Dịch vụ đặt cỗ online thất thu mùa tết

Thu Hằng
Thu Hằng
06/02/2024 12:15 GMT+7

Dịch vụ đặt cỗ tại Hà Nội vốn rất đắt hàng vào các dịp lễ, tết. Năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, thay vì đặt trọn gói cả mâm cỗ tết cúng tất niên với giá tiền triệu, nhiều khách hàng lựa chọn đặt theo món.

Đơn đặt đồ ăn tết sụt giảm khoảng 30%

Hơn 10 năm bán đồ ăn online, chị Vũ Mộng Ngân (trú Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh giá đây là mùa cỗ tết kém sôi động nhất.

Dịch vụ đặt cỗ online thất thu mùa tết- Ảnh 1.

Thay vì chọn mâm cao cỗ đầy, năm nay nhiều người chọn đặt món lẻ ăn tết

BẾP LAAN

Chị Ngân cho biết: "Mọi năm, tầm này chúng tôi chạy cỗ từ sáng đến đêm không có thời gian nghỉ. Các món đi biếu như gà cựa, bánh chưng khách đặt tơi tới. Năm nay, đơn đặt đồ ăn tết sụt giảm khoảng 30%, đặc biệt hàng đi biếu giảm tới 50%. Sau 23 tháng chạp vẫn không nhận được đơn nào làm hàng đi biếu, có lẽ khách chuyển sang mua hoa quả, trái cây hết rồi".

Theo chị Ngân, khách hàng phần lớn là dân văn phòng. Năm nay kinh tế khó khăn, thay vì đặt mâm cao cỗ đầy, nhiều người đã chuyển sang đặt món lẻ như gà, bánh chưng, xôi… Thậm chí, có những khách quen trước đây đặt gà cúng cả con, năm nay chỉ muốn mua theo đĩa nửa con.

Không còn tình cảnh "cháy" đơn hàng như các mùa tết trước, chị Ngọc Lê (chuyên nấu cỗ online tại phố Xã Đàn, Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhiều khách trước đây đặt mâm cỗ tất niên trên 3 triệu đồng, yêu cầu thêm hải sản đắt tiền như cua, ghẹ, tôm, chim quay…

Năm nay, mâm đắt nhất cũng chỉ 1,6 triệu đồng, chủ yếu là các món truyền thống. "Chúng tôi cũng dự báo trước tình hình kinh doanh sẽ khó khăn nên đã đăng bài nhận đặt món ăn tết từ rất sớm, song ít người đặt khá lo. Những người bán đồ ăn như chúng tôi còn phải nuôi nhân viên, nuôi người giao hàng. Không có khách, tết này chúng tôi cũng thất thu", chị Lê nói.

Dịch vụ đặt cỗ online tại Hà Nội phát triển những năm gần đây nhằm phục vụ khách hàng bận rộn, không có nhiều thời gian nấu nướng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng năm nay đã phải thắt chặt hầu bao, tính toán chi tiêu, sắm tết cho hợp lý.

Chị Nguyễn Hà Linh, kế toán một công ty xuất nhập khẩu ở Q.Đống Đa, cho biết: "Mọi năm bận rộn, tôi toàn đi chợ online. Năm nay, công ty giảm nhiều đơn hàng, cắt giảm lương. Cuối năm việc ít, tiền thưởng tết thì chưa thấy đâu, thôi thì mình gọi món cho tiết kiệm, đặt cỗ nhiều món, ăn không hết lại cất tủ lạnh cũng lãng phí".

Không tăng giá để giữ khách

Khảo sát trên thị trường, các món cỗ tết truyền thống năm nay đều không tăng giá so với ngày thường. Đơn cử như gà ta 140.000 đồng/kg; nem rán 90.000 - 100.000 đồng/chục; thịt đông 150.000 đồng/hộp; canh bóng, canh măng 150.000 đồng/bát; bánh chưng 150.000 đồng/cặp; giò lụa 220.000 đồng/chiếc (1 kg); giò xào 280.000 đồng/chiếc (1 kg)… Các set theo món (3 - 5 món) giá từ 450.000 - 650.000 đồng.

Theo anh Nguyễn Quốc Hưng, phụ trách bán hàng Bếp Laan, xu hướng người dân tiết kiệm lựa chọn món nhiều hơn là đặt mâm cỗ tiền triệu. "Chúng tôi chỉ bán hàng đến ngày 28 tết, mọi người cũng muốn nghỉ sớm còn về quê ăn tết. Do đó, thực đơn món tết chúng tôi chọn là những món đã được sơ chế, có thể bảo quản trong tủ lạnh ít nhất 2 tuần như nem truyền thống, heo quay; canh bóng, canh măng; xôi; bắp bò kho…".

Giữ khách, đợi khách là chiến lược chung của bếp online lúc này. Thay vì khóa sổ sớm, nhiều người vẫn nhận đơn muộn đến sát 28 - 29 tết. Chị Ngân chia sẻ: "Nếu tăng giá, người tiêu dùng quay lưng, không mua nữa thì chỉ còn nước đóng cửa sớm. Chúng tôi buộc giải giữ giá, thay đổi thực đơn từ phân khúc cỗ cao cấp chuyển sang cỗ bình dân".

Khó tin: Cắt hạt gạo làm ông địa siêu nhỏ bán tết, muốn thấy phải dùng kính lúp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.