Địa danh ‘Đà Nẵng’ xuất hiện từ khi nào?

Nam Hoa
Nam Hoa
07/12/2021 08:30 GMT+7

Đà Nẵng - thành phố biển - hải cảng lớn và quan trọng nhất ở miền Trung, cũng là một thành phố du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, vốn xa xưa là đất thuộc vương quốc Champa. Vậy, cái tên “Đà Nẵng” xuất hiện từ khi nào?

Những lý giải cho tên gọi của thành phố bên sông Hàn

Đà Nẵng xưa kia từng được gọi bằng nhiều cái tên, kèm theo đó là những giả thuyết được đưa ra để giải thích nguồn gốc những cái tên đó.

Nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm, trong tác phẩm Đất Việt trời Nam (NXB Nguồn Sống, 1960) đã tổng hợp một số giả thuyết về nguồn gốc các tên gọi từng được sử dụng của Đà Nẵng: “Đà Nẵng gốc tiếng Chàm: Đà là sông nước, Nẵng là rộng lớn, như vậy Đà Nẵng là con sông rộng lớn. Đồng bào Thượng đọc là Li Năng. Hai chữ ấy, người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là Tounan và cũng có thể Tounan phát sinh Tourane. Trên bản đồ của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1653, ta thấy ghi Chean hay Turon thay vì Tourane.

Toàn cảnh thành phố Đà Nẵng nhìn từ đỉnh Sơn Trà

NAM HOA

Thành phố Tourane xây dựng ngay trên cửa sông Hàn (cửa Hàn). Dân địa phương có thể là Kẻ Hàn hay Kean, ghi theo Alexandre de Rhodes đã đặt chân nơi này tháng giêng năm 1625. Tuy nhiên từ năm 1618, Tourane đã được linh mục Cristoffore Borri gọi là Touron và các vị kế tiếp gọi là Turon hay Turan. Thực ra tên Tourane bắt nguồn ở làng hiện còn tồn tại là Thạc Gián (thời điểm những năm 1950 - NV) mà viết nhầm là Tu Gián bởi vì hai chữ Thạc và Tu (chữ Hán) hơi giống nhau. Vì vậy mà Tu Gián đã phát sinh ra Tourane.

Có người lại cho rằng Touran do chữ Châu Ranh, tức châu ở ranh giới nước ta và Chiêm Thành ngày xưa. Cũng có người cho rằng Tourane do chữ cửa Hàn hoặc Thủ Hàn, một hải tần (dải đất ven biển) giữ cửa Hàn”.

Nhà nghiên cứu Đà Nẵng Võ Văn Dật, trong một bài viết trên Tạp chí Đáng Nhớ, đưa ra một quan điểm liên quan tới danh xưng của thành phố này - mà ông gọi là phát kiến mới, vì “chưa có ai, chưa có sách vở nào nói tới”. Ông cho biết: Đό là việc người Trung Hoa, dù thuộc bất cứ tỉnh nào, dù ở chίnh quốc hay hải ngoại, cũng không bao giờ gọi Đà Nẵng là Đà Nẵng. Họ gọi Đà Nẵng là Hiện Cảng hay Miến Cảng. (Hiện - theo Hán tự - nghĩa là con hến, có thể hiểu Hiện Cảng là cửa biển hình con hến, hay như đoạn dưới ông giải thích là hòn đảo hình con hến ở cửa biển - NV).

chỉ biết người Tàu cha truyền con nối bảo nhau khi đi buôn bằng đường biển về phưσng Nam mà muốn đến xứ Quảng Nam bằng Hiện Cảng thὶ cứ men theo bờ biển, khi trông thấy chỗ nào cό hὸn đảo giống hὶnh con hến (theo tác giả Võ Văn Dật, chính là hòn Sơn Chà ở vịnh Đà Nẵng - NV) là theo cửa biển nσi đό mà vào, đό là Hiện Cảng, không sai”.

Rồi từ việc người Hoa gốc Hải Nam - có mặt ở vùng đất này từ khá sớm - phát âm là Hàng Càng hoặc Hàn Càng, mà dần dần được Việt hóa thành Hàn, và con sông đổ ra vịnh biển cũng thành sông Hàn.

Lần đầu tiên cái tên “Đà Nẵng” xuất hiện trong thư tịch cổ của người Việt

Có thể còn nhiều điểm cần xem xét kỹ về tính hợp lý của những danh xưng của thành phố bên sông Hàn, nhưng cái tên Đà Nẵng hiện tại, thật bất ngờ, từng được ghi nhận khá sớm trong thư tịch Việt cổ.

Bình Minh nơi cửa sông Hàn, nhìn từ đỉnh núi Hải

NAM HOA

Ông Dương Văn An - người đậu tiến sĩ dưới triều Mạc Tuyên Tông năm 1547 - vào năm 1553 đã viết tác phẩm Ô châu cận lục (nghĩa là những ghi chép thiết yếu về châu Ô). Tuy thế, tác phẩm của ông viết về gần như cả vùng Thuận Hóa, là vùng đất hai châu Ô, Rí ngày trước Chế Mân cắt cho Đại Việt. Trong tác phẩm Ô châu cận lục - NXB Giáo dục Việt Nam 2009 (Nguyễn Khắc Thuần dịch và hiệu đính) - đã nhắc tới địa danh Đà Nẵng, là thư tịch Việt cổ đầu tiên sử dụng danh xưng này với vùng đất cửa sông Hàn.

Dương Văn An viết trong Ô châu cận lục về các đền thờ ở khu vực này, có đoạn viết: “Đền Tùng Giang ở cửa biển Tư Khách, huyện Tư Vinh (Tư Khách, Tư Vang là các địa danh cổ, nay đều thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế - chú giải của Nguyễn Khắc Thuần). Lại còn một đền nữa ở cửa biển Đà Nẵng thuộc Quảng Nam…”.

Theo sách đã dẫn, hai ngôi đền Tùng Giang ở Huế và Đà Nẵng nói trên, thờ vị thần có tên là Nguyễn Phục, người gốc ở Hải Dương, từng làm thầy giáo của vua Lê Thánh Tông khi nhà vua còn chưa lên ngôi. Sau theo Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành trong chiến dịch 1470 - 1471, ông lãnh nhiệm vụ tải lương cho toàn quân. Nguyễn Phục sẵn sàng chịu tội chứ không cho thuyền lương chạy bừa trong bão biển, bởi không muốn của cải (lương thực) của nhà nông và tính mạng của quân lính bị nhận chìm trong sóng lớn. Bởi vậy quân lương bị chậm, vua Lê Thánh Tông nổi giận, ra lệnh tống giam ông. Khi nhà vua nghĩ lại, hạ chỉ tha tội, thì ông đã mất rồi. Cái chết khẳng khái của Nguyễn Phục khiến nhân dân ở hai nơi ông đã dừng chân nói trên cảm phục và dựng đền thờ, tương truyền rất linh thiêng.

Như vậy, mặc dù chính thức xuất hiện trong thư tịch vào năm 1553, nhưng rất có thể cái tên “Đà Nẵng” đã phải có từ những năm 1470 hoặc sớm hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.