Đi qua những ngày bão dịch Covid-19

05/11/2021 20:23 GMT+7

TP.HCM đã đi qua những tháng ngày bão dịch căng thẳng trong đợt Covid-19 thứ 4 để từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Từ cuối tháng 4.2021, dịch Covid-19 ở TP.HCM sau ca nhiễm đầu tiên, thì mỗi ngày tình hình dịch bệnh càng thêm phức tạp. Có những thời điểm dịch bùng phát, có ngày số ca nhiễm cao điểm lên đến hơn 17.000 ca. Tính đến ngày 4.11, cả nước có hơn 940.000 ca nhiễm, thì TP.HCM chiếm đến hơn 432.000 ca (chiếm hơn 45%), phần nào cho thấy quy mô dịch từng lan rộng ở thành phố đông dân nhất nước trong khoảng 6 tháng qua.

Bây giờ, khi tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 bao phủ ở mức cao, dịch bệnh ở TP.HCM đã cơ bản kiểm soát với số ca mắc mới và ca tử vong giảm sâu; và cũng nhờ vậy mà nhiều người có cảm giác phần nào bớt âu lo hơn trong giai đoạn bình thường mới.

Những ngày cao điểm Covid-19 bùng phát, từ nhiều phía đã dốc toàn lực "ra trận" với mục tiêu và quyết tâm cao nhất, là đẩy lùi cho bằng được dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị với lực lượng tổng hợp: y bác sĩ, công an, quân đội, tình nguyện viên... căng sức thực hiện tổng lực các giải pháp phòng chống, chăm sóc và điều trị F0, chăm lo an sinh. Cùng với đó, thật ý nghĩa khi mỗi ngày vẫn luôn có những tấm lòng tỏa sáng trong những lúc nguy khó nhất.

Hai người con gái của vợ chồng anh Đồng, chị Giang phụ giúp phân chia túi thuốc F0

Cả nhà cùng "ra trận"

Suốt nhiều tháng qua và trong những ngày này, vợ chồng anh Thành Đồng, chị Trúc Giang và 3 đứa con (ở P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức) vẫn luôn tất bật với những công việc phân phát thuốc, nhu yếu phẩm, vật tư y tế để giúp đỡ các F0, hoàn cảnh khó khăn và nhiều địa phương ở TP.HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương...

Lúc TP.HCM tăng cường giãn cách, vợ chồng anh Đồng và chị Giang cùng một số bằng hữu, trong đó có chị Phạm Thị Xinh (Giám đốc Công ty Nguyên Thuận ở Bình Thuận), chị Lê Hoài Anh, vợ chồng anh Khánh và chị Điệp (cùng ở TP.Thủ Đức) tiếp tế các khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến, bếp ăn 0 đồng... hàng trăm tấn nhu yếu phẩm.

Cùng với tích cực hỗ trợ nhu yếu phẩm, vợ chồng anh Đồng và chị Giang chủ động dự trữ thuốc, khẩu trang, đồ bảo hộ..., và khi có nơi cần hỗ trợ, anh chị không ngần ngại chuyên chở cấp phát tận nơi. Khi nguồn "hàng" dự trữ cạn dần, anh chị chủ động đặt mua tiếp. Rồi cả việc nỗ lực tìm đặt mua bình ô xy để dành tặng hỗ trợ cứu chữa F0. Không chỉ bỏ của, cả gia đình anh chị còn bỏ công, khi các thành viên lăn xả vào việc bốc vác, phân chia hàng tiếp tế, phân túi thuốc F0, vận chuyển đi phát tặng...

Chị Giang tích cực hỗ trợ người khó khăn do dịch bệnh Covid-19 suốt nhiều tháng qua

"Mình không nghĩ rằng những công việc đó là làm từ thiện. Trong khả năng chia sẻ của mình, mình có được chừng nào thì làm chừng ấy, chỉ để giúp cho những người cần sự giúp đỡ lúc khó khăn", anh Đồng chia sẻ.

Kỳ tích của Bệnh viện dã chiến số 1

Ngày 22.10 vừa qua, Bệnh viện dã chiến số 1 (đặt tại khu A, ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.Thủ Đức) đã giải thể, sau khoảng 4 tháng thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19. Kỳ tích là, trong tổng số hơn 24.000 bệnh nhân Covid-19 mà Bệnh viện dã chiến số 1 tiếp nhận và điều trị, không có trường hợp nào tử vong.

