diễn Đức Thịnh nhận định: “Mấy năm trước, khán giả dễ dãi hơn, chấp nhận xem phim hài vui, nhẹ nhàng, nhưng giờ họ đòi hỏi những câu chuyện khác biệt, có chiều sâu và có đầu tư lớn về nhiều mặt trong phim, bởi nếu ra rạp mà xem một bộ phim không có gì thu hút thì thà ở nhà xem phim truyền hình. Thế nên, cần thiết phải đầu tư kinh phí lớn cho phim và tôi tin khán giả sẽ nhận ra sự đầu tư đó, ủng hộ phim nếu thật sự có nhiều cái hay để xem”.
Việc đầu tư phim triệu đô cũng là bài toán khó về doanh thu bởi tỷ lệ ăn chia với các rạp chiếu thường là 50 - 50, có cụm rạp đòi mức 60 - 40 (mỗi vé bán ra rạp lấy 6, chủ phim chỉ được 4). Đó là chưa kể các chi phí phải trả cho nhà phát hành, chi phí sản xuất, PR, quảng cáo… Nếu đầu tư 20 tỉ đồng thì ít nhất doanh thu phải được 40 tỉ đồng mới huề vốn, hoặc lỗ chút đỉnh. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh - người chủ yếu làm phim triệu đô, chia sẻ: “Đầu tư lớn thế nào cũng có mức độ nhất định. Tôi làm sản xuất phim nên không thể mơ hồ, phải thực tế. Đã là kinh doanh thì chân phải chạm đất, chứ “bay” quá lỗ vốn là phá sản, bởi đã có nhiều phim Việt kinh phí lớn nhưng ra rạp vẫn đuối vì không thu hút khán giả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.