TNO

Đi chân trần lên thảm thủy tinh: Đừng gieo vào trẻ 'ảo tưởng sức mạnh'

25/08/2015 13:06 GMT+7

( iHay ) Cảm xúc của những đứa trẻ khi bước qua đống mảnh chai một cách an toàn sẽ dễ rơi vào “thần thánh hóa” bản thân...

(iHay) Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện mẩu chuyện cô giáo cho học sinh tiểu học đi qua thảm rải dày đặc các mảnh thủy tinh để thách thức nỗi sợ, rèn luyện lòng dũng cảm. Điều đáng nói không phải mẩu chuyện chỉ nằm trong trang sách mà nó đã được một trường THCS ở Hà Nội đem ra 'tập huấn' cho học sinh mình.

Đi chân trần lên thảm thủy tinh: Đừng gieo vào trẻ 'ảo tưởng sức mạnh' - ảnh 1Câu chuyện cô giáo cho trẻ đi trên thảm thủy tinh gây tranh cãi trong cuốn sách
Cứ bước qua thảm thủy tinh là dũng cảm?
Tôi còn nhớ ngày xưa khi học văn, ở phần nghị luận xã hội, cô giáo luôn nhắc chúng tôi bàn luận để mở rộng vấn đề. Trong các ví dụ của cô, tôi nhớ một điển hình về ranh giới mong manh giữa dũng cảm và liều mạng. Cô lấy ví dụ bằng việc đặt câu hỏi nếu chúng tôi thấy một người đang đuối nước, chúng tôi sẽ cứu hay không cứu người đó.
Cả đám học trò ban đầu tin chắc dũng cảm là việc xả thân cứu người nên dù là đứa biết hay không biết bơi cũng đồng loạt giơ tay chọn cứu. Nhưng sau khi cô giải thích tường tận về việc cần suy xét mức độ nguy hiểm của việc lao đầu xuống nước cứu người trong khi khả năng của mình có giới hạn, nhất là chưa được học kỹ năng thì cánh tay nhân danh anh hùng của chúng tôi phút chốc hóa thành sự rồ dại, ngớ ngẩn.
Quay trở lại chuyện cho học sinh tiểu học rèn luyện sự dũng cảm bằng cách động viên, khuyến khích các em đi qua thảm thủy tinh. Tôi chấp nhận việc thảm thủy tinh mà các em bước chân trần lên đảm bảo đủ độ an toàn và hoàn toàn không gây nguy hiểm nhưng tôi băn khoăn có thực đó là cách tốt để dạy trẻ về lòng dũng cảm?
Để nung rèn một bản tính, cái con người cần là quá trình chứ không phải một hiện tượng. Việc trẻ đi qua thảm lát đầy mảnh chai có thể được xem là sự dũng cảm trong một hiện tượng, nhưng về lâu về dài thì nó không mang ý nghĩa rèn luyện sự dũng cảm thấm sâu trong tính cách con người.
Vì dạy sự dũng cảm cho trẻ, nhất là ở độ tuổi cấp 1 là dạy về sự dũng cảm trong thực tế chứ không phải trên lý thuyết vô giá trị. Mà đã gọi là thực tế thì việc người lớn bày ra một thảm thủy tinh được chọn lọc kĩ càng từ những mảnh chai có kích thước lớn, được dán băng dính cẩn thận những góc cạnh sắc nhọn đâu còn là thực tế. Nếu thực tế, chỉ cần giẫm nhẹ một mảnh chai vỡ cũng đủ để máu văng tung tóe. Suy xét ở điểm này, việc trẻ đi qua thủy tinh khi được giáo viên khuyến khích là đang đâm đầu vào nguy hiểm chứ chẳng phải sự can đảm hay gan dạ gì.
Hãy tưởng tượng bạn là đứa trẻ lớp một, đứng trước một thảm đầy mảnh thủy tinh và lời thúc giục, kêu gọi của giáo viên, bạn sẽ chọn điều gì? Tôi nghĩ, việc một em nhỏ ban đầu rưng rưng rồi quyết tâm đi qua thảm thủy tinh nguy hiểm ấy không phải là chiến thắng nỗi sợ hãi mà là chọn nỗi sợ nhỏ hơn. Có thể, đứa trẻ sợ người lớn, ở đây là cô giáo hơn cả việc đi qua mảnh thủy tinh nên chúng “nhắm mắt đưa chân” bước đại.
Như vậy, việc cho rằng trẻ sẽ trở nên dũng cảm khi dám bước qua thảm thủy tinh dày và sắc nhọn đó là sự thử thách không cần thiết, nhất là những đứa trẻ tiểu học khi sự nhận thức về khả năng của mình còn hạn chế.
Đừng tạo một thế hệ “ảo tưởng sức mạnh”
“Ảo tưởng sức mạnh” là cụm từ được dùng khá thông dụng ám chỉ những người thổi phồng khả năng của mình. Cảm xúc của những đứa trẻ ở bậc tiểu học khi bước qua đống mảnh chai một cách an toàn sẽ dễ rơi vào “thần thánh hóa” bản thân, ngỡ mình là siêu nhân trong những bộ phim giả tưởng.
Thực tế ở nước ngoài, đây là một dạng bài tập cho người lớn để chiến thắng nỗi sợ hãi. Vì vậy, nó không hoàn toàn phù hợp cho trẻ em khi chúng chưa hoàn toàn ý thức được sự nguy hiểm xung quanh mình. Hãy nhớ lại những chương trình như “Chuyện lạ Việt Nam”, “Đi tìm người bí ẩn”, bên dưới mỗi màn biểu diễn lúc nào cũng kèm theo dòng cảnh báo: Quý khán giả xem chương trình không nên thử những pha mạo hiểm tại nhà.
Người lớn có đầy đủ khả năng nhận thức được chuyện gì có thể xảy ra nên có sự trang bị kĩ lưỡng vật dụng bảo hộ, còn trẻ em thì không. Người lớn đủ hiểu thực tế để biết các siêu anh hùng không tồn tại, cũng như hiểu rằng những chương trình mạo hiểm trên tivi hay YouTube là không nên thử, còn trẻ em thì không.
Dạy dũng cảm, sao không dạy cho trẻ biết nhận thức nguy hiểm? Cũng cái thảm thủy tinh đó, thay vì cổ vũ trẻ đi qua, hãy dạy cho chúng suy xét có nên đi qua hay không. Rồi khắc vào trí não đứa trẻ rằng dũng cảm là không mang bản thân mình vào những điều vô nghĩa mà cần tìm ra hướng giải pháp hợp lý khi đối đầu với hiểm nguy.
Dạy can đảm sao không chỉ cho con biết thành thực, thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình, dám nhận - sửa lỗi mà không biện giải một điều gì và luôn bảo vệ niềm tin của mình trước những khắc nghiệt của cuộc sống.
Xin hãy dạy sự can đảm từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chỉ cần những đứa trẻ lớp 1 biết dũng cảm nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi đã là thành công của “kỹ năng sống” rồi, không cần đi qua thảm thủy tinh để chứng tỏ điều gì hơn nữa đâu!

Bùi Thư

>> Ba mẹ ơi: Lưu ý khi làm phòng cho trẻ
>> Tư thế ngủ của vợ chồng tiết lộ mức độ hạnh phúc
>> Ba mẹ ơi: Làm gì khi con gái đến tuổi dậy thì?
>> Clip mẹ dùng chổi đánh con gái tới tấp khiến dân mạng rùng mình
>> Ba mẹ ơi: Cần lưu ý với trẻ kén ăn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.