Bác sĩ Hồng Công Danh, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, thời điểm cuối tháng 6.2021 được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1.

Theo lời kể của bác sĩ Danh, những ngày đầu áp lực rất căng thẳng. Y bác sĩ tăng cường cũng như bệnh nhân, chỉ được trang bị mỗi người 1 bộ quân nhu (gối, mùng mền, chiếu). Qua mỗi ngày, lượng bệnh nhân càng gia tăng đột biến. Nhờ sự quan tâm của chính quyền TP.HCM và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tình trạng trang thiết bị thiếu hụt trong những ngày đầu, được khắc phục nhanh chóng. Từ đó, việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 phát huy hiệu quả.

Y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 1

Y bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ ở Bệnh viện dã chiến số 1 có khoảng 400 người, đều được tăng cường từ các bệnh viện: Từ Dũ, Bệnh nhiệt đới, 115, Mắt, Ung bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nguyễn Trãi, Thủ Đức, 6, 7, 10..., và y bác sĩ chi viện đến từ Quảng Nam, Thanh Hóa, Lâm Đồng... liên tục ngày đêm chăm lo công tác điều trị.

Bác sĩ Danh kể: "Anh chị em y bác sĩ ăn ngủ tại chỗ theo tiêu chuẩn ký túc xá. Nhiều khi nằm đâu ngủ vội đó với 1 bộ quân nhu, tội anh chị em lắm. Anh em quân đội thì lo phần hậu cần, khuân vác, phân phối cơm nước... Trong tình thế rất khó khăn nhưng tất cả đã thể hiện rất cao tinh thần đồng lòng chống dịch, cùng nhau theo sát và tận tâm phục vụ bệnh nhân".

"Khó khăn nhất lúc đầu là có những ngày có cả gần 1.000 bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện. Dự định là có thân nhân đến đón, nhưng vì giãn cách xã hội, đi lại khó khăn nên vấn đề vận chuyển bệnh nhân về nhà vô cùng căng thẳng. Mà bệnh nhân khỏi bệnh không xuất viện kịp thời, thì thiếu hụt giường bệnh để đón bệnh nhân mới vào, áp lực càng tăng hơn. Lúc đó báo cáo Sở Y tế, do thiếu hụt phương tiện cấp cứu và vận chuyển nên cũng không thể đáp ứng ngay được. Chúng tôi liên hệ với anh Đào Viết Ánh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines và được chi viện ngay 6 chiếc 15 chỗ, 6 chiếc 29 chỗ. Phương Trang cũng tặng cho bệnh viện rất nhiều máy tạo ô xy phục vụ cấp cứu bệnh nhân nặng. Những sự giúp đỡ đó là vô cùng quý báu vào thời điểm đó", bác sĩ Danh chia sẻ thêm.

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm phục vụ tuyến đầu chống dịch suốt 4 tháng qua

Bác sĩ trẻ suốt 4 tháng ở tuyến đầu

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, 28 tuổi, công tác ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Suốt 4 tháng qua, bác sĩ Tâm phục vụ ở tuyến đầu chống dịch.

Tăng cường phục vụ Bệnh viện dã chiến số 1, bác sĩ Tâm làm Trưởng khoa Kế hoạch - tổng hợp. "Bệnh nhân vào Bệnh viện dã chiến số 1 từ nhiều nguồn, lớn tuổi có, nhỏ tuổi có. Ca vào ca ra liên tục, ca nặng chuyển lên tuyến trên nữa... Công việc điều phối rất áp lực, có nhiều ngày điện thoại reo liên tục, nghe hết cuộc này thì tiếp nối cuộc khác", bác sĩ Tâm chia sẻ.

Sau khi Bệnh viện dã chiến số 1 giải thể, bác sĩ Tâm được tăng cường tiếp tục nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh). "Mình còn trẻ, chưa lập gia đình nên tiếp tục được tăng cường cho tuyến đầu, cũng đã 4 tháng rồi. Khi tình hình ở Bệnh viện dã chiến số 13 ổn định hết thì mới trở về lại đơn vị cũ công tác", bác sĩ Tâm chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.