Đi qua những đêm dài

30/12/2021 07:17 GMT+7

Chúng tôi cứ thế đi qua bóng tối, qua những khu cách ly và bệnh viện dã chiế n, qua nỗi buồn trong những ngày tháng đó, cố gắng thắp sáng con đường và trái tim mình bằng một tia hy vọng mong manh.

Gần nửa đêm một ngày đầu tháng 8.2021, tôi nhận được tin nhắn hẹn tiêm vắc xin mũi 1 của y tế địa phương, vào 14 giờ ngày mai.

Trưa hôm sau, tôi đang ăn dở buổi trưa thì nhận điện thoại của Phó tổng thư ký tòa soạn Đức Trung: “Anh biết tin gì chưa? L. bị ho sốt, test nhanh dương tính”.

L. là kỹ thuật viên trình bày báo in, làm cùng ê kíp với tôi, Trung và nhiều anh em khác.

Tôi máy móc trả lời: “Mình sắp đi tiêm rồi”.

“Không được, anh phải đi test liền, văn phòng đã liên hệ với bệnh viện để anh em trong kíp trực đến lấy mẫu”.

Chúng tôi đến bệnh viện, được hướng dẫn ra ngồi chờ ở sân vận động kế bên, cùng hàng trăm người khác. Sau đó chúng tôi được đưa đến điểm lấy mẫu, xếp hàng chờ ngoài trời nắng gay gắt. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu sao họ lại bắt chúng tôi phơi nắng như thế, để diệt vi rút ư?

L. xét nghiệm PCR dương tính, chính thức trở thành F0. Còn lại đều âm tính qua test nhanh.

Những ngày sau, tôi liên tục nhận điện thoại hoặc tin nhắn với câu mở đầu tương tự: “Anh biết tin gì chưa? Chị N., anh T., em M... dính rồi”. “Anh biết tin gì chưa? Anh V., anh M. diễn biến nặng, bác sĩ đang cố gắng hết sức…”.

Anh biết tin gì chưa? đã thành một nỗi ám ảnh, như tiếng còi xe cấp cứu đang rền rĩ khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn thời điểm đó.

Ngày 26.7, người dân TP.HCM được yêu cầu không ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau, thành phố chìm vào giấc ngủ dài trong hơn 2 tháng

H.T

***

Gần 2 năm trước, ngày 9.1.2020 (rằm tháng chạp năm Kỷ Hợi), Thư ký tòa soạn kiêm phụ trách Ban Quốc tế Ngô Minh Trí báo cáo nội dung cho số báo ngày mai. Trí nói dự kiến làm bài chính trang nhất về một căn bệnh “lạ” vừa xuất hiện tại Trung Quốc.

Sáng thứ sáu 10.1.2020, Báo Thanh Niên chạy bài chính trang nhất Ứng phó nguy cơ bệnh “lạ” từ Trung Quốc. Không có gì bất ngờ khi bài báo về những người bị ho, sốt và đau họng từ Vũ Hán xa xôi không gây chú ý mấy từ bạn đọc. Trong những ngày giáp tết tất bật, điều mọi người quan tâm hơn là giá thịt heo, cây kiểng cũng như cơn “khủng hoảng” của các quán nhậu vì Nghị định 100. Tuy nhiên chỉ 2 tuần sau, dự cảm của những người làm báo đã thành sự thật khi những thông tin mơ hồ từ đô thị 11 triệu dân của Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng, rồi bùng nổ với tin tức về cuộc phong tỏa đầu tiên. Trận chiến giữa loài người và vi rút SARS-CoV-2 chính thức khai diễn từ ngày ấy và kéo dài cho tới hôm nay.

“Chống dịch như chống giặc”, đó là lời kêu gọi khẩn thiết của chính quyền các cấp trong những ngày đầu Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam. Thế nhưng cho tới thời điểm trước tháng 5.2021, đối với nhiều người mặt trận dường như vẫn nằm đâu đó ở miền biên ải, chiến sự chủ yếu vẫn là tin tức trên báo chí, truyền hình bất kể các tuyến phòng thủ đã được dựng lên trên khắp các phố thị và Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã hứng chịu hậu quả của những đợt công kích đầu tiên.

