Di sản 'tuyên ngôn độc lập' của triều Nguyễn

27/08/2017 06:57 GMT+7

Trong triển lãm Tiếp cận di sản tư liệu thế giới tại VN qua di sản tư liệu triều Nguyễn, bài thơ được xem như “tuyên ngôn độc lập” của triều Nguyễn được trưng bày ở vị trí trang trọng.

Khoảng 70 tư liệu về các loại hình di sản, trong đó có cả mộc bản, châu bản, thơ văn cung đình Huế được trưng bày trong triển lãm Tiếp cận di sản tư liệu thế giới tại VN qua di sản tư liệu triều Nguyễn do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 và Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 tổ chức tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám, Hà Nội từ ngày 26.8.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết tại triển lãm có 16 mộc bản triều Nguyễn, chủ yếu giới thiệu về quốc hiệu VN. Bên cạnh đó có châu bản giới thiệu về giáo dục và khoa cử, đó cũng là thế mạnh của VN và của triều Nguyễn. Triển lãm cũng giới thiệu thơ văn, kiến trúc cung đình Huế với tinh thần xuyên suốt là lòng tự hào dân tộc.
Theo ông Hải, triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng ở VN, là triều đại có số lượng sách vở tư liệu còn lại đến nay đồ sộ nhất. “Có ít nhất 3 tư liệu di sản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới. Trong đó có mộc bản được công nhận vào năm 2009, châu bản công nhận năm 2014 và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế công nhận vào năm 2016”, ông Hải cho biết.
Đề cao tự hào dân tộc
Tại triển lãm này, một bài thơ ở điện Thái Hòa (Huế) được đặt ở vị trí trang trọng. “Bài thơ này được xem là tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn. Nội dung chỉ có 4 câu: Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng Bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường Ngu với đại ý bờ cõi nước ta từ xa xưa đã vạn dặm, chúng ta khai quốc rất sớm, thành một quốc gia hùng mạnh không kém các quốc gia ở Trung Hoa như Đường, Ngu. Điều đó thể hiện lòng tự hào rất lớn của người VN, có thể tự cường sánh vai các quốc gia, dân tộc khác”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng: “Nếu như ở bài Nam Quốc sơn hà là tuyên ngôn độc lập thì bài thơ ở điện Thái Hòa cũng là tuyên ngôn độc lập nhưng đề cao nền độc lập về văn hiến, đến sự thống nhất văn hóa”.
Không chỉ độc đáo về văn chương, hình thức thể hiện di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế cũng rất phong phú. “UNESCO công nhận khá nhiều di sản mộc bản, nó là bản âm, từ đó có thể in ra nhiều bản. Còn thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là dương bản, lại là bản khắc trực tiếp và là độc bản, được gắn trực tiếp trên công trình kiến trúc, không giống như hoành phi câu đối có thể gỡ và mang đi. Cách thể hiện cũng đa dạng. Có loại khắc trực tiếp trên gỗ, sau đó sơn son thếp vàng, có loại khắc xong sơn đen, loại khác chỉ vẽ sơn vàng lên hay tráng men trên pháp lam...”, ông Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.