Đi tìm thung lũng MiG: Những 'Bàn tay sắt' (Iron hand) của không quân Mỹ

24/09/2023 07:00 GMT+7

Từ ngày 24.7.1965, khi bị tên lửa phòng không ta bắn rơi những chiếc máy bay đầu tiên thì chỉ 3 ngày sau đó, ngày 27.7.1965, không quân Mỹ đã ra đòn trả thù vào 2 trận địa tên lửa bên Sông Đà, nơi mà các chiến sĩ tên lửa phòng không Việt Nam đã ra đòn "vỗ mặt" để cảnh báo sự xuất hiện loại vũ khí nguy hiểm mới của phòng không Việt Nam với không quân Mỹ.

NHỮNG BỘ ÓC KIỆT XUẤT VỀ TỔ CHỨC TÁC CHIẾN

Bộ Chỉ huy phòng không không quân đã tương kế tựu kế để tập trung lực lượng pháo cao xạ, tên lửa thành một cái bẫy khổng lồ đập tan đòn tiến công trả thù này và bắn rơi 6 máy bay Mỹ cùng với 5 phi công Mỹ bị bắt và bị chết.

Đi tìm thung lũng MiG: Những 'Bàn tay sắt' (Iron hand)  của không quân Mỹ - Ảnh 1.

Đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên giao lưu ra mắt sách Đi tìm thung lũng MiG (9.9.2023)

Khải Mông

Từ đây, trong đội hình tiến công của không quân và hải quân Mỹ luôn phải sử dụng lực lượng gọi là "Bàn tay sắt" (Iron hand) để chế áp tên lửa phòng không của ta. Có đợt không quân Mỹ thiết lập thành cả một "chiến dịch mang tên bàn tay sắt" để triệt hạ hệ thống tên lửa phòng không của ta.

Trong thời gian hơn 2 tháng không xảy ra trận không chiến nào, một phần các máy bay Mỹ tập trung đánh chủ yếu từ Thanh Hóa trở vào và có đánh một vài mục tiêu cách xa Hà Nội. Một phần do chủ trương tạm dừng xuất kích chiến đấu để củng cố và tổ chức lại lực lượng khi không quân Việt Nam tiếp nhận thêm các máy bay MiG-17 và MiG-21 và điều chỉnh vị trí đóng quân cho Trung đoàn 923 về sân bay Kép. Quân chủng đồng thời tiếp tục huấn luyện và tổ chức thêm 2 trung đoàn tên lửa phòng không 238 và 285…

Đây cũng là khoảng lặng thời gian để những bộ óc kiệt xuất về tổ chức tác chiến phòng không và tác chiến không quân của Bộ Tư lệnh phòng không không quân như Đặng Tính, Phùng Thế Tài, Đỗ Đức Kiên, Nguyễn Văn Tiên, Lê Văn Tri, Hoàng Ngọc Diêu cùng cơ quan tham mưu của mình bạc tóc với câu hỏi: "Sẽ tiếp tục đánh trả không quân Mỹ như thế nào khi lực lượng ta không đủ dàn đều ra rất nhiều mục tiêu phải bảo vệ như hiện nay? Khi khối lượng máy bay, bom đạn của Mỹ sẽ còn dày đặc hơn, chiến tranh còn ác liệt hơn?". Bộ chỉ huy tác chiến phòng không đã dần hình thành cách thức đối phó, đánh trả hiệu quả với không quân nhà nghề của Mỹ…

MANH NHA CÁCH ĐÁNH MỚI CHO MIG-17

Ngày 20.9.1965, trực tiếp chỉ huy là Tư lệnh Phùng Thế Tài và Phó tư lệnh Hoàng Ngọc Diêu, dẫn đường Sở Chỉ huy quân chủng là Nguyễn Văn Chuyên, dẫn màn hình radar là Vũ Đức Bình. Kíp chỉ huy này đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 921 nhận nhiệm vụ phối hợp với "Cụm 3" đánh địch khi chúng bay từ hướng Hòn Gai - Cẩm Phả dọc theo triền núi Yên Tử vào đánh mục tiêu ở khu vực Sông Hóa (Thái Nguyên), sân bay Kép (Bắc Giang)…

Hai biên đội MiG-17 của Trung đoàn 921 (Lan - Chiêu - Trì - Độ) và của Trung đoàn 923 (Kình - Xưởng - Quỳ - Biên) được lệnh báo động. Nguyễn Văn Chuyên đề xuất phương án dẫn đánh khác với các trận trước là từ hướng nam nay bí mật bay thấp dẫn vào đánh từ hướng Bắc của đội hình địch khi chúng bay vào từ Cẩm Phả - Yên Tử - Bắc Giang và thay đổi hướng cất cánh theo hướng tây - đông từ sân bay Đa Phúc.

Biên đội Lan - Chiêu - Trì - Độ được dẫn tiếp địch từ Phủ Thông (Bắc Kạn), lấy hướng chặn máy bay địch ở khu vực từ Nhã Nam - Kép. Biên đội đã vào chiến đấu ngay sau khi số 2 - Nguyễn Nhật Chiêu phát hiện sớm từ gần 15 km với góc vào 90° mặc dù radar có lúc không thấy địch, buộc Nguyễn Văn Chuyên phải tính toán và dẫn mò. Nguyễn Nhật Chiêu được phép vào công kích ngay sau khi báo cáo phát hiện địch là tốp F-4, chứ không phải là các máy bay A-4 mà Sở chỉ huy dự định chặn đánh. Bằng động tác cơ động dũng mãnh của số 2 (Chiêu) bám theo một F-4 trong đội hình, anh đã ngắm, bắn 2 loạt mãnh liệt bằng tất cả các loại súng trên máy bay, khiến cho chiếc F-4 trúng đạn xì khói đen lao xuống dưới… Ngay sau đó Sở chỉ huy quân chủng đã lệnh cho hai đôi Kình - Xưởng và Quỳ - Biên xuất kích tăng cường lực lượng cho tốp chủ công Lan - Chiêu - Trì - Độ và yểm hộ về hạ cánh.

Khi các máy bay ta thoát ly ra khỏi vòng hỏa lực tên lửa và pháo cao xạ ở khu vực Thái Nguyên thì lực lượng tên lửa Tiểu đoàn 38 Trung đoàn 238 và các trung đoàn pháo phòng không ở đây đã kịp thời nổ súng bắn rơi 2 chiếc A-4 khác…

Đây là trận đánh có ý nghĩa xốc lại tinh thần cho các phi công Việt Nam sau những trận đánh bị thương vong lớn dù có bắn rơi máy bay địch nhưng tỷ lệ tổn thất không thể chịu đựng nổi, gây nên nỗi lo lắng rất lớn cho lãnh đạo chỉ huy.

Trận đánh này cũng manh nha cách đánh mới cho MiG-17 khi dẫn chặn đánh máy bay địch trên đường bay đến mục tiêu tốt nhất là có góc vào 90 - 120° phía trước, và phối hợp (hiệp đồng) đánh trong cùng khu vực với lực lượng phòng không bảo vệ mục tiêu theo tuyến hỏa lực. (còn tiếp)


(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.