Điện ảnh chờ giấc mơ lớn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/12/2022 07:32 GMT+7

Điện ảnh năm 2022 có ánh sáng của các giải thưởng quốc tế, cũng có bóng tối của những bộ phim dở, doanh thu siêu thấp.

Phim buồn phim vui

Với bộ phim Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, tin vui liên tục bay về. Mới nhất, Tro tàn rực rỡ đoạt giải cao nhất Montgolfière d’Or tại Liên hoan phim Ba châu lục 2022 (18 - 27.11, tại Nantes, Pháp). Ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi trao giải cho bộ phim này vì vẻ đẹp nên thơ của thế giới mà bộ phim miêu tả, vừa lung linh vừa mê hoặc, cũng như vì vai diễn đáng yêu và rất tinh nghịch của ba nhân vật nữ chính trong phim”.

Thanh Sói - bộ phim được kỳ vọng là sẽ thắng phòng vé 2022

ĐPCC

Tuy nhiên, điện ảnh Việt 2022 lại rất đuối ở phòng vé, “thua ngay trên sân nhà”. Phim Là mây trên bầu trời của ai đó chỉ thu được 431 triệu đồng; Kẻ thứ ba của Lý Nhã Kỳ thu về 962 triệu đồng; 578: Phát đạn của kẻ điên của đạo diễn Lương Đình Dũng thu được 3,5 tỉ đồng; Người tình của đạo diễn Lưu Huỳnh thu về 1,1 tỉ đồng; phim thiếu nhi Maika - cô bé đến từ hành tinh khác của đạo diễn Hàm Trần do Hãng BHD và Cục Điện ảnh kết hợp sản xuất theo đặt hàng của Bộ VH-TT-DL thu về 6,4 tỉ đồng... Phim Em và Trịnh dù khá hơn cả nhưng cũng không so sánh được với các phim nước ngoài chiếu rạp Việt.

Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

ĐPCC

Nhà làm phim Nguyễn Hữu Tuấn đưa ra những đánh giá dài hơi về doanh thu của điện ảnh Việt. Phân tích số liệu của anh cho thấy sự trồi sụt của điện ảnh Việt trong những năm qua. Theo đó, năm 2017 là một năm rất thành công của ngành làm phim với Em chưa 18, thu về hơn 140 tỉ đồng. Tới 2018, điện ảnh VN có nhiều “trái đắng”, song nửa đầu năm 2019 có tới 4 phim lọt vào “câu lạc bộ trăm tỉ”. Năm 2020 - 2021 lại cho thấy nội lực điện ảnh yếu kém, không đủ sức phục hồi thực sự sau dịch Covid-19, ngay cả khi có những phim doanh thu 180 tỉ đồng như Tiệc trăng máu (2020) hay thậm chí 400 tỉ đồng như Bố già (2021).

Với các phim remake, theo nhà làm phim Nguyễn Hữu Tuấn, đây là một xu hướng chung trên toàn cầu khi các nền điện ảnh đang xích lại gần nhau. “Tại VN, trong tình hình vắng bóng tài năng cho công tác biên kịch, việc sử dụng kịch bản nước ngoài đã có sẵn là một cách tốt để học hỏi, đi tắt đón đầu. Điều đáng mừng cần ghi nhận là phim remake cũng đang dần nói không với cách làm phim photocopy và đầu tư nhiều hơn sức sáng tạo để tạo ra đời sống riêng, đậm chất Việt cho phiên bản Việt”, Nguyễn Hữu Tuấn phân tích.

Luật Điện ảnh được thông qua mở rộng hành lang pháp lý cho việc làm phim. Hội đồng duyệt phim cũng có thêm thành viên là người làm điện ảnh. Nhờ đó, việc sản xuất phim cũng sẽ có môi trường tốt hơn.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh

Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng cảnh báo làm phim remake đồng nghĩa với việc giới hạn đầu ra cho xuất phẩm của mình trong thị trường nội địa. Nhà làm phim này cho rằng phim VN không thể chỉ tư duy hướng nội mãi mà cũng rất cần có tầm nhìn rộng hơn, vươn mình ra xa khỏi quê nhà, tìm lợi nhuận ở các thị trường nước ngoài. “Điều đó không phải là không thể, Hai Phượng đã chứng minh rằng phim VN có thể gia tăng doanh thu đáng kể khi mở ra được một cửa phát hành quốc tế mạnh như Netflix. Để có thể lập lại và vượt qua thành tích ấy trong tương lai, chất lượng các bộ phim là yếu tố tiên quyết. Phim Việt buộc phải làm được điều đó bằng nội lực của chính mình, làm sao tạo ra được những bộ phim mang tính toàn cầu mà vẫn mang những nét độc đáo của đất nước”, ông Nguyễn Hữu Tuấn nêu quan điểm.

Mở hành lang, tăng đầu tư

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhận định việc thông qua luật Điện ảnh là một điểm sáng của năm 2022. “Luật Điện ảnh được thông qua mở rộng hành lang pháp lý cho việc làm phim. Hội đồng duyệt phim cũng có thêm thành viên là người làm điện ảnh. Nhờ đó, việc sản xuất phim cũng sẽ có môi trường tốt hơn”, ông Vi Kiến Thành nói. Trên thực tế, việc duyệt các cảnh nóng, cảnh bạo lực gần đây dường như đã “nới lỏng” hơn.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN, trong một bài viết về công nghiệp điện ảnh VN mới đây cho rằng nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%. Phim đặt hàng của nhà nước phát huy hiệu quả xã hội không cao, số phim có thể ra rạp đếm trên đầu ngón tay. Vài năm gần đây, phim đặt hàng hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả khiêm tốn, được mời xem miễn phí. Đội ngũ làm điện ảnh tại các cơ sở điện ảnh của nhà nước thiếu và mai một dần.

Bà Lan cũng chỉ ra việc phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần vì không có hạn ngạch phim nhập khẩu. “Rạp chiếu phim chủ yếu ở các thành phố lớn, rạp của các công ty nước ngoài phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, chiếm 60% số rạp và chi phối hoạt động chiếu phim tại VN. Hưởng thụ điện ảnh của thành thị và vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn còn khoảng cách lớn do tác động của cơ chế thị trường”, bà Lan nêu quan điểm.

Theo bà Lan, để phát hành, phổ biến phim đáp ứng yêu cầu phát triển nền công nghiệp điện ảnh, song song với việc xây dựng thị trường điện ảnh cạnh tranh lành mạnh trong nước, phải phát triển thị trường điện ảnh VN trong khu vực và trên thế giới. So với mục tiêu Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa VN, hiện chưa đạt chỉ tiêu xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài. Các cơ quan nhà nước hầu như chưa quan tâm đến đưa phim Việt ra thị trường quốc tế. Hầu hết phim bán được ra nước ngoài đều do các công ty tư nhân làm một cách nhỏ lẻ và đơn độc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.