Đi tìm, thấy đâu hồn phố cổ?

03/08/2014 15:40 GMT+7

Một ngày mới lại về trên phố cổ Hà Nội . Những gánh hàng rong bắt đầu tủa đi khắp nơi, các hàng ăn, cửa hiệu buôn bán mở cửa tấp nập. Nhìn khung cảnh huyên náo ấy, tôi tự hỏi: 36 phố phường ‘phồn hoa thứ nhất Long Thành’ xưa kia giờ đây thực ra là phố cổ hay phố cũ?

Một ngày mới lại về trên phố cổ Hà Nội. Những gánh hàng rong bắt đầu tủa đi khắp nơi, các hàng ăn, cửa hiệu buôn bán mở cửa tấp nập. Nhìn khung cảnh huyên náo ấy, tôi tự hỏi: 36 phố phường ‘phồn hoa thứ nhất Long Thành’ xưa kia giờ đây thực ra là phố cổ hay phố cũ?


“Phố cổ ồn ào, chật chội, nhiều khói bụi và các hàng quán không có gì đặc sắc, lôi cuốn”,
đó là những gì cô Tina, một khách du lịch Đức cảm nhận 
- Ảnh Ngọc Thắng

 

Không còn bản sắc văn hóa

Phố cổ Hà Nội hình thành từ đầu thế kỷ XV, vốn là đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, hội tụ tinh hoa của mọi miền quê.

Nhưng ngày nay, cái tên phố cổ có lẽ không còn thích hợp. Từ “cổ” chỉ được dùng để nói những thứ có giá trị về văn hóa vật thể ghi dấu ấn văn hóa con người, được nâng niu và bảo vệ. Còn nay, vẻ đẹp truyền thống và quy củ của 36 phố phường đã mai một và gần như bị biến dạng. “Phố cổ ồn ào, chật chội, nhiều khói bụi và các hàng quán không có gì đặc sắc, lôi cuốn”, đó là những gì cô Tina, một khách du lịch Đức cảm nhận.

Dạo một vòng quanh các con phố được cho là “cổ”, ta dễ dàng nhận ra cách bày biện kém tinh tế ở ngay mặt tiền. Nếu xưa, mỗi con phố là nơi sinh sống của lớp người gắn bó với những nghề thủ công chuyên biệt, với những tên phố đặc trưng thì nay, phố nào cũng có các cửa hiệu bày bán đủ loại hàng hóa bắt mắt từ đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, đến quần áo, tranh ảnh... Điều đáng nói là các sản phẩm này không có tính chọn lọc và đặc biệt không thể hiện được tinh hoa văn hóa Tràng An, đơn giản vì chúng được nhập hoàn toàn từ nơi khác về.

Phố Hàng Đào xưa kia nổi tiếng với nghề nhuộm điều và là trung tâm bán đồ tơ lụa hạng nhất thì nay mọc lên san sát các shop thời trang với đa số mặt hàng gắn mác “made in China”.


Còn đâu hồn phố cổ? - Ảnh: Ngọc Thắng

Thực trạng nhà cửa, phố xá ở phố cổ cũng đáng buồn không kém. Nhiều người ví kiến trúc phố cổ bây giờ là kiểu kiến trúc “tân cổ giao duyên”. Xen giữa những ngôi nhà kiểu ta (nhà ống, mái ngói) được xây dựng vào thế kỉ XVIII - XIX là những ngôi nhà xây từ thời Pháp thuộc và những khách sạn, nhà ở được xây mới hoàn toàn. Nhếch nhác hơn còn có các nhà tầng một xây mới hoặc sơn sửa nửa vời, tầng hai, tầng ba cũ kỹ, đổ nát.

