Đi thực tập nên đòi hỏi có lương không ?

03/12/2022 08:30 GMT+7

Thực tập là quá trình mà sinh viên bắt đầu làm quen với môi trường việc làm, chuẩn bị hành trang cho nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, “thực tập có lương hay không lương?” luôn là vấn đề khiến nhiều người trẻ suy nghĩ.

Nhiều thực tập sinh băn khoăn trước việc nên thực tập có lương hay không lương

MAI THỤY

Thực tập tìm kinh nghiệm hay thu nhập?

Đã kết thúc kỳ thực tập của mình sau 3 tháng tại một cơ quan truyền thông báo chí, Nguyễn Lâm Trường Sang (21 tuổi), ngụ tại số 975/18, đường Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho biết mình không đặt nặng vấn đề có lương trong kỳ thực tập.

Trường Sang quan trọng việc bồi đắp kinh nghiệm ở kỳ thực tập

NVCC

“Vì thực tập ở cơ quan, mình có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và làm quen với môi trường công việc nên sẽ không đòi hỏi thêm cơ quan sẽ trả lương cho mình như thế nào. Và trong quá trình thực tập ấy, mình cũng nhận được nhiều đãi ngộ khi cơ quan thấy mình có nỗ lực, nên dù không đặt nặng vấn đề có lương nhưng chính sách ấy cũng cho mình thêm động lực làm việc”, Trường Sang cho hay.

Cũng không yêu cầu thực tập phải có lương, Phạm Thị Hồng Loan (21 tuổi), ngụ tại số 48, tổ 1, khu phố 6, P.Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) vì ưu tiên tìm kiếm kinh nghiệm nhiều hơn. “Mình thực tập vào cuối năm 3, khi đó cũng nhận được học bổng nên mình cũng không chú trọng quá về việc có lương trong thực tập”, Loan nói.

Còn đối với Đỗ Thị Yến Nhi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cho hay: “Thật sự thì lương là một vấn đề khá thực tế mà bất kỳ ai khi làm công việc nào cũng đều nghĩ tới. Tuy nhiên, với vai trò là một thực tập sinh, mình không thể yêu cầu một mức lương quá cao hay tương đương với một nhân viên chính thức. Mà bản thân mình mong muốn được hỗ trợ một phần tiền xăng xe, ăn uống... như một sự động viên tinh thần để có thể làm việc một cách năng suất hơn”.

Điều quan trọng nhất của thực tập chính người trẻ là có được những trải nghiệm, học hỏi và chuẩn bị hành trang cho nghề nghiệp tương lai

THÙY LINH

Quyết định chọn thực tập có lương tại một công ty phần mềm tại Q.1 (TP.HCM), Bùi Trọng Tín (21 tuổi), ngụ tại số 96, đường Lê Hồng Phong, P.Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết nếu nơi thực tập không trả lương thì sẽ tìm chỗ khác vì hiện tại với trình độ tiếng Anh và kỹ năng ngành ở mức cơ bản đã có nhiều công ty trả từ 8.000.000 đồng - 10.000.000 đồng cho thực tập sinh làm toàn thời gian.

“Nếu không có lương cũng phải có phụ cấp. Vì nó tượng trưng cho công sức mình bỏ ra và cũng là cam kết với công ty, nếu công ty không mất gì để thuê mình thì họ sẽ dễ có tâm lý giao cho mình việc vặt, lúc nghỉ họ cũng chẳng mất gì, mình làm sai họ lại tốn công sửa. Ngược lại, công ty bỏ tiền ra cho mình thì họ sẽ có tâm lý muốn ‘vắt’ mình hơn, muốn hướng dẫn mình để làm được việc có ích cho công ty”, Trọng Tín bày tỏ.

Mối quan hệ nhân quả giữa sinh viên thực tập và doanh nghiệp

Bàn về vấn đề người trẻ nên thực tập có lương hay không lương, ông Ngô Đình Đức, nhà sáng lập và CEO của Công ty cổ phần tư vấn POCD cho biết đa phần các công ty lớn, công ty nước ngoài hay có cổ phần tương đối lớn hiện nay đều có chính sách đãi ngộ cho các sinh viên thực tập khi tham gia vào các hoạt động của công ty.

Ông Ngô Đình Đức cho biết ở mỗi doanh nghiệp, cơ quan đều có phần phụ cấp hợp lý dành cho các sinh viên thực tập

NVCC

“Thông thường các công ty, cơ quan sẽ cân nhắc để đưa ra mức chi phí hỗ trợ hợp lý gọi là phụ cấp việc ăn uống, xăng xe… cho sinh viên thực tập. Những nơi có tiềm lực lớn hơn sẽ tùy vào chiến lược chọn lọc nhân sự và thường sẽ có mức hỗ trợ vào khoảng 60% so với tiền lương nhưng đi kèm là những đòi hỏi khắt khe hơn. Còn nơi có quy mô nhỏ hơn, không có nhiều ngân sách thì họ sẽ không có phần hỗ trợ này, nhưng vấn đề thực tập có lương hay không lại không có quy định bắt buộc trong luật”, ông Đức cho hay.

Vị CEO này cũng bày tỏ rằng việc thực tập có lương hay không cũng tùy vào mục tiêu của các bạn sinh viên là muốn trải nghiệm, làm quen môi trường nghề nghiệp hoặc kiếm thu nhập. Nhưng dù thế nào, mục đích chính của thực tập cũng là định hướng lựa chọn doanh nghiệp phù hợp để tham gia vào việc trải nghiệm và học những cái thực tế giúp cho công sau này chứ không phải đòi hỏi doanh nghiệp phải trả lương theo yêu cầu người lao động.

“Khi một sinh viên vào thực tập thì doanh nghiệp cũng sẽ tốn rất nhiều khoản chi phí như cử người phụ trách quản lý, bố trí công việc, tham gia các hoạt động chung... Nên đây là mối quan hệ nhân quả, tự nguyện của cả hai bên, không phải là doanh nghiệp phải trả lương thì sinh viên với thực tập hoặc sinh viên không cần phụ cấp vào chỉ để lấy kinh nghiệm. Hãy đánh giá việc thực tập dựa vào vào giá trị đóng góp cho doanh nghiệp, việc học và việc nỗ lực”, ông Đình Đức nói.

Nói về ý nghĩa của việc thực tập, Trọng Tín cho hay: “Đối với bản thân mình, việc thực tập chính là cơ hội để học hỏi và trải nghiệm môi trường làm việc thực tế. Qua những gì mình đã nổ lực trong thời gian đó, chúng ta sẽ cảm nhận và đánh giá thành quả lao động của mình đã mang lại giá trị gì cho xã hội. Bên cạnh đó là kiếm thu nhập để trang trải cho cuộc sống, có thể mức thu nhập này có thể nhỏ ở thời gian đầu nhưng sẽ đổi lấy cơ hội phát triển tốt về sau”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.