Đi qua miền đau thương

29/01/2022 13:47 GMT+7

Cũng như hàng ngàn mái ấm giờ đây vắng bóng mẹ cha, 4 cháu nhỏ ở H.Củ Chi, TP.HCM cùng chịu chung định mệnh nghiệt ngã ấy, khi đại dịch Covid-19 cướp đi người cha thân yêu nhất của mình.

Xót xa bữa cơm đứt gãy

Sớm ngày 2.10.2021, TP.HCM vừa nới lỏng giãn cách sau 4 tháng, chúng tôi vội vàng đến thăm 4 cháu mồ côi đang tạm trú trong căn nhà cấp 4 ở ấp 6, xã Bình Mỹ, H.Củ Chi. Đó là hoàn cảnh khá đặc biệt của 4 anh chị em C.H.L (sinh năm 2005), C.Q.A (2006), C.Q.N (2007) và C.H.L (2008), khi cha vừa mất do dịch Covid-19 tại Bệnh viện Thủ Đức, không nhìn được mặt các con lần cuối, còn mẹ và ông ngoại qua đời trong một vụ tai nạn giao thông 12 năm trước. Giờ đây, các cháu sống nhờ vào sự bảo bọc của bà ngoại (nhận hàng may gia công) và người dì ruột (làm công nhân một công ty thực phẩm). Cuộc sống thường nhật đã thiếu thốn đủ bề, nay dịch ập đến cả nhà chao đảo. Trước đó mấy hôm, chị Trần Thị Kim Yến, dì ruột các cháu, đã gọi điện thoại cầu cứu chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên nhờ giúp đỡ. Chị cho biết cả gia đình đang thiếu hụt từng bữa ăn, có hôm các cháu phải xin khoai mì của hàng xóm để lót dạ. Đã vậy, các cháu đang học trực tuyến, nhưng chỉ có một cái điện thoại cũ của cha để lại, cháu này học cháu kia phải chờ. Số tiền ít ỏi gia đình dành dụm lâu nay cũng đã hết sạch…

Tác giả thăm hỏi, động viên em C.Q.A (lớp 10) ở xã Bình Mỹ, H.Củ Chi đang ngồi học với chiếc điện thoại cũ của cha em để lại

TRẦN THANH BÌNH

Khi đó, chúng tôi đã hình dung đến một thảm cảnh, gia đình của chị đang chơi vơi bên bờ vực thẳm và chẳng bao lâu nữa các cháu sẽ phải nghỉ học, cuộc đời rồi sẽ về đâu?

Ấm áp những vòng tay

Trước khi đến thăm các cháu và gia đình, nhà báo Trần Thanh Bình, một trong những người thực hiện chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, đã kết nối các đồng nghiệp của cơ quan, liên hệ với chuỗi bán lẻ Di Động Việt nhờ hỗ trợ 2 máy tính mới, cài đặt sẵn các chương trình để học ngay, tránh đứt đoạn kiến thức và được đơn vị này vui vẻ tiếp nhận; đồng thời đề xuất Ban Biên tập chi 5 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ gia đình.

Buổi gặp gỡ của chúng tôi và gia đình rất xúc động, đong đầy nước mắt, khi chúng tôi mạn phép thắp nén nhang cho những người quá cố và chia sẻ những buồn đau, thiếu hụt mà các cháu cùng gia đình phải gánh chịu. Các cháu cũng bối rối vì không ngờ đang dịch giã phức tạp nhưng chúng tôi đã có mặt kịp thời, mang theo máy tính để tặng. Bà Trần Thị Thúy Hồng, bà ngoại của các cháu, nhận phần quà trên tay, đã thổn thức: “Các cháu còn nhỏ quá mà mất cả cha mẹ, nay dịch bệnh phải nhịn bữa thật đau lòng, tôi thấy mình có lỗi!”.

Những ngày sau đó, hoàn cảnh của các cháu và gia đình đã được bạn đọc sẻ chia, giúp đỡ thông qua bài viết Mồ côi cha mẹ, 4 học sinh chơi vơi trên Thanh Niên ngày 4.10.2021. Đại diện trong nhóm bác sĩ một bệnh viện nhi đồng tại TP.HCM tranh thủ lúc tan ca trực đã vượt hơn 20 km tới thăm, động viên, tặng gia đình cùng các cháu ít quà và tiền mặt. Từ Hà Nội, một bạn đọc cũng hỏi thăm và chuyển khoản 2 triệu đồng hỗ trợ các cháu. Đặc biệt, một nữ bạn đọc cao tuổi ngụ Q.12, TP.HCM, đã liên lạc với chương trình, ngỏ ý muốn đón nhận cháu C.Q.A làm cháu nuôi. Cháu C.Q.A hiện là lớp trưởng lớp 10, Trường cao đẳng Viễn Đông, ngành điều dưỡng (hệ đào tạo 9+3+1 đối với học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở). Rất tiếc, vì một số lý do, duyên hội ngộ này chưa có kết quả, nhưng chúng tôi vẫn tin đến một ngày, hai bà cháu cũng sẽ đến được với nhau…

Có thể nói, đó là mục tiêu, tâm niệm, khát vọng đồng thời là trăn trở chung của chúng tôi, của nhiều bạn đọc khi thực hiện chương trình, không chỉ dành riêng với 4 cháu nói trên, mà cho cả hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con trẻ bất hạnh khác phải gánh chịu đau thương của đại dịch Covid-19 diễn ra tàn khốc trên mảnh đất Việt Nam thân yêu!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.