Di thực sâm Ngọc Linh

25/08/2018 07:35 GMT+7

Giá trị dược liệu của sâm Ngọc Linh lâu nay đã được khẳng định. Giá trị hàng hóa của sâm Ngọc Linh cũng đã được nâng lên rất cao từ mấy năm nay.

Vì vậy, việc phát triển sâm Ngọc Linh ra những vùng đất phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của loại sâm quý này là cần thiết.
Ngày 20.8, tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), Ủy ban Dân tộc phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan thường trú Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới tại VN tổ chức diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018 chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Giá trị dược liệu của sâm Ngọc Linh lâu nay đã được khẳng định. Giá trị hàng hóa của sâm Ngọc Linh cũng đã được nâng lên rất cao từ mấy năm nay, sau khi Kon Tum và Quảng Nam tổ chức trồng và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh. Quảng Nam còn tổ chức những lễ hội, hội chợ sâm Ngọc Linh để đưa loại sâm quý có giá trị cao này thành một loại hàng hóa đặc biệt, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng cả nước.
Di thực sâm Ngọc Linh1
Công nhân chăm sóc cây sâm
Nhưng nghiên cứu để có thể di thực sâm Ngọc Linh trồng ở những vùng núi có độ cao từ 1.000 m trở lên thì lần này mới chính thức có một diễn đàn đề xuất ý tưởng này. Và đây là một ý tưởng rất đáng được quan tâm, nghiên cứu và nếu khả thi thì cần được thực hiện, trước hết là ở những vùng núi cao thuộc miền Trung. Gần nhất với vùng núi Ngọc Linh, ngoài Quảng Nam còn có Quảng Ngãi với ngọn núi Cà Đam độ cao 1.413 m so với mực nước biển, có nhiệt độ trung bình hằng năm từ 21 - 230C. Núi nằm giữa ranh giới xã Trà Tân, Trà Bùi (H.Trà Bồng), Trà Trung và Trà Nham (H.Tây Trà), TP.Quảng Ngãi chừng 70 km về hướng tây bắc. Độ cao và khí hậu như vậy, phần đỉnh núi Cà Đam có thể là địa chỉ trồng sâm Ngọc Linh cho kết quả tốt, vì sâm Ngọc Linh thiên nhiên cũng mọc ở độ cao 1.500 - 2.100 m.
Với địa lý và khí hậu tương đồng với dãy núi Ngọc Linh, núi Cà Đam của Quảng Ngãi có thể hợp với phần núi Ngọc Linh của Kon Tum và phần núi Ngọc Linh của Quảng Nam thành một vùng “tam giác sâm Ngọc Linh”, nếu biết tổ chức trồng giống sâm này. Ngay trên đỉnh Cà Đam cũng có giống sâm 7 lá, nghĩa là ngọn núi này hoàn toàn có thể trồng sâm. Dĩ nhiên, sâm 7 lá của Cà Đam mọc hoang và chưa thể là loại sâm có thương hiệu, trong khi sâm Ngọc Linh đã có thương hiệu lớn và giá trị hàng hóa rất cao.
Phát biểu tại diễn đàn về trồng sâm Ngọc Linh tổ chức tại Quảng Nam, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu các địa phương có điều kiện địa lý, thời tiết tương đồng như vùng núi Ngọc Linh tổ chức nghiên cứu di thực, trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác để cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Sâm Ngọc Linh, nếu di thực thành công, sẽ không chỉ là loại cây “xóa đói giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu cho người trồng nó. Điều ấy đã trở thành hiện thực ở miền tây Quảng Nam. Do thời gian sinh trưởng tới khi khai thác được của sâm Ngọc Linh là khá lâu, nên nếu Quảng Ngãi quyết tâm khảo sát và di thực giống sâm này về trồng trên núi Cà Đam, thì cần làm ngay. Hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có thể cung cấp giống sâm Ngọc Linh cho Quảng Ngãi cùng với kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đó thực sự là thuận lợi cho Quảng Ngãi để di thực loại sâm này thành công.
Nếu hình thành được một “tam giác sâm Ngọc Linh” từ ba tỉnh Kon Tum - Quảng Nam - Quảng Ngãi, thì 2 bộ Công thương và Khoa học - Công nghệ cho biết sẽ sớm đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ sâm Ngọc Linh - sâm VN trên thế giới và hình thành bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sâm Ngọc Linh để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.
Rõ ràng, di thực sâm Ngọc Linh là có cơ sở để thành công, mang đến những nguồn lợi lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.