Xây dựng thương hiệu quê hương với biểu tượng sen hồng, Đồng Tháp không chỉ đưa hình ảnh loài hoa đặc biệt của Việt Nam “từ đầm lên phố”, mà còn kèm theo nhiều giải pháp quảng bá, khai thác sáng tạo thành hàng trăm món ẩm thực độc đáo khiến ai dừng chân cũng ngỡ ngàng.

Trải dài từ Bắc xuống Nam, nơi đâu trên đất nước cũng có thể bắt gặp hình ảnh nhưng đóa hoa sen tỏa vẻ đẹp thuần khiết, vươn lên từ bùn lầy. Nhưng nếu muốn cảm nhận rõ hơn giá trị của loài “quốc hoa”, thì vùng đất đáng để dừng chân là Đồng Tháp, nơi mệnh danh là “thủ phủ sen hồng” của miền Tây.

Được xem là nơi “khuất nẻo” nhưng thiên nhiên đã dành cho Đồng Tháp một địa hình khá đặc biệt, sen có thể sống tươi tốt và trổ hoa quanh năm. Hầu như huyện thị nào của Đồng Tháp cũng có trồng sen, từ những địa phương nằm cạnh sông Tiền như Lấp Vò, Thanh Bình, Tam Nông cho đến những vùng giáp biên như Tân Hồng, Hồng Ngự. Nổi bật nhất là H.Tháp Mười với diện tích trồng sen lớn nhất tỉnh. Vì vậy, khi nói về đặc trưng của quê hương Đồng Tháp, người dân thường ngâm nga câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” là thế.

“Bốn bề đều là sen, quang cảnh rất thanh bình, mát mẻ, chụp ảnh check-in đến mỏi tay. Đến đây chỉ muốn mở thật căng lồng ngực để hít thở bầu không khí trong lành, để tận hưởng cảm xúc được hòa mình với thiên nhiên. Thời điểm ấn tượng nhất là ngắm sen buổi chiều, hoàng hôn bàng bạc buông xuống đồng sen một màu hồng rực rỡ, cảnh quê bình dị nhưng cũng rất lãng mạn”, chị Trang chia sẻ.

Cây sen không chỉ góp phần tô thắm cho quê hương Đồng Tháp về mặt biểu trưng, hình ảnh mà còn có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và giúp nhiều nông dân thoát nghèo. Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có khoảng gần 900 ha diện tích trồng sen. Đa phần mô hình trồng sen đều đang kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm. Hướng đi chuyên canh, luân canh kết hợp du lịch sen đã tạo ra việc làm ổn định cho người dân, mỗi năm tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha do chi phí đầu tư thêm không đáng kể.

Trong đó, với diện tích gần 250 ha trồng sen, H.Tháp Mười có tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế du lịch sen hơn cả. Nhờ khai thác thêm yếu tố văn hóa truyền thống thời khẩn hoang và tâm linh, huyện này đang từng bước xây dựng thành công hình ảnh “Vương quốc sen và văn hóa tâm linh”, thu hút nhiều lượt khách đến tham quan hàng năm. Lão nông Nguyễn Thanh Tùng (64 tuổi, H.Tháp Mười) phấn khởi cười khà khà cho biết cây sen rất “được việc”. Cây sen ngoài bán gương, ngó thì còn có thể khai thác tinh dầu, kéo tơ… để kiếm thêm thu nhập. Nhờ cây sen mà 2 đứa con ông có điều kiện vào đại học, không chỉ cất được nhà cao cửa rộng mà còn có của ăn của để. Bởi vậy, dẫu trồng sen có những lo lắng, bộn bề nhất định nhưng ông Tùng cũng như nhiều bà con ở H.Tháp Mười chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ sen để trồng loại cây nào khác.

Người dân Đồng Tháp rất quyết tâm nâng cao giá trị của sen, để qua đó giữ gìn và phát huy thương hiệu vẻ đẹp của quê hương, xứ sở. Từ cây sen, người dân đã “hô biến” ra khoảng 200 loại món ăn, thức uống độc đáo như: sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen, gạo lứt hạt sen, rượu hồng sen tửu… Trong đó có nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Chất liệu sen còn xuất hiện trong lĩnh vực nghệ thuật, với đa dạng thể loại: tranh sen, tơ sen, áo dài sen…

Chị Lưu Thị Mỹ (32 tuổi, ngụ TP.HCM) khi đến Đồng Tháp thốt lên: “Đến Đồng Tháp chỉ muốn ở lại lâu hơn để thưởng thức cho hết hàng trăm món ăn và thức uống từ sen, vì sản phẩm nào cũng thơm ngon, hấp dẫn. Đặc biệt, du lịch Đất sen hồng là khỏi bận tâm suy nghĩ mua món quà nào tặng người thân, bởi những món quà từ sen thì ai cũng yêu thích”.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND Đồng Tháp, cây sen trong tâm thức người Việt là một loài hoa cao quý, tượng trưng cho tinh thần, cốt cách người Việt Nam. Với đặc tính thích nghi trong môi trường khắc nghiệt, Sen còn tượng trưng cho một phần phẩm chất của người Đồng Tháp: nỗ lực vươn lên từ gian khó. Vì vậy, Đồng Tháp tự hào là xứ sở của hoa sen, nên đã chọn loài hoa này làm hình ảnh đặc trưng của tỉnh. Chính quyền và nhân dân cùng quyết tâm tạo dựng thương hiệu “Đồng Tháp - Đất Sen hồng” để cả nước biết đến.

