Di sản chống Trung Quốc của Tổng thống Trump sẽ còn lại gì?

09/01/2021 10:20 GMT+7

Dưới thời Tổng thống Donald Trump , Mỹ đã thực thi nhiều chính sách về thương mại lẫn an ninh - quân sự nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc .

Trong bài phát biểu ngay sau khi vừa đến Đà Nẵng vào tháng 10.2017 để dự Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không dưới 10 lần đề cập cụm từ “ Indo-Pacific” (Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương).

Bước ngoặt quan trọng

Đó được xem là bước ngoặt quan trọng, thể hiện rõ việc xây dựng một chuỗi chính sách cả về kinh tế lẫn an ninh, quốc phòng xoay quanh khu vực Indo-Pacific nhằm đối phó sự trỗi dậy và các hành vi gây quan ngại của Trung Quốc.

Đài Loan, Mỹ tổ chức Đối thoại quân sự chính trị

Cơ quan Đối ngoại Đài Loan cho biết hội nghị trực tuyến về Đối thoại quân sự chính trị Mỹ - Đài Loan diễn ra ngày 7.1. Tại cuộc họp báo sau đó, phát ngôn viên Âu Giang An của Cơ quan Đối ngoại Đài Loan cho hay Đài Loan và Mỹ duy trì liên lạc chặt chẽ về mọi vấn đề cùng quan tâm, và Đài Loan sẵn sàng tăng cường trao đổi với Mỹ trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, an ninh và kinh tế, theo Hãng tin CNA. Tuy nhiên, bà Âu từ chối tiết lộ những người tham dự hoặc các vấn đề đã được thảo luận.
Trước đó, ngày 5.1, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thông tin Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Clarke Cooper có bài phát biểu tại sự kiện trên. Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố sẽ đưa ra phản ứng cần thiết.
Huỳnh Thiềm
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Có rất nhiều chỉ trích nhằm vào chính quyền Tổng thống Donald Trump và thực sự chính phủ của ông cũng có nhiều sai lầm. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Donald Trump vẫn có nhiều dấu ấn, điển hình như thành tựu trong chiến lược đối với Trung Quốc có rất nhiều khác biệt”.
“So với các chính quyền trước đây của Mỹ vốn không chọn bên rõ ràng trong các tranh chấp chủ quyền, chính sách của Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump đã thể hiện quan điểm rõ ràng hơn. Đối với Trung Quốc, Mỹ đã chọn đứng về phía Nhật Bản, đứng về phía các nước ASEAN trước Trung Quốc”, TS Nagao đánh giá.
Cũng theo ông Nagao, chính sách đối phó Bắc Kinh mà chính quyền Tổng thống Trump theo đuổi cũng có nhiều đặc điểm nổi bật. Trong đó, ông tập trung nhiều vào chiến tranh thương mại và “chiến tranh” trong lĩnh vực công nghệ cao. Bởi vì sức mạnh kinh tế đang giúp Trung Quốc chiếm ưu thế để tiến hành các biện pháp mang tính cưỡng bức, răn đe quân sự. Đơn giản là khi nền kinh tế càng phát triển, có nguồn lực ngày càng lớn hơn thì Trung Quốc sẽ càng đầu tư nhiều hơn cho quân sự, hiện đại hóa quân đội.

Tổng thống Trump muốn thêm Alibaba và Tencent vào danh sách đen

Bên cạnh đó, ưu thế vừa nêu cũng giúp Bắc Kinh đầu tư nhiều tiền vào các nước nhỏ nhằm chi phối và thao túng. Các nước khi càng lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc thì càng không dám đối đầu, chỉ trích các hành vi của Bắc Kinh. Chính vì thế, tiến hành chiến tranh thương mại là cách thức đúng đắn để đối phó với Trung Quốc.
Thực tế, Tổng thống Trump đã tiến hành hàng loạt biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào Bắc Kinh như tăng thuế đối với nhiều mặt hàng của Trung Quốc. Trong “chiến tranh” ở lĩnh vực công nghệ cao, Huawei và nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng bị Mỹ đưa ra biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.
Washington cũng đã thông qua đạo luật để hỗ trợ Đài Loan, đạo luật trừng phạt các quan chức của Trung Quốc đại lục lẫn Hồng Kông bị cho là liên quan các hoạt động đàn áp ở Hồng Kông. Cũng nằm trong chuỗi trừng phạt, nhiều công ty liên quan các hoạt động xây dựng hạ tầng trái phép trên Biển Đông, các doanh nghiệp liên quan quân đội Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của Washington.
Về mặt an ninh - quốc phòng, dưới thời Tổng thống Trump, Lầu Năm Góc liên tục tái phối trí lực lượng quân sự về khu vực Indo-Pacific. Đến nay, các loại oanh tạc cơ chiến lược, chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 và F-35, nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay, nhóm viễn chinh với tàu đổ bộ tấn công mang theo F-35 đều đã hiện diện ở vùng tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.
Quan hệ hợp tác trong nhóm tứ giác kim cương cũng có nhiều tiến triển, thể hiện qua các cuộc tập trận song phương lẫn đa phương ở Indo-Pacific. Trong đó có nhiều cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông nhằm phản ứng Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ cũng đã chính thức đệ trình văn bản lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông.

Tương lai thế nào?

Từ đó, một vấn đề đặt ra là các di sản của Tổng thống Donald Trump về chiến lược chống Trung Quốc sẽ như thế nào khi Tổng thống tân cử Joe Biden chính thức nắm quyền.
Trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) nhận định: “Thuật ngữ “Indo-Pacific” có thể tồn tại hoặc không tồn tại sau khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, “linh hồn” trong chiến lược của chính quyền ông Trump trong việc đối phó với sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc thì sẽ vẫn còn”.
Theo GS Sato, chính sách thương mại theo chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Tổng thống Trump đã khác biệt khá nhiều so với các nền tảng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dành cho các quan hệ thương mại đa phương mà 3 người tiền nhiệm theo đuổi. Ông Trump đã nhấn mạnh lợi ích của Mỹ.
“Chính sách thương mại “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump có sự ủng hộ từ giới chính trị gia lưỡng đảng, lực lượng công đoàn và giới chủ doanh nghiệp nhỏ trên toàn quốc. Chính vì thế, ông Joe Biden không thể phớt lờ quan điểm chống chủ nghĩa toàn cầu hóa từ các cử tri và chính giới vừa nêu. Cho nên, dù chính quyền của ông Biden sắp tới có thể sẽ thay đổi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Trung Quốc, nhưng các yếu tố cốt lõi trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ để tránh tập trung vào Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao”, GS Sato nhận định.
Về quan hệ hợp tác quốc tế của Washington dưới thời ông Biden, GS Sato kỳ vọng: “Việc củng cố quan hệ với các đồng minh quan trọng như Úc, Nhật Bản, và tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược mới như VN, Ấn Độ chắc chắn sẽ được Washington tiếp tục thực hiện khi Nhà Trắng có chủ nhân mới. Quan hệ hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh NATO cũng sẽ được cải thiện thông qua việc các thành viên NATO ngày càng tham gia mạnh mẽ vào Indo-Pacific, bởi ông Biden sẽ có cách tiếp cận thân thiện hơn với châu Âu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.