Đi du lịch, làm thiện nguyện… trước khi thi tốt nghiệp THPT

05/07/2022 16:34 GMT+7

Không đặt nặng điểm số hoặc để tâm lý thoải mái, nhiều thí sinh chọn vui chơi xa nhà, tham gia thiện nguyện... trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Duy Khang vừa có chuyến đi du lịch Mũi Né cùng gia đình và không đặt nặng việc thi điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

NVCC

Vừa học vừa chơi vì “chắc suất”

Nguyễn Phúc Duy Khang (học sinh lớp 12A10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) trở về TP.HCM vào ngày 19.6 sau chuyến du lịch hai ngày đến Mũi Né (Phan Thiết) cùng gia đình. Đặt nguyện vọng ngành Sản xuất phim kỹ thuật số tại Trường ĐH RMIT (TP.HCM), Khang cho biết chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp, “không lo mấy về kỳ thi sắp tới”.

“Với kiến thức nền hiện có, em tự tin tốt nghiệp và không muốn đặt áp lực lên bản thân. Thử thách nhất với em lúc này là đáp ứng IELTS 6,5, tất cả kỹ năng trên 6,0 mà nhà trường yêu cầu. Vì chỉ bắt đầu ôn luyện nửa năm nên hành trình này tương đối khó khăn”, nam sinh nói.

Theo Khang, khoảng 50 - 60% thành viên trong lớp của nam sinh này chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ, đánh giá năng lực hoặc du học nên khá thoải mái vì chỉ cần tốt nghiệp THPT. “Dù vậy, một số bạn vẫn tập trung ôn luyện để có cơ hội vào trường tốt hơn”, nam sinh chia sẻ.

Học cùng trường và cũng “chắc suất” như Khang, Nguyễn Nhật Nam (lớp 12A5) đã "trúng tuyển sớm" vào ngành Thương mại điện tử chất lượng cao bằng tiếng Anh của Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) hôm 30.6 bằng phương thức đánh giá năng lực với số điểm 821, suýt soát điểm chuẩn.

“Nhận tin báo trước khi thi tốt nghiệp THPT, em rất vui và hạnh phúc. Hiện em chỉ muốn lấy đủ điểm tốt nghiệp THPT dù trước đó cũng bỏ ra nhiều công sức ôn luyện”, nam sinh này kể và cho hay những ngày cận kề thi, em thường đi đá bóng cùng bạn bè vào buổi sáng, sau đó về nhà giải đề.

Từ khi kỳ thi đánh giá năng lực trở nên phổ biến, Nam nhận định cả em và các bạn cùng lớp càng có thêm nhiều cơ hội, giúp giảm bớt áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Khoảng hơn 70% bạn cùng lớp em đã ‘hạ cánh’ an toàn vào các trường ĐH và mọi người đều có chung mục tiêu tốt nghiệp như em”, nam sinh nói.

Tìm cách giữ tâm lý thoải mái

Thời điểm hè về, bên cạnh thi cử, các chiến dịch tình nguyện như Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ... cũng thu hút đông đảo người học. Đăng ký tham gia Hoa phượng đỏ ở vị trí tuyên giáo, Nguyễn Thị Ngọc Trinh (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) thú nhận các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa giúp em thoải mái, bớt căng thẳng hơn trước kỳ thi.

Vì trùng lịch học, nữ sinh hiện không có mặt trực tiếp tại các điểm sinh hoạt mà chỉ hỗ trợ duyệt, chỉnh sửa bài đăng trên mạng xã hội. “Nội dung hầu hết xoay quanh những hoạt động tình nguyện trong tuần của chiến sĩ, cũng như các câu chuyện tốt, tin hay trong ngày, trong tuần, trong tháng”, Trinh nói.

Với thành tích học tập và ngoại khóa nổi bật, Ngọc Trinh trong màu áo Hoa phượng đỏ vừa được kết nạp Đảng vào ngày 9.6

NVCC

Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh mong sớm hòa chung màu áo Hoa phượng đỏ để tham gia những hoạt động trực tiếp với các bạn trong một tháng hè còn lại, đồng thời phối hợp cùng thầy cô tổ chức đêm nhạc gây quỹ từ thiện của trường mang tên Tuổi Hồng.

Trong những ngày nước rút, Phạm Phú Phước (học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM) chọn đi xem phim cùng bạn bè và tham gia nhiều hoạt động giải trí khác như đọc truyện, chơi game... thay vì dành toàn bộ thời gian “vùi đầu” học tập như trước đó.

“Em nghĩ rằng thời điểm này càng ôn thì càng lo lắng và càng dễ quên nên quyết định ‘bật công tắc’ nghỉ ngơi cho mình. Kết quả thi sẽ phản ánh nỗ lực qua 3 năm học tập chứ không chỉ ở những ngày cuối cùng nên không cần đánh đổi sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân”, Phước nói, đồng thời cho biết thêm em đặt nguyện vọng vào khối ngành kinh tế của trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.