Hiện UBND tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện đề án “Tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp”, với nhiều chiến lược xây dựng hình ảnh “Đất sen hồng” tổng thể và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Từ đây, biểu tượng linh vật “Bé sen” được đưa vào hệ thống nhận diện hình ảnh của tỉnh. “Bé sen” được thiết kế nhân hóa dựa trên trên hình mẫu hoa sen với 3 màu chủ đạo xanh, hồng, vàng. Biểu cảm vui nhộn, năng động của “Bé Sen” đại diện cho sự thân thiện, mến khách của người dân.

Năm 2017, Đồng Tháp tự hào là địa phương duy nhất trong cả nước có bộ sticker “Bé Sen” xuất hiện trên mạng xã hội với ứng dụng chat của Zalo. Hình ảnh “Bé Sen” ngộ nghĩnh, đáng yêu được thế giới biết đến, lan tỏa thương hiệu “Đất sen hồng” đi khắp nơi. Nhìn lại tiềm năng của cây sen, Đồng Tháp đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc phát triển cây sen gắn với văn hóa, du lịch. Nếu trước kia, sen chỉ có mặt ở những vùng đầm lầy, những cánh đồng hoang thì bây giờ sen đã hiện diện cả trên phố thị, những cổng chào, con đường, biển chỉ dẫn, lan tỏa vào trụ sở cơ quan, trường học… Năm 2022, Đồng Tháp lần đầu tổ chức lễ hội Sen, nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa - kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ sen. Với tình yêu dành cho hoa sen, tỉnh còn đang xây dựng bảo tàng sen với diện tích rộng 10 ha tại H.Tháp Mười.

Chủ tịch UBND Đồng Tháp nhận định, việc xây dựng hình ảnh “Đất sen hồng những năm qua đã góp phần giúp Đồng Tháp từ một địa phương thuần nông, “khuất nẻo” trở thành điểm sáng của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền thân thiện, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đặc biệt đã tạo nhưng ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất thuần khiết, với những con người nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Từ triển vọng đó, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 sẽ đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung theo chuỗi giá trị với tổng diện tích ước đạt 1.400 ha, phát triển thêm 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh.

Theo TS.Phạm Minh Nhựt, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhắc đến sen nói chung và hoa sen nói riêng người ta sẽ nghĩ ngay đến Đồng Tháp, nơi được xem là thủ phủ của cây sen. Là vùng Đồng Tháp Mười ngập nước quanh năm, ở đây hoa sen vươn mình phát triển, tạo ra vẻ đẹp riêng biệt. Sen có ở khắp nơi từ các dòng kênh nhỏ, đến các ao hồ, trong vườn nhà và cả trong các chậu cảnh. Vì thế hoa sen Đồng Tháp có những đặc điểm riêng, cũng giống như nét phóng khoáng của con người nơi này. Hoa sen mọc nhiều các nước Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á. Nhiều nền văn minh lớn xem hoa sen là biểu tượng cho các tín ngưỡng tôn giáo, gắn liền với thần, phật và sự hạnh phúc. Sen cũng là cây bản địa ở Việt Nam, cây sen sống được khắp mọi miền đất nước. Hoa sen thường nhìn thấy trong các đền, chùa, các khu di tích lịch sử, các khu tham quan giải trí, nhưng nhiều nhất là tại vùng Đồng Tháp Mười thuộc các tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang. Tuy nhiên, thường khi nhắc đến thì hoa sen sẽ gắn liền với Đồng Tháp.

Theo TS.Phạm Minh Nhựt, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhắc đến sen nói chung và hoa sen nói riêng người ta sẽ nghĩ ngay đến Đồng Tháp, nơi được xem là thủ phủ của cây sen. Là vùng Đồng Tháp Mười ngập nước quanh năm, ở đây hoa sen vươn mình phát triển, tạo ra vẻ đẹp riêng biệt. Sen có ở khắp nơi từ các dòng kênh nhỏ, đến các ao hồ, trong vườn nhà và cả trong các chậu cảnh. Vì thế hoa sen Đồng Tháp có những đặc điểm riêng, cũng giống như nét phóng khoáng của con người nơi này. Hoa sen mọc nhiều các nước Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á. Nhiều nền văn minh lớn xem hoa sen là biểu tượng cho các tín ngưỡng tôn giáo, gắn liền với thần, phật và sự hạnh phúc. Sen cũng là cây bản địa ở Việt Nam, cây sen sống được khắp mọi miền đất nước. Hoa sen thường nhìn thấy trong các đền, chùa, các khu di tích lịch sử, các khu tham quan giải trí, nhưng nhiều nhất là tại vùng Đồng Tháp Mười thuộc các tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang. Tuy nhiên, thường khi nhắc đến thì hoa sen sẽ gắn liền với Đồng Tháp.

Báo Thanh Niên
17.11.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.