Địa phương nào ở TP.HCM có người cao tuổi nhiều nhất?

23/01/2024 11:13 GMT+7

Với tốc độ già hóa không ngừng liên tục gia tăng như hiện nay, ngành y tế TP.HCM đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Sáng 23.1, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo thích ứng già hóa dân số tại TP.HCM, tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn.

Tại hội thảo, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết tỷ lệ người cao tuổi trên địa bàn gia tăng với tốc độ khá nhanh trong thời gian qua. Đồng thời, nhóm người cao tuổi tại TP.HCM cũng đang chịu tác động sâu sắc của mức sinh thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh.

Địa phương nào ở TP.HCM có người cao tuổi nhiều nhất?- Ảnh 1.

Các chuyên gia bàn luận về giải pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại hội thảo

DU YÊN

Theo số liệu thu thập từ cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, tính đến hết ngày 1.12.2023, TP.HCM có hơn 1,33 triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi), chiếm tỷ lệ 12,24 % trên tổng dân số.

Theo đó, TP.Thủ Đức đứng đầu về số người cao tuổi tại TP.HCM với 127.019 người, Q.Bình Thạnh có 95.352 người cao tuổi, Q.12 có 90.731 người cao tuổi, Q.Gò Vấp có 77.732 người cao tuổi…

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, tuổi thọ trung bình của dân số tại TP.HCM là 76,3 tuổi, trong đó nam là 73,9 tuổi và nữ là 79,2 tuổi.

"Mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao là nguyên nhân khiến TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo mô hình chuyển đổi dân số, người trên 60 tuổi dao động từ 10-20% được gọi là già hóa dân số, và nếu tỷ lệ này vượt quá 20% thì trở thành dân số già", ông Trung nói.

Địa phương nào ở TP.HCM có người cao tuổi nhiều nhất?- Ảnh 2.

Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi dưới tác động của bệnh mạn tính

DUY TÍNH

Ông Trung nhận định, với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay sẽ là thách thức lớn về mặt kinh tế, văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Không chỉ khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai, già hóa dân số còn làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để xây dựng xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số. Đơn cử như thành lập trung tâm điều trị chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại TP.HCM; vận động con cháu, xã hội hóa và ngân sách nhà nước hỗ trợ để tất cả người cao tuổi có thẻ BHYT; hỗ trợ tạo kế sinh nhai cho người cao tuổi; phát triển mô hình viện dưỡng lão…

UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (phấn đấu đạt vào năm 2030) gồm các mục tiêu:

Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.

Người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...).

Người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe.

100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Đến năm 2025 tuổi thọ bình quân đạt 76,8 tuổi và 77 tuổi vào năm 2030. Trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm (vào năm 2025) và 68 tuổi (vào năm 2030).

Thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa.

Bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có khoa lão và bệnh viện tuyến quận, huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi đạt 100% năm 2025 và duy trì đến năm 2030…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.