Đi làm không tốn xăng nhờ metaverse

19/03/2022 13:46 GMT+7

Giá xăng tăng cao là một trong những vấn đề được bàn tán sôi nổi gần đây. Nhưng có một cách giúp bạn đến cơ quan mà không cần phải ra đường, đó là làm việc trên metaverse.

Dịch bệnh Covid-19, chi phí xăng xe, xung đột chính trị, khoảng cách địa lý ... là những lý do khiến ngày càng nhiều người ngại ra đường và chuyển sang hình thức làm việc từ xa. Nhưng khi các phần mềm gọi video như Zoom không đủ mang lại tương tác chân thật giữa người với người, công nghệ thực tế ảo (VR) và metaverse bắt đầu phát huy tác dụng của chúng.

Một ví dụ về phòng họp ảo

chụp màn hình

Nhờ khả năng tăng cường tính chân thực của trải nghiệm, VR là một trong những công nghệ chủ chốt đối với tham vọng xây dựng metaverse của nhiều công ty lớn. Suneet Dua - giám đốc tăng trưởng sản phẩm và công nghệ của PwC tin rằng trong vòng 3 - 5 năm tới, chúng ta sẽ dành phần lớn thời gian để làm việc và giao dịch trong metaverse (đa vũ trụ ảo). Khi đó, những chiếc kính thực tế ảo cồng kềnh sẽ được thiết kế gọn nhẹ hơn, sao cho không làm vướng bận người đeo.

Theo Quartz, hiện nay đã có nhiều công ty đưa xây dựng văn phòng làm việc ảo, cũng như tạo ra một không gian đào tạo nhân viên trên metaverse.

Metaverse không phải thế giới ảo duy nhất mà là một vũ trụ tập hợp các thực tế ảo được trải nghiệm qua kính VR, quan trọng là các thế giới này phải kết nối với nhau để đem đến cho người dùng trải nghiệm liền mạch. Các chuyên gia dự đoán rằng metaverse sẽ trở thành internet thế hệ kế tiếp, cho phép chúng ta giao lưu, mua sắm, gặp gỡ bạn bè hay làm việc...

Giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhân viên tại Environments, một công ty công nghệ ở Mỹ , đưa ra ý tưởng xây dựng bản sao 3D của trụ sở công ty trên nền tảng game Unity. Nhờ đó, mọi người có thể gặp mặt nhau trên không gian ảo, tương tác thông qua avatar (nhân vật đại diện) trong khi vẫn đang ở nhà.

Các nhân viên sẽ tương tác với nhau thông qua avatar

meta

Phần lớn nhân viên của Environments không sử dụng kính VR mà chủ yếu dùng chuột điều khiển avatar trên màn hình. Khi muốn nói chuyện với người nào đó, họ di chuyển avatar đến gần đối tượng để bắt chuyện.

Công nghệ spatial audio (audio không gian) cho phép bạn nghe thấy giọng nói của người khác phát ra từ avatar họ, giọng nói sẽ nhỏ dần khi avatar di chuyển ngày càng xa bạn. Đây là yếu tố khiến mọi người cảm thấy tương tác trên metaverse chân thực hơn nhiều so với trò chuyện video.

Các cuộc họp từ xa sẽ thêm phần sinh động nhờ ứng dụng hỗ trợ họp VR, giúp người thuyết trình có thể viết ra ý tưởng trên bảng trắng hay viết vào... không trung. Ứng dụng Workrooms của Meta còn có tính năng Passthrough cho phép người dùng vừa hiện diện trong thế giới ảo, vừa có thể nhìn vào căn phòng của mình mà không cần tháo kính VR.

Công nghệ VR và metaverse mở ra triển vọng làm việc xuyên biên giới

META

Trong tương lai, nhân viên của Environments hy vọng có thể tương tác với nhau thông qua hình ảnh hologram, ảnh chiếu ba chiều để tiếp cận văn phòng ảo từ mọi nơi.

Chưa dừng lại ở đó, một số công ty còn xây dựng không gian ảo dành riêng cho việc đào tạo nhân viên mới. Wong, chuyên gia đến từ hãng dịch vụ kiểm toán Ernst & Young cho biết nhân viên sẽ được tương tác với khách hàng ảo và xử lý tình huống một cách an toàn. Với công nghệ xúc giác (haptic technology), nhân viên học việc có thể chạm vào các vật thể số, đi lại vòng quanh để làm quen với không gian văn phòng.

Nghiên cứu của Ernst & Young cho thấy việc đào tạo bằng VR đem lại hiệu quả cao hơn so với hình thức xem video và trả lời câu hỏi trong những khóa huấn luyện thông thường.

Suneet Dua của công ty PwC cũng đang phát triển nội dung cho chương trình đào tạo nhân sự bằng VR. Người này dự đoán hình thức học tập và đào tạo trên metaverse rồi sẽ làm thay đổi cách tiếp cận giáo dục đại học và giảm giá trị bằng cấp học thuật, vì khi đó bất cứ ai trên thế giới đều có cơ hội tham gia các khóa học, nâng cao kỹ năng để giành lấy những công việc trả lương cao nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.