Địa phương chí 'An Tĩnh xưa'

05/08/2022 06:31 GMT+7

An Tĩnh xưa (nguyên tác: Le Vieux An-Tinh) do Nguyễn Bân dịch, Omega+ và NXB Dân Trí vừa ấn hành, của học giả người Pháp Hippolyte Le Breton, đến nay vẫn luôn được xem là công trình địa phương chí xuất sắc với lối viết súc tích, dễ đọc và khoa học.

Trong cuốn sách của mình, Le Breton chia vùng đất An Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) xưa thành nhiều “xứ” (pays) nhỏ theo góc độ địa dư (địa lý - lịch sử, địa lý - văn hóa) như: Diễn Châu, Vinh, Hà Tĩnh, Kỳ Anh, lưu vực sông Lam, Đức Thọ, Ngàn Phố và Ngàn Sâu.

Bằng kiến thức uyên bác và giọng văn nhẹ nhàng, lôi cuốn, ông dẫn dắt người đọc phiêu lưu qua những câu chuyện lịch sử cổ kim: gỡ rối về các địa danh cổ, quá trình biển tiến và biển lùi, tiền sử, địa chất học, huyền sử, truyền thuyết (“hàm chứa một ẩn ý mà nghệ thuật của sử học phải biết khai thác”), tục ngữ/phương ngôn, văn hóa - lịch sử, đồn binh, thành lũy, văn bia, những địa điểm, quả núi và đền/chùa… trên vùng đất An Tĩnh xưa.

Thành lũy cuối cùng ủng hộ vua hàm nghi

Quan điểm của Le Breton rất rõ ràng ngay từ đầu, rằng cần phải tổ chức một nền giáo dục có sự hiểu biết về địa phương, phân tích phải đi trước tổng hợp, trước khi viết lịch sử toàn diện/quốc gia thì phải viết về lịch sử địa phương. Do đó, Le Breton đã tổ chức những “lớp học du ngoạn” (classe promenade) tham quan danh lam thắng cảnh, đền miếu… trên vùng đất An Tĩnh trong khoảng thời gian ông công tác trong ngành giáo dục Vinh, cụ thể là giáo sư sử học kiêm hiệu trưởng trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh, nay là trường Huỳnh Thúc Kháng), một trong những ngôi trường lớn nhất ở Trung kỳ lúc bấy giờ.

Chiếc cầu ngói vào chùa Xá Lâm ở An Tĩnh

Pierre Dieulefils

“Hiểu tức là yêu thương; yêu thương tức là hiểu. Hai lời lẽ này dựa vào nhau, cần biết gắn lại với nhau bằng một bàn tay khỏe mạnh và khéo léo”, Le Breton viết những dòng này trong tiểu luận De L'éducation des Annamites (Về giáo dục người An Nam, 1933). Ông đã viết về con người và vùng đất An Tĩnh xưa với tinh thần phải hiểu để yêu và phải yêu để hiểu như vậy trong tác phẩm Le Vieux An-Tinh, qua đó phục dựng thành công quá khứ một vùng đất hào hùng với những đặc điểm nổi bật: giàu truyền thuyết, cái nôi của nhiều triều đại, sản sinh ra những bậc đại trí thức, có những ngôi đền đẹp nhất nước An Nam lưu truyền qua phương ngôn “Đền Cờn, Đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”…

Bằng kiến thức chuyên môn về địa chất và địa hình học, nghệ thuật và văn học, lịch sử, tiền sử và khảo cổ, văn hóa dân gian; thông qua gia phả các đại tộc nổi tiếng như biên niên sử gia tộc họ Hồ ở Quỳnh Lưu, họ Nguyễn ở Thượng Xá, họ Nguyễn ở Tiên Điền, họ Chế ở Thu Lũng; sự trợ giúp của những học giả nổi tiếng người Việt như Nguyễn Đức Tánh, Nguyễn Văn Tố, Lê Thước… Le Breton đã dựng lại lịch sử hình thành vùng đất, lịch sử các triều đại, đền miếu, các địa danh cổ và phần nào đó lịch sử các danh nhân… gắn liền với vùng đất An Tĩnh xưa qua hai đề mục chính: 1) tiền sử; 2) những địa điểm và đền đài có giá trị lịch sử hay có nhiều truyền thuyết.

