Dịch sốt xuất huyết lan rộng tại 61 tỉnh, thành

24/07/2017 18:42 GMT+7

Dịch sốt xuất huyết hiện đã xuất hiện tại 61/63 tỉnh, thành. Số ca mắc và tử vong đều tăng so với cùng kỳ 2016.

Chiều nay (24.7), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành về công tác phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ và dịch sốt xuất huyết.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên toàn quốc đã ghi nhận 58.888 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 50.497 trường hợp nhập viện, 17 cả tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số ca nhập viện tăng 12,6%, số trường hợp tử vong tăng 3 trường hợp.
Số mắc sốt xuất huyết nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở khu vực miền Trung và Tây nguyên. Hiện có 61 tỉnh, thành ghi nhận có trường hợp mắc sốt xuất huyết; 26 tỉnh, thành có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ 2016, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Cà Mau, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bình Thuận, An Giang, Nam Định. Hiện chỉ còn 2 tỉnh không ghi nhận ca mắc là Cao Bằng và Hà Giang.
10 tỉnh, thành ghi nhận số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước là TP.Hồ Chí Minh (13.429 trường hợp), Bình Dương (4.879 ca), Hà Nội (4.577 ca), Đà Nẵng (4.563 ca), Đồng Nai (2.484 ca), An Giang (2.457 ca)...
Về nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết tăng mạnh, Cục Y tế dự phòng cho rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ nhà ở và dân cư đông đúc, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh. Cùng với đó, thời tiết có thay đổi (biến đổi khía hậu): mùa hè đến sớm ở miền Bắc, mùa mưa đến sớm ở miền Nam, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.
Đáng lo ngại, điều kiện vệ sinh, môi trường phức tạp bất lợi, tăng số lượng và chủng loại các dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản muỗi truyền bệnh. Ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh sốt xuất huyết, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch.
Cùng với đó, sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao. Sau khi vận động đi kiểm tra thấy người dân không thay đổi hành vi, việc phun hoá chất chưa hợp tác và phun chưa triệt để (tại Hà Nội 20% hộ gia đình đi vắng khi diệt bọ gậy, 5% không cho phun hóa chất, 7% hộ gia đinh đi vắng khi phun hóa chất trong ổ dịch).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.