Rồi rất nhanh, “giặc” ập tới với mãnh lực mà không ai có thể tưởng tượng nổi. Làn sóng thứ tư thật sự là một cơn sóng thần tàn bạo, với mục tiêu hủy diệt đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam.

***

Số F0 tăng từng ngày, cho tới lúc hầu như không có bất kỳ phường xã nào trên địa bàn TP.HCM miễn nhiễm. Ca tử vong tăng từng ngày, cho tới lúc lấn át mọi số liệu dịch tễ, biến sự lo lắng của người dân thành nỗi hoảng sợ.

Ngày 31.5, toàn thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15. Ngày 9.7, bắt đầu Chỉ thị 16. Ngày 26.7, người dân được yêu cầu không ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau, các hoạt động đều ngừng lại trừ cấp cứu và phòng chống dịch. Đến 0 giờ ngày 23.8, tất cả mọi người “ai ở đâu, ở yên đó”...

Tương ứng với từng dấu mốc thời gian siết chặt kiểm soát phòng chống dịch, nhịp điệu của đô thị chậm lại, thưa dần rồi đứt đoạn. Thành phố chìm vào giấc ngủ dài với những mộng mị bất an.

Những người làm báo, với giấy thông hành do công an cấp, vẫn lặng lẽ đi - về để làm nhiệm vụ. Nhiều lần vào nửa đêm, khi chỉ có mình và chiếc xe máy là khối vật thể duy nhất còn chuyển động, có cảm giác thành phố mà tôi đã biết trong hơn 30 năm qua đã biến mất. Vẫn những con đường hàng cây dãy nhà đó, mà sao cứ nghĩ đã lạc vào một chiều khác của không gian... Chúng tôi cứ thế đi qua bóng tối, qua những khu cách ly và bệnh viện dã chiến, qua nỗi buồn trong những ngày tháng đó, cố gắng thắp sáng con đường và trái tim mình bằng một tia hy vọng mong manh.

***

Cùng với chính quyền và người dân toàn TP.HCM, Thanh Niên đã xây dựng hệ thống phòng thủ cùng các kịch bản ứng phó đại dịch từ rất sớm. Ban chỉ đạo phòng chống dịch với Tổng biên tập là người đứng đầu được thành lập, các phòng ban chuyên môn chia làm 2 kíp làm việc, tuân thủ triệt để 5K, áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cơ quan, sản xuất nội dung… Cho tới trung tuần tháng 7, tất cả cán bộ nhân viên đều phải làm việc ở nhà trừ các bộ phận cơ yếu: IT, bảo vệ, in ấn phát hành, Ban Thư ký tòa soạn báo in và tất nhiên là lực lượng phóng viên. Không có bất kỳ ca nhiễm chéo nào xảy ra trong tòa soạn, tuy nhiên số F0 cứ phát sinh khi vi rút SARS-CoV-2 đã len lỏi trong mọi ngóc ngách của thành phố.

Vấn đề nan giải xuất hiện khi kỹ thuật viên trình bày L. trở thành F0. Dù đã được khu biệt với phần còn lại của cơ quan để giảm thiểu chuỗi lây nhiễm, nhưng tất cả thành viên của kíp trực đều trở thành F1 và phải tự cách ly tại nhà. Làm thế nào mà những người ở cách xa nhau hàng cây số có thể thực hiện trọn vẹn quy trình sản xuất báo in từ khâu biên tập, sắp bài, sửa morasse, trình bày, duyệt xuất bản… đến những tranh luận và chỉ đạo thống nhất về nội dung? Ban Thư ký tòa soạn báo in đã đề xuất một giải pháp tuyệt vời để giải quyết nhiệm vụ tưởng như bất khả thi đó dựa vào kỹ thuật điện toán đám mây.

Vậy là toàn bộ tòa soạn làm việc từ xa, vừa bảo đảm hoàn thành công tác nội dung vừa hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người làm công tác in ấn, phát hành, kể cả các đại lý thân thiết của Thanh Niên vẫn phải ngày ngày lăn ra đường đối mặt với hiểm họa. Số ca nhiễm cứ tăng lên rồi một ngày tin dữ ập tới: “Anh biết tin gì chưa? Anh T.O.V, lái xe nhà in, mất rồi…”.