Hiển nhiên, nhắc đến văn hóa không thể không nhắc đến con người. Phố cổ mất đi bản sắc trước hết là do cách ứng xử của người dân nơi đây. Ông Bảo Nguyên làm nghề vẽ tranh truyền thần (Hàng Ngang) cho biết hơn nửa đời người gắn bó với 36 phố phường, ông thấy dân cư phố cổ bây giờ rất phức tạp, xô bồ, lối sống văn minh của người Hà Nội xưa đã mất hẳn. Nay ta không còn ngạc nhiên khi bắt gặp những vụ ẩu đả ngay giữa chợ Đồng Xuân, những cô gái trang điểm lòe loẹt, ăn mặc hở hang hay những tốp thanh niên ngồi “trà chanh chém gió”, lời chửi thề trở thành câu cửa miệng.

Sống khổ thế lấy gì nuôi dưỡng văn hóa?

Điều kiện sống ở khu phố cổ chẳng khá hơn các “khu ổ chuột” là mấy. Chuyện nghe khó tin nhưng đó là sự thật và sự thật này đã được báo chí nói không ít. Trung bình mỗi nhà ở đây chỉ rộng 10-12 m2, thậm chí có nhà vọn vẻn 1,5-2 m2. Oái oăm thay, nhiều gia đình chỉ có thể ngồi hoặc đi cúi gập người chứ không thể đứng thẳng ngay chính trong nhà mình. Chuyện nấu ăn, tắm giặt, vệ sinh cũng nhức đầu không kém. Người dân không những phải biết “co mình” sống cho thích hợp với không gian chật hẹp mà còn phải tính kế sinh hoạt lâu dài trong điều kiện vật chất thiếu thốn. 

Cụ Gái (96 tuổi, nhà số 10 Hàng Bè) cho biết ở đây chuộng nhất bếp than tổ ong vì nó vừa đỡ tốn kém, lại nhỏ gọn. Mỗi nhà một góc đặt bếp than ở giữa, nồi niêu xung quanh thành khu nấu nướng. Khu vệ sinh thì vài chục người dùng chung một cái. Cứ 5 - 6 giờ sáng mọi người đã phải lục đục dậy xếp hàng chờ đến lượt mình.

Ngày 09.01.2013, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt “Đề án giãn dân phố cổ, Quận Hoàn Kiếm”. Mục tiêu là giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha (năm 2010) xuống còn khoảng 500 người/ha (năm 2020), nhằm tạo điều kiện tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa phố cổ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay, giãn dân phố cổ vẫn là một bài toán đau đầu. Nan giải nhất là vấn đề đền bù và thuyết phục người dân chuyển đến nơi ở mới. Khu đô thị Việt Hưng được xây dựng tại quận Long Biên có tổng diện tích 34.590 m2, trong đó bao gồm các công trình phúc lợi công cộng như: nhà trẻ, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng… Dù điều kiện sống tại nơi ở mới Việt Hưng tốt hơn hẳn nhưng đại bộ phận dân cư phố cổ không muốn rời đi vì lý do mưu sinh.

Đến ngõ Phất Lộc - con ngõ từng là cảm hứng sáng tác của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Vết tích về “phố Phái” cổ kính, rêu phong giờ chỉ còn trong tranh ảnh. Đón tôi là vẻ nhếch nhác, chật chội của nơi tập trung những người lao động thành thị. Khi được hỏi về đề án giãn dân của thành phố, cụ Nguyễn Thị Xinh (90 tuổi, số nhà 2, ngõ Phất Lộc) thở dài: “Trước đây tôi làm công nhân, giờ ở với gia đình người con gái, tôi không có lương hưu, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào thu nhập từ quán trà đá, bây giờ chuyển đến nơi ở mới, nếu không được nhà nước tạo công ăn việc làm ổn định thì gia đình tôi khó lòng sinh sống nổi”. Bác Trần Kim Thị thì bày tỏ bức xúc: “Nói chuyển chúng tôi về ở đô thị Việt Hưng, nhưng nghe đâu bao nhiêu nhà đẹp ở đó đã được bán hết, còn nhà đâu mà đền bù cho dân?”.


