Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng ở Đồng Nai

Lê Lâm
Lê Lâm
17/08/2019 07:04 GMT+7

Được xem là “thủ phủ heo” ở phía nam nhưng Đồng Nai đang bị thiệt hại nặng khi dịch tả lợn châu Phi lan tới cả 11 tỉnh, thành.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết từ khi tỉnh này xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên (17.4) đến nay, cả 11 huyện, TP đều có dịch. Các địa phương đã phải tiêu hủy tổng cộng 275.000 con lợn của 2.795 nông hộ, trang trại. Hiện tổng đàn lợn ở Đồng Nai còn khoảng 1,8 triệu con, giảm 700.000 con so với trước khi có dịch.
Lý giải về nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, ông Quang cho rằng do người chăn nuôi chưa làm tốt các giải pháp an toàn sinh học. Cũng theo ông Quang, dịch bệnh xảy ra thì không những người chăn nuôi thua lỗ mà ngân sách cũng tốn kém. Mới đây Đồng Nai phải xin T.Ư hỗ trợ 800 tỉ đồng để chi trả thiệt hại cho người dân vì quỹ dự phòng của huyện và tỉnh không đủ trả. “Để chấm dứt dịch bệnh không ai có thể làm thay mà chính người nuôi phải nỗ lực, phải thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, nếu không làm được thì đừng nuôi và tái đàn vì sẽ tiếp tục mắc bệnh và thua lỗ”, ông Quang khuyến cáo.
Trong một diễn biến liên quan, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết trên địa bàn có một đàn lợn mắc dịch tả lợn châu Phi đã hơn 14 ngày nhưng vẫn chưa chết (thường thì sau 7 - 10 ngày đã chết - PV). Cụ thể, cách đây 14 ngày, đàn lợn 15 con của bà Đỗ Thị Nhung (ở xã Quang Trung, H.Thống Nhất) được xác định dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Bà Nhung xin không tiêu hủy, để tự chăm sóc, theo dõi. Điều kỳ lạ là sau đó đàn lợn không chết con nào. Lãnh đạo Phòng NN-PTNT H.Thống Nhất cho biết sẽ lấy mẫu đàn lợn của bà Nhung đưa đi xét nghiệm lại; báo cáo tỉnh Đồng Nai có ý kiến về trường hợp đặc biệt này. 
Mưa nhiều khiến dịch ở Tây Ninh diễn biến phức tạp
Ngày 16.8, ông Nguyễn Văn Mấy, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên phạm vi 7/9 huyện, TP. Đặc biệt, thời gian gần đây thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao thích hợp vi rút phát triển và khó vệ sinh tiêu độc sát trùng nên dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thống kê đến ngày 12.8, Tây Ninh đã tiêu hủy 3.788 con lợn. Hiện tỉnh tiếp tục tổ chức công tác kiểm tra giám sát buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để ngăn chặn và xử lý các trường hợp làm lây lan dịch bệnh.
Giang Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.