Điểm chuẩn học bạ tăng đột biến, hệ lụy đến chất lượng xét tuyển

Hà Ánh
Hà Ánh
22/07/2022 07:45 GMT+7

Điểm chuẩn trúng tuyển dựa vào kết quả học tập THPT ( xét học bạ ) vào các trường ĐH tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Ở những ngành nhiều thí sinh quan tâm, trung bình trên 9 điểm/môn vẫn không trúng tuyển.

Ở những ngành và trường có mức cạnh tranh thấp hơn, điểm chuẩn xét bằng điểm học bạ các năm gần đây cũng tăng liên tục mỗi năm 2 - 3 điểm.

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, để phân tích sâu về căn nguyên, hệ quả và các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trên.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học bằng học bạ năm nay

đào ngọc thạch

Nguyên nhân điểm chuẩn học bạ tăng

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tăng mạnh điểm chuẩn xét học bạ các trường ĐH trong năm nay, thưa ông?

Điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm học bạ tăng mạnh trong năm nay có thể xuất phát từ 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, năm nay qua số liệu thống kê sơ bộ về tình hình đăng ký dự thi, có tới gần 93% học sinh (HS) dự thi tốt nghiệp THPT có nhu cầu xét tuyển vào ĐH. Những năm trước, chỉ tính riêng số HS có nhu cầu sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, tỷ lệ này chiếm khoảng 75% (không tính số thí sinh (TS) có nhu cầu xét tuyển bằng các phương thức khác). Như vậy, năm nay có trên 900.000 HS sẽ tham gia xét tuyển ĐH, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh các trường năm nay chỉ trên 500.000. Có thể thấy, về mặt khách quan năm nay có sự cạnh tranh cao hơn cả về số lượng và tỷ lệ TS.

Thứ hai, ngay từ đầu năm học, trong dự thảo đề án tuyển sinh, nhiều trường đã công bố dành chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác nhiều hơn xét điểm thi tốt nghiệp. Trong đó, nhiều trường ĐH thu hút nhiều TS quan tâm cũng dành phần lớn chỉ tiêu xét dựa vào kết quả học tập THPT theo những hình thức khác nhau. TS đã đổ xô vào phương thức xét tuyển học bạ, có nhiều trường ĐH nhận được hàng chục ngàn hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Thứ ba, qua 2 năm học trực tuyến kéo dài do dịch Covid-19, việc cho điểm của các trường THPT một phần thoáng hơn và càng không chính xác về kiểm tra, đánh giá trong tình hình dịch bệnh. Từ đó, điểm số trong học bạ mà thể hiện rõ nhất năm học lớp 11 và 12, được đẩy lên cao.

Trong 3 nguyên nhân trên, có lẽ 2 nguyên nhân sau thực sự tác động mạnh đến việc tăng điểm chuẩn phương thức xét học bạ trong năm nay.

Cách thức tuyển sinh cho thấy chất lượng trường ĐH

Việc tăng mạnh điểm chuẩn xét học bạ xuất phát từ những nguyên nhân trên sẽ dẫn tới điều gì, thưa ông?

Hệ lụy dễ thấy nhất của việc tăng điểm số học bạ chính là điểm chuẩn xét tuyển vào các trường dựa vào kết quả này tăng đột biến. Hệ lụy tiềm ẩn lớn nhất chính là giảm độ tin cậy của chất lượng xét tuyển dựa vào học bạ THPT.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng hiện tượng trên cho chúng ta thấy, cần phải xem lại cách kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông hiện nay

đào ngọc thạch

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có 20 phương thức xét tuyển khác nhau. Nhưng nhìn chung các trường ĐH hiện nay xét tuyển với 2 mục tiêu chính: tuyển được người học có chất lượng đầu vào tốt và tuyển đủ chỉ tiêu năm học của trường. Mỗi trường sẽ quyết định chọn 1 trong 2 yếu tố để đặt lên cao hơn khi thực hiện kế hoạch tuyển sinh. Nếu đặt chất lượng tuyển sinh lên hàng đầu, trường sẽ chọn phương thức xét tuyển có độ tin cậy càng cao. Đến thời điểm này, kết quả các kỳ thi được tổ chức quy mô lớn như kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội… đang được xem có độ tin cậy cao nhất. Ngược lại, trường đặt nặng việc tuyển cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh sẽ chọn lựa phương thức tuyển sinh dễ dàng hơn.

