Di sản Thành nhà Hồ sạt lở nghiêm trọng

24/05/2018 06:19 GMT+7

Trải qua hơn 600 năm với nhiều biến cố lịch sử cùng những ảnh hưởng của thiên tai, di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ tại H.Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đang bị đe dọa bởi hiện tượng sạt lở.

Quan sát thực tế, trong khi các tường thành phía đông, tây, nam còn khá nguyên vẹn và ổn định thì tường thành phía bắc (dài khoảng 880 m, cao trung bình khoảng 5 m) xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đổ trượt, phình ra đe dọa nghiêm trọng đến di sản này. Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu, tường thành phía bắc mặt ngoài kết cấu là các khối đá xếp lên, không có chất kết dính, phía trong đắp đất thoai thoải.
Hiện nay, dọc tường thành phía bắc có nhiều điểm sạt lở làm biến dạng hoàn toàn tường thành và còn nhiều điểm khác đang có nguy cơ sạt lở cao. Tại các điểm sạt lở, những tảng đá lớn rơi ra cách khu vực chân thành hàng chục mét, lấp cả đường men theo chân thành xưa nay người dân địa phương vẫn đi lại. Dọc theo tường thành, nhiều cây cỏ mọc um tùm, có chỗ bám sâu vào khe các tảng đá, có chỗ rễ cây xé toạc cả những tảng đá lớn.
Điểm sạt lở vào tháng 9.2017 do ảnh hưởng của bão số 10
Điểm sạt lở gần đây nhất hình thành hồi tháng 9.2017. Ảnh hưởng của bão số 10 đã làm sạt lở một điểm tường thành phía bắc dài khoảng 20 m, làm trượt đổ 54 phiến đá, khối lượng đất đá sạt lở khoảng 20 m3. Một số điểm khác như vị trí cách cổng phía bắc về hướng đông khoảng 10 m bị sạt dài khoảng 20 m, độ nghiêng, phình ra so với trước khoảng 2 m; vị trí cách cổng phía bắc khoảng 200 m về phía đông bị sạt 10 m, phần đá bên ngoài hầu như đã sạt lở hoàn toàn; cách cổng về phía đông khoảng 360 m bị sạt đoạn tường thành dài 30 m.
Đá xây tường thành bị đổ, lấn cả đường giao thông
Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã cắm biển cánh báo khu vực nguy hiểm - sạt lở đồng thời cắt cử người trực khuyến cáo người dân cũng như du khách.
Cần nhanh chóng có biện pháp bảo vệ
Trước tình trạng trên, tháng 10.2017, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ mời các chuyên gia, đại diện Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Khảo cổ học VN, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và các ban, ngành có liên quan của tỉnh Thanh Hóa để tìm biện pháp xử lý.
Đã có 15 điểm sạt lở, đổ trượt dọc theo tường thành phía bắc Thành nhà Hồ
Sau khi tham vấn, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng thời kiến nghị tỉnh báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư thống nhất, thỏa thuận chủ trương và bố trí kinh phí triển khai lập, thực hiện dự án đầu tư tổng thể bảo tồn, phục hồi tường thành di sản Thành nhà Hồ theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016; tu bổ cấp thiết đoạn tường thành bị sạt lở do ảnh hưởng của bão số 10 và bảo tồn, chống đỡ, gia cố những đoạn tường bị phình, nghiêng có nguy cơ sạt lở, trượt đổ; tổ chức khai quật khảo cổ và thăm dò địa chất để nghiên cứu cấu trúc và kỹ thuật xây dựng tường thành.
Cần phải có những biện pháp bảo vệ di sản ổn định, lâu dài chứ không thể gông, giằng tạm bợ, vì nhiều đoạn tường thành hiện nay đang phình ra rất to
Ông Trương Hoài Nam (Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ)
Thế nhưng, đến nay chưa có bất kỳ động thái nào của cơ quan chức năng nhằm khắc phục, xử lý những điểm sạt lở, trong khi mùa mưa bão sắp đến và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Thành nhà Hồ. Ông Trương Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ di sản (Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ), cho biết sau đợt sạt lở năm 2017, trung tâm đã báo cáo các cơ quan chức năng, đồng thời đang lập phương án để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm khắc phục những điểm sạt lở và những điểm có nguy cơ sạt lở cao. “Chúng tôi đã ghi nhận có 15 điểm tường thành bị sạt lở nằm ở tường thành phía bắc. Chúng tôi chỉ giải quyết trước mắt bằng cách đặt biển cảnh báo, lấy bạt che chắn lên trên để nước mưa không thấm vào gây sạt lở tiếp. Tình trạng này cần phải có những biện pháp ổn định, lâu dài chứ không thể gông, giằng tạm bợ, vì nhiều đoạn tường thành hiện nay đang phình ra rất to”, ông Nam nói.
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện đang có 2 phương án được trình để triển khai. Thứ nhất, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã lập báo cáo tiền khả thi theo quy hoạch chung của Thủ tướng đã phê duyệt, trong đó có nhiều hạng mục, công trình sẽ được tôn tạo, khắc phục và hiện đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng tỉnh đang chờ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để quyết định. Thứ hai là dự án khai quật, khảo cổ và chống xuống cấp những điểm mang tính cấp thiết sau khi sự cố đổ sập điểm tường thành xảy ra do ảnh hưởng của bão số 10 năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.