Dịch vụ đặt cỗ cúng tết Đoan Ngọ 'bội thu' mùa Covid-19

14/06/2021 09:17 GMT+7

Tết Đoan Ngọ, còn gọi là tết diệt sâu bọ (5.5 âm lịch, 14.6 dương lịch), là ngày tết không kém phần quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt .

Do dịch bệnh Covid-19, thay vì đi chợ truyền thống, năm nay, nhiều gia đình chọn dịch vụ đặt cỗ online cho ngày này.
Tết Đoan Ngọ đã tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông. Tại Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi bằng một cái tên dân dã là “tết diệt sâu bọ”. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống được coi trọng chỉ sau tết Nguyên Đán. Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì vậy, trên các chợ online, những ngày gần đây “bùng nổ” dịch vụ đặt mâm cỗ cúng tết Đoan Ngọ.
Tất cả các mặt hàng chuẩn bị cho mâm cỗ cúng đều được chào bán từ các “chợ” cư dân, đến mạng xã hội, từ rượu nếp, hoa quả, bánh trái… đều có dịch vụ ship tận nhà.

Món bánh bá trạng với nguyên liệu 'sang chảnh' ăn Tết Đoan Ngọ của gia đình người Hoa

Chị Trịnh Thu Cúc, nhân viên văn phòng ở Q.Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: “Theo quan niệm của người Việt, tết Đoan Ngọ là ngày mà mọi người sẽ diệt trừ sâu bọ bằng cách ăn hoa quả, rượu nếp… và cũng là ngày các con cháu chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên bày tỏ lòng biết ơn, mong muốn có một mùa màng bội thu. Những năm trước đi làm bận bịu không có thời gian chuẩn bị cỗ cúng đầy đủ. Năm nay, tết Đoan Ngọ rơi vào ngày thứ hai, cả 2 vợ chồng đều làm việc online ở nhà, con cái cũng được nghỉ hè nên gia đình mình làm cỗ tươm tất hơn. Ngoài “diệt trừ sâu bọ”, gia đình mình còn mong muốn ông bà tổ tiên phù hộ diệt trừ “dịch bệnh Covid-19”, người thân trong gia đình đều khỏe mạnh vượt qua dịch bệnh”.
Cũng vì lý do dịch bệnh, cộng đồng ngại đi chợ truyền thống, hạn chế tiếp xúc đông người khiến cho dịch vụ cỗ online càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Chị Lê Hồng Hạnh, giảng viên Trường ĐH Điện Lực, bày tỏ: “Trước đây, để chuẩn bị một mâm cỗ cúng, mình thường đi chợ mua từ hàng hoa đến hàng quả, sang hàng rượu nếp... mỗi thứ một ít. Năm nay, dịch bệnh phức tạp, nhiều ca lây từ chợ mà không rõ nguồn nên mình rất sợ. Vì vậy, đặt mua đồ cúng online đỡ phải đi nhiều nơi, hạn chế tiếp xúc”.
Năm nay, dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, sức mua giảm, song giá cả các mặt hàng cho tết Đoan Ngọ hầu như không tăng, chỉ nhỉnh hơn chút so với ngày thường. Đơn cử như: rượu nếp, nếp cẩm: 50.000 - 70.000 đồng/kg, bán theo hộp giá 45.000 - 50.000 đồng/hộp (0,5 kg), bánh gio 5.000 - 10.000 đồng/chiếc, vải thiều từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, mận hậu 50.000 - 100.000 đồng/kg…