Vùng đất An Tĩnh đã sản sinh ra các đại tộc, sinh ra cho nước Đại Việt xưa những con người nổi tiếng, rạng rỡ trong nhiều lĩnh vực: thơ văn, sử học, tướng lĩnh, nhà cai trị. Những đại tộc Hồ, Ngô, Lê xuất thân từ An Tĩnh đã lập nên các triều đại nhà Hồ (1400 - 1407), nhà Ngô (939 - 965), nhà Tiền Lê (980 - 1010) trong lịch sử nước Việt. Sau này, quá trình Lê Lợi tổ chức “cuộc kháng chiến mười năm” (1418 - 1428) chống quân Minh (Trung Quốc) lập nên nhà Hậu Lê cũng gắn bó mật thiết với vùng đất An Tĩnh thông qua các địa danh như Thượng đạo (đường núi dọc theo dãy Thiên Nhẫn, có thể liên lạc giữa Ninh Bình, Thanh Hóa và An Tĩnh), Lục Niên thành (thành sáu năm, tương ứng với giai đoạn đầu Lê Lợi đóng quân ở An Tĩnh 1418 - 1423), Lam Thành... An Tĩnh cũng là thành lũy cuối cùng của những người ủng hộ Hàm Nghi trong chiến dịch 1885 - 1887.

Bìa sách An Tĩnh xưa

NXB

Vùng đất “nuôi” những đại trí thức

Tướng nổi tiếng nhất của Lê Lợi là Nguyễn Xí (tộc Nguyễn ở Thượng Xá), hay những người nổi danh khác như Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Biểu cũng quê An Tĩnh… Theo thời gian, những đại tộc này đã để lại các đền đài được xem là chứng tích biểu lộ uy quyền của họ, những cuộc kháng chiến từ thời Lê Lợi cho đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh cũng để lại nơi đây nhiều thành lũy, đồn binh, công sự… và trở thành một phần lịch sử của An Tĩnh xưa.

Trong mảng văn hóa - giáo dục, Le Breton kể: Từ thế kỷ 14, các đại tộc Nguyễn (Thượng Xá và Tiên Điền) có đặc quyền lập những thái ấp trên những bãi đồi do biển rút lui tạo nên, tộc Nguyễn ở Tiên Điền cư trú dưới chân núi Hồng cũng đóng góp cho lịch sử những danh nhân văn hóa lớn. Từ Thư Quận công Nguyễn Thuyến trở đi, tộc Nguyễn - Tiên Điền đã sinh ra cho nước Việt những vị trí thức lớn như Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, em trai của ông là Nguyễn Trọng, rồi thế hệ kế tiếp với Nguyễn Du, Nguyễn Nễ…

Đền thờ Xuân Quận công là đền lớn nhất của thế tộc này ở Tiên Điền, một trong những câu đối trong đền do vua Lê và chúa Trịnh sai mang đến tặng trong ngày mai táng của Xuân Quận công như một sự khẳng định tầm vóc của ông và thế tộc Nguyễn - Tiên Điền: “Lưỡng triều danh tể tướng/Nhất thế đại nho sư” (Tể tướng nổi danh hai triều/Nho sư lừng lẫy một thời).

Trong An Tĩnh xưa, Le Breton cũng dành nhiều trang sách để nói về các đền thờ Nguyễn Trọng, Nguyễn Du… Ông viết mấy dòng nhận định đáng lưu tâm: “Điều nổi bật nhất trong các đền thờ tổ tiên đại tộc Nguyễn - Tiên Điền là sự “trần trụi”, cực kỳ giản đơn của các đồ vật bên trong. Sự khiêm tốn ấy trái hẳn với sự ngổn ngang bề bộn trong đền thờ của các đại tộc quan võ và trong đền thờ của một số gia tộc ngày nay”.

An Tĩnh là cái nôi của những đại trí thức, và mỗi một địa danh ở An Tĩnh đều là một mảnh của lịch sử. Le Breton coi việc nghiên cứu An Tĩnh xưa trên mọi bình diện như một phương cách để dạy học trò, để họ hiểu và yêu hơn quê hương, xứ sở. An Tĩnh xưa của Le Breton như một tổng luận về lịch sử An Tĩnh trên tất cả các lĩnh vực, cả văn học và triết học, khoa học và lịch sử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.