Ngõ hẹp chỉ hơn 1 m, bên trong là hàng chục hộ sống chen chúc, 'đặc sản' phố cổ
- Ảnh: Ngọc Thắng

Không nằm trong diện “giãn dân”, gia đình bác Hưng (số nhà 3 Hàng Bạc) lại treo biển bán nhà mong thoát cảnh sống chen chúc. Vừa trông nồi thịt kho bắc trên bếp lò kê ngay cửa ra vào, bác Hưng vừa chia sẻ: “Nhà tôi treo biển bán đã lâu nhưng vì thời buổi kinh tế khó khăn cộng với chính sách di dân không rõ ràng của thành phố nên chẳng ai hỏi mua”. Vợ chồng ông Tứ (trước ở số 5 Tạ Hiện) thì may mắn hơn vì cách đây hai năm đã bán được nhà cho “mấy ông Tây xây nhà Tây ngay giữa phố cổ”. Nhưng cuộc sống của hai ông bà giờ cũng không khá khẩm hơn, tiền bán nhà các con tranh giành nhau hết, hai thân già phải ra bãi sông Hồng thuê phòng trọ tạm bợ, ngày ngày ông đèo bà bằng xe đạp vào ngồi lại đầu phố Tạ Hiện, bán trà đá kiếm sống qua ngày.

Thiết nghĩ, ngay giữa phố cổ - tinh hoa của thủ đô, vẫn còn những cảnh đời bươn chải vất vả đến thế, người ta lấy đâu ra thời gian và tâm huyết để xây dựng một khu dân cư tiến bộ, duy trì được văn hóa Tràng An?

Những người muôn năm cũ

Chút hồn xưa phố cổ nếu còn sót lại thì có lẽ là ở những cửa hàng hiếm hoi bán sản phẩm gia truyền, ở những người thợ thủ công yêu nghề, yêu nét đẹp Tràng An giờ chỉ còn tồn tại trong ký ức.

Một chiều nắng nhạt, tại số nhà 26 Đồng Xuân, tôi gặp được cụ Mai Lộc - nghệ nhân làm hương của Hà Nội. Kể từ lúc ra đời, cụ Lộc gắn bó với từng cuộc thay da đổi thịt của 36 phố phường, tính đến nay đã ngót nghét 82 năm. Ngồi nhìn ra cửa chợ Đồng Xuân bạc màu nắng mưa, người nghệ nhân tóc bạc chậm rãi kể về tiếng tàu điện leng keng, tiếng bánh tàu rít mỗi buổi sớm mai; về phụ nữ thời xưa dù đi bán hàng rong cũng thong dong trong vạt áo tứ thân hoặc tà áo dài kín đáo; về cách ăn nói, đối đãi lịch thiệp của người Tràng An.

Mắt cụ rưng rưng khi nhớ lại tiếng rao đêm rất dài “lạc tàu đây lạc tàu...” trong những đêm đông mưa phùn gió bấc hay tiếng rao “mùi tui mùi túi” những sớm tết Đoan Ngọ, người ta đi bán vòng đeo, chuông khánh làm từ rất nhiều mảnh vải vụn đủ màu sắc, rồi cả những đòn gánh cong vút của các cô bán rượu nếp, gánh nào cũng treo một chùm ớt đỏ chót chín mọng,...

Rời nhà cụ Lộc, trong đầu tôi cứ văng vẳng câu hát: “Ta còn em, hàng phố cũ rêu phong, và từng mái ngói nghiêng nghiêng…”. Ai cũng muốn lưu giữ những dấu ấn một thời nơi thành cổ xưa cũ, nhưng có nên chăng khi giữ gìn những thứ chỉ còn vỏ bọc bên ngoài mà giá trị của nó đã phai mờ theo năm tháng?

Bình Tâm

>> Sống chật chội nhưng dân phố cổ Hà Nội không muốn rời đi
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 1: Nhật ký một đêm phố cổ
>> Lập dự án di dời 2.000 hộ dân phố cổ Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.