Đìa số năm

10/10/2022 09:30 GMT+7

Mới đầu, khi nhà tôi tiếp quản, Đìa số năm chỉ là một vũng lạng nhỏ, trông nó y hệt một đoạn con mương cạn bị ngắt khúc. Bởi nó nguyên là công trình bị bỏ dở của đội công nhân đào ao đắp nền nhà trước đây của nông trường.

Năm ấy, nghe kể lại, mọi kế hoạch bị phá sản, thế là Đìa số năm cùng cảnh lỡ dở theo. Nó cứ nằm phơi mình càn cạn với đầy những năn, lác cho đến khi mảnh đất ấy được giao lại cho gia đình tôi.

Nó nằm tít tịt hậu đất, gần sát với hai con lung và Kênh năm trăm phân chia ranh giới giữa hai khu ruộng. Phía trên là vạt cánh đồng chuyên canh lúa mùa của hơn năm trăm hộ dân; phía dưới là cánh đồng mênh mông năn, lác - vốn dĩ là nơi chăn thả trâu của những hộ dân Miệt Thứ tràn xuống. Nhìn xa, cánh đồng như một bàn tay đang co lại. Bởi vậy, địa thế Đìa số năm như một cái giỏ hút các luồng cá về khi mùa khô tới. Khổ nỗi, nó lại quá cạn, đến khi vào vụ tát đìa, nó chỉ còn lại một vũng nước nhỏ, lạch tạch vài con cá con con, thật tiếc.

Năm ấy, anh em tôi quyết định sơn lại nó để hy vọng đến vụ tát đìa, nó sẽ là một nơi hứa hẹn đem niềm vui đến cho cả nhà.

Rừng U Minh Thượng, Kiên Giang

công hân

Thế là hằng ngày, quãng độ 5 giờ sáng, sớm nào anh em tôi cũng lò dò tới hậu đất với đầy đủ đồ nghề gồm giá, phảng, liềm... Bốn cọc dựng lên để định vị bốn góc. Một lớp năn bã bề mặt dày mịt được chúng tôi xỉa lên. Chỗ cao chỗ thấp, chỗ khô chỗ ướt, dọn xong được bề mặt là cả một kỳ công. Đến lúc đặt được lưỡi giá xuống đào thì thiên địa ơi, khó khó là, khó hơn nhiều lần so với đào một cái đìa mới. Chỗ ướt thì nhão, khi đưa lưỡi giá lên quăng thì chỉ còn một lớp bùn mỏng, cứ phèn phẹt thế, rất tốn công. Chỗ hơi khô thì bùn đen quánh lại, sấn xuống cũng khó vì dấn càng mạnh thì lưỡi giá càng bị mút vô đất, rồi khi đưa được lưỡi giá lên để quăng sình đi cũng khó, nó cứ dính bệt lấy lưỡi giá, nhất định không chịu rời đi, gây cảm giác cực kỳ khó chịu. Có lúc, vì lấy đà cố quẳng cho miếng đất bay đi, lưỡi giá cũng bất ngờ bay theo. Lại phải lọ mọ leo lên bờ đi kiếm lưỡi giá rồi lụi hụi tra đóng sao cho cái giá thật chắc chắn. Đến khổ!

Và rồi, cuối cùng mọi thứ đều ổn. Sau một tuần vừa đào vừa bơi, Đìa số năm đã được anh em chúng tôi khoét gọt lại như ý. Nhưng chúng tôi chỉ được ngắm nghía sự tròn trịa của nó độ mươi ngày thì một sự cố xảy ra. Đìa bị sụp. Sụp là do một phần chân nền bờ đìa vốn dĩ không vững. Chắc do nơi đây, trước kia là chỗ lí tưởng để cột trâu, những hố trâu đằm đen xì bùn nhão không thể chịu nổi một lượng đất khá nặng đè lên nó. Một phần là do mưa. Mưa đầu mùa xuất hiện ào ạt những nước là nước. Đã nặng lại nặng thêm. Thế là nửa bên trái đìa cứ thế trùi trượt xuống, khiến lòng ao um lên, hệt như chén cơm bới dở. Nhìn mà nẫu cả lòng. Gan ruột như có ai xát muối.

Tới mùa tát đìa, vì phải trả nợ gấp, và cũng vì quá xa nên mẹ tôi kêu người ta lại ướm giá để bán mặt nước. Họ đến xem, thấy cái ao xấu xí, ở giữa lồi lên một đoạn nhìn thấy rõ màu đất, chỉ có xung quanh là được cỏ sậy dây leo che phủ. Ý họ không ưng nên trả giá rẻ, chê ỏng chê eo. Mẹ tôi thấy vậy không bán nữa, bà quyết định để cho anh em tôi tự tát.

