Đến trường học... sơ cấp cứu

14/08/2019 07:24 GMT+7

Sơ cứu (sơ cấp cứu) ngày càng được nhiều nước trên thế giới xem là một kỹ năng cơ bản cần được phổ cập.


Học vì rất cần thiết

Hơn 10 năm trước, khi còn học tại Pháp, tôi từng đăng ký dự một khóa phòng hộ và sơ cứu cộng đồng bậc 1 (PSC1) do trường đại học tổ chức, hoàn toàn miễn phí và người đứng lớp là một giảng viên của khoa thể thao. Vị giảng viên này cũng là một chuyên viên đào tạo sơ cứu, tham gia các lớp dạy cho lính cứu hỏa Paris.
Tôi vẫn nhớ, câu đầu tiên thầy hỏi lớp là: “Các bạn học sơ cứu để làm gì? Có phải vì công việc bắt buộc?”. Tại Pháp, ngoài ngành y, rất nhiều công việc yêu cầu phải có chứng chỉ PSC1, chẳng hạn sinh viên đi làm thêm tại trại hè cho trẻ em. Khi ấy, lớp của tôi không có ai nằm trong số này, hầu hết đều tự nguyện tham gia với cùng lý do là “học vì rất cần thiết”.
Mở đầu chương trình học, thầy dành hơn 1 giờ để nhắc lại những số điện thoại khẩn cấp, cách phân biệt… các loại còi xe được ưu tiên đường và đặc biệt, học viên được hướng dẫn vô cùng kỹ về cách trình bày khi gọi cấp cứu: báo địa chỉ ra sao, mô tả tình trạng bệnh nhân thế nào, những chi tiết nhỏ cần phải lưu ý để báo. Gọi điện thì ai cũng biết, nhưng phải học qua mới có thể giữ được bình tĩnh trong tình huống khẩn cấp để trong thời gian ngắn nhất cung cấp được những thông tin cần thiết cho người trực tổng đài, giúp việc cấp cứu bệnh nhân đạt hiệu quả cao.
Sau đó là phần thực hành xử lý khi gặp những trường hợp: bỏng, co giật, chảy máu do chấn thương, dị vật gây tắc đường thở, ngưng tim, ngưng thở… Kết thúc khóa học, mỗi học viên nhận được chứng chỉ PSC1 do Bộ Nội vụ Pháp cấp. Những kỹ năng tưởng chừng chỉ liên quan đến ngành y thì tại Pháp được xem là yếu tố có thể giúp tăng cường sự an toàn và chất lượng cuộc sống của công dân, nên cơ quan cấp chứng chỉ là Bộ Nội vụ.

Có thể học từ mẫu giáo

Hồi tháng 9.2018, chính phủ nước này đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2022 toàn bộ học sinh tốt nghiệp THCS đều được học chương trình căn bản về sơ cứu, hướng đến việc 80% dân số được phổ cập những kỹ năng này. Để đạt được chỉ tiêu, hiện sơ cứu là một nội dung bắt buộc trong chương trình học tại Pháp.
Năm 2018, ít nhất 2 lần truyền thông Pháp đồng loạt đăng tin về những “anh hùng nhí” 5 tuổi đã góp công đầu cứu sống người thân của mình từ những kỹ năng sơ cứu học trong nhà trường.
Đây chính là kết quả của việc cho con trẻ làm quen rất sớm với sơ cứu tại Pháp. Phối hợp cùng với Bộ Giáo dục, Hội Chữ thập đỏ Pháp mở những khóa học cho trẻ từ 3 tuổi, thường tổ chức vào các kỳ nghỉ hè tại những điểm du lịch như bãi biển.
Kênh truyền hình LCI dẫn lời bác sĩ Pascal Cassan, chuyên gia về cấp cứu hồi sức và là cố vấn quốc gia của Hội Chữ thập đỏ Pháp, cho biết: “Với trẻ mẫu giáo, chúng tôi tập trung vào việc dạy các cháu cách báo động qua 2 nguyên tắc chính: tìm người lớn và tự giữ an toàn - chẳng hạn trong trường hợp vừa xảy ra một vụ tai nạn”. Sơ cấp cứu ở đây không có gì là “cao siêu” cả, trẻ sẽ được chỉ cách để nhận diện và nhớ số điện thoại khẩn cấp”.
Từ 5 - 6 tuổi, trẻ đã có thể học những động tác đơn giản đầu tiên của sơ cứu, chẳng hạn như cách đặt nạn nhân nằm nghiêng theo tư thế an toàn trong lúc đợi cấp cứu đến.
Bộ Giáo dục Pháp bắt buộc các trường phải đưa sơ cứu vào giảng dạy từ sớm: “Nhập môn sơ cứu” (APS) ở tiểu học; “Các động tác cứu người”, tức sơ cứu căn bản, ở cấp THCS. Cấp THPT, tuy không phải là nội dung bắt buộc nhưng mọi học sinh có nhu cầu đều được học để có chứng chỉ PSC1. Các trường của Pháp tại nước ngoài cũng tuân thủ quy định trên. Đơn cử, trao đổi với Thanh Niên, một phụ huynh có con học tại Trường quốc tế Pháp Marguerite Duras (Q.9, TP.HCM) cho biết toàn bộ học sinh và giáo viên trường này đều được học về sơ cứu căn bản.

Đường còn dài ở VN

Tại Việt Nam, các động tác không quá phức tạp nhưng có thể cứu sống mạng người này vẫn còn khá xa lạ đối với cộng đồng.
Sơ cứu đã được nhiều quốc gia xem là cần thiết và căn bản như học chữ hay học bơi, nhưng tại VN không ít người vẫn thờ ơ với kỹ năng này, vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do đánh giá sai: Sơ cứu chỉ là chuyện vặt như… bôi thuốc đỏ khi chảy máu, chẳng cần học; hay ngược lại, có người vẫn nghĩ rằng đây là những kiến thức chuyên môn về cấp cứu chỉ dành cho bác sĩ...
Chính vì vậy hiện ở nước ta chỉ có một số đơn vị tổ chức dạy về sơ cứu cho cộng đồng một cách bài bản, như Hội Chữ thập đỏ các tỉnh thành; nhóm các giảng viên, bác sĩ của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM); nhóm Survival Skills Vietnam (Kỹ năng sinh tồn Việt Nam - SSVN)…
PV Thanh Niên đã có dịp gặp gỡ BS Nguyễn Hồng Trường, giảng viên bộ môn cấp cứu hồi sức chống độc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Từ 7 năm qua, BS Trường và các bác sĩ cộng sự đã dạy nhiều khóa sơ cứu cho các tổ chức, công ty nhưng gần như toàn bộ đều là các đơn vị có yếu tố nước ngoài. Giám đốc SSVN Hồ Thái Bình cũng cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp đăng ký chương trình này đều liên quan đến nước ngoài”.
Một khóa học sơ cứu cho cộng đồng theo chương trình chuẩn của Hội Tim mạch Mỹ - AHA do nhóm của bộ môn cấp cứu hồi sức chống độc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thường dài khoảng 6 giờ, chi phí không quá đắt đỏ (trung bình khoảng 400.000 đồng/học viên).
Như vậy đến nay Việt Nam đã có những bước khởi đầu. Tuy đường còn dài nhưng trong tầm tay nếu vai trò của sơ cứu thật sự được nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.