Khoan chưa nói đến quá trình đào tạo, ngay từ cách thức tuyển lựa người học, dựa vào những tiêu chí đánh giá cụ thể mà xã hội có thể nhìn thấy được mục tiêu chất lượng mà trường ĐH đang hướng tới.

Việc cho điểm học bạ được nhìn nhận không “đều tay” giữa các trường THPT, điều này thể hiện rõ trong độ chênh lệch điểm trung bình học bạ so với điểm thi tốt nghiệp Bộ GD-ĐT công bố năm ngoái. Ông nhận định gì về điều này?

Không chỉ kết quả tuyển sinh, việc cho điểm số không thực chất còn được nhìn thấy rõ trong kết quả xét tốt nghiệp THPT. Minh chứng là trước năm 2019, điểm xét tốt nghiệp THPT được tính theo tỷ lệ 50% điểm trung bình lớp 12 và 50% điểm các môn trong kỳ thi tốt nghiệp. Đến sau năm 2019, Bộ điều chỉnh cách tính điểm xét tốt nghiệp theo hướng tăng lên 70% dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp, chỉ 30% dựa vào điểm trung bình lớp 12. Tuy vậy tỷ lệ tốt nghiệp trước và sau này vẫn dao động trong mức 97 - 98%.

Từ đó có thể thấy, “tội” của quy chế xét tốt nghiệp THPT là khi “bóp” trọng số điểm trung bình lớp 12 xuống còn 30% thì phản ứng tự vệ của các trường THPT là cho điểm lớp 12 cao lên để giảm tác động của trọng số thấp.

Cần một chuẩn đánh giá chung

Vậy theo ông, có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Hiện tượng trên cho chúng ta thấy, cần phải xem lại cách kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông hiện nay.

Tăng từ 3,5 - 4 điểm

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có 4 ngành điểm chuẩn ở mức 29,75 (thí sinh cần đạt trung bình trên 9,9 điểm mỗi môn) mới trúng tuyển. Nhiều ngành khác, điểm chuẩn cũng ở mức 29 điểm. Trước đó, năm 2021 trường này chỉ có 2 ngành điểm chuẩn đạt 29 điểm.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng có ngành điểm chuẩn xét học bạ từ 26 - 27 điểm. So với năm ngoái, điểm chuẩn các ngành này đều tăng từ 3,5 - 4 điểm.

Trường ĐH Cần Thơ cũng có 3 ngành điểm chuẩn ở mức 29,25. Đặc biệt, ngành hóa học điểm chuẩn năm nay tăng 5 điểm so với năm 2021 từ 21,5 lên 26,5 điểm…

Trường ĐH Cần Thơ cũng có 3 ngành điểm chuẩn ở mức 29,25. Đặc biệt, ngành hóa học điểm chuẩn năm nay tăng 5 điểm so với năm 2021 từ 21,5 lên 26 điểm.

Trong số 34 ngành chương trình đại trà của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, có tới 32 ngành có điểm chuẩn xét học bạ từ 24 điểm trở lên (mỗi môn trung bình 8 điểm). Trong số 34 ngành này cũng một nửa có điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên...

Thông qua một hình thức đánh giá khoa học nào đó, HS cần được đánh giá trên một chuẩn chung trên phạm vi toàn quốc. Nếu không có sự thống nhất trong đánh giá đồng đều giữa các địa phương và các trường THPT, thì vẫn sẽ có sự không đồng đều về điểm số trong học bạ. Cùng một mức năng lực nhưng tại trường THPT này HS nhận được điểm 8 còn ở trường khác chỉ đạt điểm 6. Điều này dẫn đến mất công bằng giữa người học, ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Thêm một hệ quả nữa là rất khó giao cho các địa phương tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp vì khi đó kết quả tốt nghiệp ở mỗi địa phương sẽ mỗi khác.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.