Dịch vụ trọn gói tiền triệu đắt hàng

Không đơn thuần là mua hàng online, năm nay nhiều cửa hàng còn tung ra các set cỗ cúng trọn gói từ A - Z. Giá mâm cỗ cúng dao động từ 150.000 - 500.000 đồng. Một số cửa hàng có set cao cấp từ 800.000 - 1,5 triệu đồng, đắt gấp 5 - 10 lần set thông thường. Không chỉ tập trung cho chất lượng sản phẩm, phần hình ảnh quảng cáo mâm cỗ cúng cũng được các cửa hàng đầu tư kỹ lưỡng.
Theo một chủ cửa hàng chuyên dịch vụ đồ thờ cúng ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, sở dĩ set cao cấp có giá tiền triệu bởi nguyên liệu để làm rượu nếp, bánh gio, bánh trôi đều từ gạo hữu cơ. Ngoài các loại hoa quả trong nước như mận, vải đều là hàng tuyển, một số hoa quả nhập ngoại có giá cao như: chery, táo, lựu… Đặc biệt, mâm cỗ cúng kèm theo trà sen Hồ Tây và mẹt hoa với nhiều loại hoa đắt đỏ như sen quan âm, nhài, huệ, hoàng lan… được trang trí, bày biện cầu kỳ.
Ngoài lý do nguyên liệu thực phẩm an toàn, không hóa “chất”, giá thành cao, dịch vụ đặt cỗ cao cấp còn hướng tới sự an toàn tuyệt đối cho các khách hàng. Chị An Nhiên, chủ cửa hàng V-Organic (Q.Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ: “Để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho khách hàng, cửa hàng chúng tôi chỉ nhận đặt set cao cấp với số lượng có hạn. Dịch bệnh phức tạp, chúng ta không thể biết ai có bệnh, ai không. Trước đây, chúng tôi thuê dịch vụ ship bên ngoài, nhưng từ khi dịch bệnh, để đảm bảo an toàn cho khách hàng và cho nhân viên cửa hàng, chúng tôi tự ship đồ cho khách”. Theo chị Nhiên, toàn bộ thực phẩm đều được đóng gói cẩn thận trong thùng giấy, trước khi giao hàng đều được phun khử khuẩn. Mỗi lần ship một đơn hàng, không ghép đơn với khách hàng khác.
Cũng nhờ dịch bệnh, dịch vụ đặt mâm cúng tết Đoan Ngọ năm nay bội thu. Chị Phạm Thùy Linh, chủ shop Hoa tươi Mê Linh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết cửa hàng thường bán set hoa quả cúng từ nhiều năm nay. Dịp tết Đoan Ngọ năm ngoái, cửa hàng bán được 160 mẹt. Năm nay, tính đến ngày 12.6 đã hơn 300 mẹt. “Do dịch Covid-19, nhiều người làm việc tại nhà, hạn mua hàng trực tiếp nên lượng đơn hàng đặt online tăng vọt. Chúng tôi nhận đặt đến sáng ngày mùng 5.5 (tức ngày 14.6), dự kiến năm nay số lượng tăng lên gấp 3 lần so với năm ngoái”, chị Linh cho hay.
Theo chị Linh, tùy phong tục vùng miền và điều kiện của mỗi gia đình mà mâm cúng sẽ khác nhau, tuy nhiên, mâm cúng cơ bản không thể thiếu rượu nếp, mận, vải… Theo tục lệ, người dân thường cúng vào sáng sớm 5.5, sau khi ngủ dậy. Sau đó, các thành viên trong gia đình ăn rượu nếp và hoa quả để sâu bọ say và… chết lăn quay. Tuy nhiên, thời điểm Đoan Ngọ là vào giữa trưa nên nhiều người vẫn chọn cúng vào buổi sáng và buổi trưa trước 12 giờ.
“Quan niệm của người xưa, đây là thời điểm chuyển mùa, thời tiết nóng bức, sâu bọ, côn trùng phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Vì vậy, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu được mùa. Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, phong tục cúng tế được giản tiện, việc cúng trước hay cúng đúng ngày đều xuất phát từ lòng thành kính của con cháu trong gia đình, không làm mất đi ý nghĩa của ngày này”, chị Linh nói.

Giữa dịch Covid-19: Nấu bánh ú tro tết Đoan Ngọ từ sáng đến tối vẫn không đủ hàng giao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.