***

Ngày 23.8.2021, Thanh Niên tạm ngưng phát hành báo in. Thư Tổng biên tập viết: “Quyết định tạm ngừng phát hành có thời hạn là giải pháp tình thế chẳng đặng đừng do hoàn cảnh khách quan, chưa từng có trong hơn 35 năm hoạt động của Thanh Niên, chúng tôi hy vọng được đón nhận sự cảm thông sâu sắc của bạn đọc”.

Đó là một quyết định khó khăn sau rất nhiều cân nhắc của Ban Biên tập. Hơn 30 F0, một người đã vĩnh viễn ra đi và những con số đáng buồn này sẽ tiếp tục tăng lên khi đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Ngưng phát hành báo in là đặt sự an toàn của nhân viên lên trên lòng tự tôn của những người làm báo. Cái sự “chẳng đặng đừng” ở đây chính là điều quý giá nhất và không thể nhân danh bất cứ gì để đánh đổi: Sinh mạng con người.

23.8 cũng chính là ngày mà theo công bố của Bộ Y tế, TP.HCM có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất từ đầu dịch đến nay, với thêm 340 người hóa thành tro bụi.

Thanh Niên vẫn còn đó kênh báo điện tử cùng mảng truyền hình đang hoạt động hết công suất, tuy nhiên vẫn không làm vơi đi nỗi hụt hẫng và cảm giác trống rỗng của những người làm công tác tòa soạn. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã không thể nào ngủ được trong khoảng nửa đêm về sáng. Có thể do một thói quen, hoặc do nhịp điệu sinh học đã hình thành từ hàng chục năm qua. Cũng có thể do xáo trộn cảm xúc, một thứ gì đó pha lẫn giữa sự căng thẳng và mất mát. Không hẳn do tờ báo in tạm ngừng phát hành, vì xét cho cùng câu chuyện của chúng tôi chẳng là gì so với những bi kịch đang diễn ra từng giờ trong các bệnh viện dã chiến. Không hẳn vì đồng nghiệp T.O.V đã ra đi, vì anh chỉ là một trong hàng chục ngàn đồng bào đã ngã xuống vì đại dịch Covid-19. Đó là một nỗi đau chung.

Những buổi đêm vắng lặng của thành phố như dài thêm trong suốt 18 ngày dằng dặc đó.

***

Nửa cuối tháng 6.2021, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử chính thức diễn ra tại TP.HCM.

Đó thật sự là một chiến dịch thần tốc vô tiền khoáng hậu với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự tận tâm tận lực của đội ngũ y tế và sự hợp tác của người dân. Đến ngày 30.9, hơn 10 triệu liều vắc xin đã được tiêm, trong đó có 100% người từ 18 tuổi trở lên. SARS-CoV-2 với biến thể Delta vẫn tiếp tục hoành hành, nhưng độc lực của chúng đã bị kháng thể tạo ra từ các mũi vắc xin dần vô hiệu hóa. F0 vẫn còn cao, nhưng điều mà người dân TP.HCM chờ đợi nhất đã diễn ra: Số ca tử vong đã thật sự giảm sâu, xuống còn 2 con số.

Trước đó, vào cuối tháng 8, hầu như tất cả cán bộ nhân viên Thanh Niên tại TP.HCM đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Ngày 10.9, báo in Thanh Niên chính thức trở lại với một diện mạo hoàn toàn mới.

Ngày 1.10, toàn bộ rào chắn trên các con đường bị gỡ bỏ. Người dân bỡ ngỡ bước ra khỏi nhà trong những ngày đầu rồi rất nhanh, nhịp sống đã trở lại bình thường.

Cơn sóng thần quét qua đã để lại bao nhiêu tang tóc. Nỗi đau mất đồng nghiệp, bạn bè, người thân vẫn còn đó, nhưng những cảm xúc tiêu cực đã nhường chỗ cho niềm hạnh phúc được hít thở bầu khí trời giữa những góc phố tấp nập người xe. Ký ức về những người đã ra đi sẽ được lưu giữ trong một góc riêng trang trọng, để không bao giờ lãng quên.

Những người làm báo tiếp tục hành trình của mình, không phải trong đêm đen mà dưới ánh mặt trời chói lọi của phương nam. Qua một cuộc bể dâu, chưa bao giờ khao khát được sống, sẻ chia, mở rộng tấm lòng và vòng tay với cuộc đời lại trở nên thôi thúc như vậy. Như tất cả người dân của thành phố yêu thương này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.