Đến với những mái trường bị thiệt hại sau lũ

Đoàn công tác của Công ty CP Thép Nam Kim và Báo Thanh Niên đã tìm đến những mái trường vùng lũ , tặng những khoản kinh phí giúp tái thiết cơ sở vật chất, để thầy cô và các em học sinh lại có thể lên lớp...

Về đồng bằng...

Từ ngày 4 - 6.11, từ miền Nam, đoàn công tác xã hội của Công ty CP Thép Nam Kim (Tôn Nam Kim, Bình Dương) và Báo Thanh Niên đã di chuyển về miền Trung để phối hợp với các phóng viên thường trú của Thanh Niên tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tổ chức hoạt động cứu trợ. Đối tượng mà đoàn hướng tới để trợ lực sau lũ dữ là những trường học, học sinh, thầy cô và một số gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn ở các địa phương.
Chiều 4.11, với sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, đoàn đã trao 2 phần quà trị giá 150 triệu đồng tiền mặt, mỗi phần 75 triệu đồng cho Trường tiểu học - THCS Phan Đình Giót (thuộc xã Cẩm Quan, H.Cẩm Xuyên) và Trường mầm non Thạch Lưu (xã Thạch Lưu, H.Thạch Hà). Đây là 2 ngôi trường nằm ở vùng trũng, bị ngập nặng nên thiệt hại rất lớn trong đợt lũ lụt xảy ra từ ngày 19 - 21.10. Cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Phan Đình Giót, cho biết mưa lớn và hồ Kẻ Gỗ xả lũ khiến 23 phòng học ở tầng 1 bị ngập sâu hơn 1m. Khoảng 80% học sinh của trường đều có nhà bị ngập sâu. “Hầu hết các bàn học sinh được làm bằng gỗ ép ngập trong nước lũ lâu ngày nên bị hư hỏng. Một số máy móc, thiết bị dạy học ở tầng 1 cũng không thể sử dụng được nữa”, cô Thúy nói.
Tiếp tục di chuyển vào Quảng Bình, đoàn đã đến trao 2 phần tiền (trị giá 75 triệu đồng/phần) cho Trường tiểu học số 2 Phong Thủy và Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (H.Lệ Thủy). Trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, Quảng Bình thiệt hại nặng nề, nhưng H.Lệ Thủy là... rốn lũ, vì thế các trường học tại huyện vùng trũng này tan hoang... Thầy Nguyễn Hải Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Phong Thủy, cho biết: “Trường chúng tôi nằm ở địa bàn thấp trũng, nước dâng lên 2,5m, nhấn chìm tất cả. Trong đó, bàn ghế hư hỏng, màn hình ti vi dạy học treo cao vẫn bị ướt, nhà xe bị đổ, cửa tầng 1 hầu hết bị đánh tan. Dù thế, chúng tôi vẫn phải cố dọn dẹp, sửa sang tạm để đón học trò đến lớp sau 3 tuần nghỉ học”.

Lên miền núi...

Trong ngày cuối hành trình thiện nguyện của Tôn Nam Kim, những người làm Báo Thanh Niên đã đưa đoàn lên với huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Sau 70km từ TP.Đông Hà, đoàn đã đến được với điểm trường Pa Nho (thuộc Trường tiểu học số 1 TT.Khe Sanh). Khung cảnh tại điểm trường đã làm nhiều người trong đoàn không khỏi ngỡ ngàng.
Thầy Lê Văn Quảng, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 TT.Khe Sanh, cho biết điểm trường Pa Nho được xây dựng cách đây 15 năm, hiện có 4 giáo viên dạy dỗ cho 64 em học sinh từ lớp 1 - 3. “Trong cơn lũ lớn, điểm trường bị nhấn chìm, hàng rào đổ, mái tôn bay, cửa sổ, cửa chính đều rơi ra ngoài, bùn đất vùi lấp bàn ghế, sách vở và các dụng cụ dạy học”, thầy Quảng cho biết.
Trò chuyện với những em thơ và thầy cô giáo đang đứng ở điểm trường tan hoang, sau khi trao hỗ trợ 70 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Bích Nhi, Chủ tịch Công đoàn Tôn Nam Kim, cho biết: “Toàn bộ kinh phí 480 triệu đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung là sự đóng góp tự nguyện của hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên công ty. Chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc hỗ trợ các trường học để góp phần chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Chính vì thế, hôm nay trao gửi món tiền nhỏ, mong sẽ đóng góp được phần nào trong quá trình vực dậy cơ sở vật chất, phong trào học tập của nhà trường...”. Tại điểm đến cuối cùng của hành trình, đoàn dành tặng 65 triệu đồng cho Trường mầm non xã Gio Châu (H.Gio Linh). Ngoài ra, đoàn cũng hỗ trợ cho 3 cô giáo gia đình bị thiệt hại nặng nề trong lũ, mỗi cô 5 triệu đồng.
Cũng trong hành trình thiện nguyện, đại diện Tôn Nam Kim đến tận nhà thăm một số gia đình bị thiệt hại nặng, gặp khó khăn ở các xã Lộc Thủy, Phong Thủy (H.Lệ Thủy) và xã Trung Hải (H.Gio Linh), trao tặng từ 5 - gần 20 triệu đồng mỗi hộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.