Thú thật khi ấy, mặt nước đìa chỉ lờ lờ đùng đục. Cỏ sậy bò qua che gần kín hết mặt ao. Thảng hoặc mới nghe tiếng cá đớp động.

Nói là làm, một buổi sáng ngay từ tinh mơ gà gáy, anh em chúng tôi đã gắn xong giàn cầu máy tát. Chiếc co le tư rung lên tành tạch. Nước phun ào ào. Mực nước đìa cạn dần, cạn dần. Tiếng máy cũng nặng dần, nặng dần. Vẫn rất im, chưa thấy động tĩnh gì. Tôi nói đùa im ắng quá, hổng thấy động tĩnh gì, không khéo lại uổng công! Anh tôi trừng mắt uổng là uổng thế nào, đừng có đùa, đìa càng im càng nhiều cá lớn đó nha…

Quả đúng như anh tôi nói, khi nước dưới ao chỉ còn một lạch nhỏ liu riu giữa dòng thì cũng là lúc bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của hiện tượng nhiều cá. Những tiếng oằm oặp, róc rách từ dưới lòng ao vọng lên. Đến khâu dọn cỏ xung quanh thì dọn tới đâu cá phóng ra tới đó. Cá lóc cối thường nằm im ém mình trong cỏ, cứ là xếp lớp, tha hồ chụp. Cá trê thì dồn lại chỗ ao sâu nhất uốn éo lắc lư, đưa bộ râu lên ngo nghoe, đặc lền như cá trong chậu. Cá rô mề thì tìm chỗ lẩn. Cá rô là chúa trốn dưới sình. Bùn càng nhão cá rô càng dễ thoát. Các loại cá trắng rất ít, chỉ vài con lạch tạch giữa dòng.

Mò cá cũng là cả một nghệ thuật. Cá lóc lớn thì đã có nơm, cứ nhè chỗ hai con mắt thô lố hắn đưa lên trời mà úp thật lực, khi cảm thấy đã chắc tay nơm rồi thì chỉ còn việc đưa tay xuống khoắng là tóm ngay được cu cậu. Cá trê thì phải cần đến sự hỗ trợ của cây vợt; cứ nhè nhẹ đưa xuống phía dưới cái khúc ưỡn ẹo kia rồi nhấc mạnh tay lên, thể nào cũng dính ảnh. Cá rô mề vì to xác và vẩy nhám nên bắt cũng khá dễ, cứ luồn tay xuống bùn, đụng ảnh là lựa thế sao cho đầu ảnh quay về hướng cổ tay mình, thế là hai bàn tay từ từ ốp lại là tóm được thằng chả ngay. Khó bắt nhất vẫn là mấy anh lóc cửng, chừng chuôi dao, ảnh mà đã dủi xuống bùn nhão thì bắt được ảnh khó bằng lên trời, bàn tay mò đụng ảnh, ảnh hụt một cái, mất tăm ngay. Cá rô, cá trê nhỏ còn khó bắt hơn.

Hôm bữa bắt cá, cả nhà tôi phải xoay trần ra với đìa số năm cả ngày đến khi mặt trời chỉ còn độ chừng hai con sào thì việc bắt cá coi như mới xong.

Sau khi đã lôi hết số cá lên bờ và tuyên bố tháo khoán, một lũ trẻ con lau nhau lít nhít ngồi chực sẵn trên bờ ùa xuống đánh hôi. Đứa chộp, đứa thục, đứa mò vui đáo để. Trông hệt một đàn gà con đang rinh rích kiếm mồi.

Bàn tay anh em tôi chi chít những vết đâm, vệt cứa. Vết cứa của cỏ và vết đâm của ngạnh cá. Vết dài, vết ngắn tụ lại đen sì vì bùn đất.

Năm thùng cá lớn nhỏ cả thảy. Ăm ắp. Ùng ục. Mọi người ào xuống mương rửa tạm. Cái mệt mỏi trôi theo bùn đất. Gương mặt ai cũng rạng rỡ tươi vui. Có ai ngờ, chính cái đìa sụp lở tè le xấu xí ấy lại là một chỗ lý tưởng cho cá ẩn núp. Đìa sập ngập cá. Đìa số năm đã là một hầm cá quá sức tưởng tượng của chúng tôi. Năm ấy, đìa số năm trở thành nhà vô địch cánh đồng với gần hai tấn cá lớn nhỏ các loại. Và điều vui nhất của anh em tôi là sau vụ tát đìa đã giúp cho mẹ tôi trả được món nợ hai chỉ vàng mà mẹ vay hồi mấy tháng trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.