Đền thờ Trạng Trình bị 'bao vây'

16/01/2014 10:57 GMT+7

Khoảng hai tuần nay, 30 người dân bán hàng tại khu di tích đền thờ danh nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng bị Ban quản lý khu di tích ngăn không cho tiếp tục bán. Bức xúc, những người này đã kéo đến cổng đền Trạng Trình phản đối.

Khoảng hai tuần nay, 30 người dân bán hàng tại khu di tích đền thờ danh nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng bị Ban quản lý (BQL) khu di tích ngăn không cho tiếp tục bán. Bức xúc, những người này đã kéo đến cổng đền Trạng Trình phản đối.

 Người dân dựng xe hàng trước cổng khu di tích vào sáng 14.1 - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh
Người dân dựng xe hàng trước cổng khu di tích vào sáng 14.1 - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh

Theo bà Phạm Thị Toan, 74 tuổi, ở thôn Trung Am, từ ngày 4.1, bà không vào được khu di tích để bán hàng vì bảo vệ dùng barie chặn cổng, ai muốn bán hàng thì phải ra vỉa hè phía bên ngoài. Tuy nhiên, vị trí này giáp với cánh đồng, gió lùa rất lạnh, khiến khách thập phương không muốn dừng lại mua hàng.

Một người bán hàng khác là bà Nguyễn Thị Thủy, cho biết: chính quyền địa phương cũng như BQL không hề thông báo di dời chỗ bán hàng cho người dân và trong khi đuổi người dân ra ngoài thì ở quầy dịch vụ văn hóa ngay cổng vào, BQL lại cho bày bán rượu, tượng.

Những người bán hàng ở đây phản ánh đã hiến ruộng đất của mình để mở rộng khu di tích và được chính quyền hứa cho vào bán hàng phía bên trong đền. Theo quan sát, con đường này giáp với cánh đồng, trống trơn, không có gì che chắn.

Có mặt tại đền thờ Trạng Trình vào sáng 14.1, thấy nhiều chiếc xe kéo hàng ngổn ngang chắn trước cổng đền. Thậm chí, những người bán hàng còn mặc áo đồng phục in chữ với nội dung phản đối BQL khu di tích. Nhiều du khách đến viếng đền không khỏi ngán ngẩm khi phải đi qua những xe hàng rồi phải lách qua barie sắt để vào bên trong.

Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là di tích lịch sử cấp quốc gia, trước đây, do xã Lý Học quản lý nhưng năm 2009 đã chuyển cho UBND huyện Vĩnh Bảo.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, ông Nguyễn Đức Cảnh, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết, việc di dời hàng quán trong khuôn viên khu di tích ra ngoài là chủ trương của lãnh đạo huyện để tránh lộn xộn ở nơi thờ cúng. “UBND huyện đã giao cho xã Lý Học có trách nhiệm quy hoạch chỗ bán hàng mới cho bà con”, ông Cảnh nói.

Ông Nguyễn Văn Sản, Phó chủ tịch UBND xã Lý Học, lại cho rằng, khu di tích thuộc trách nhiệm của BQL, do đó chính quyền xã không có thẩm quyền để giải quyết việc này. Chủ tịch HĐND xã Lý Học, ông Đỗ Văn Cao thì thừa nhận có việc chính quyền hứa cho người dân bán hàng trong khu di tích khi thu hồi ruộng đất mở rộng đền cách đây 10 năm.

Chủ trương bảo đảm tôn nghiêm tại khu di tích này của UBND huyện Vĩnh Bảo là đúng đắn, tuy nhiên, chính quyền địa phương cần xác định rõ trách nhiệm trong việc giải quyết ổn thỏa vấn đề khúc mắc với người dân, nhất là trong thực hiện lời hứa khi thu hồi đất, tránh kéo dài tình trạng lộn xộn hiện nay.

Vũ Ngọc Khánh

>> Câu đối “xà bần” ở đền Trạng Trình
>> Khai quật Khu di tích Gò Tháp
>> Dựng phim 3D về khu di tích nhà lao Hội An
>> Phê duyệt mở rộng Khu di tích Yên Tử
>> Khánh thành khu di tích lịch sử Đoàn 125
>> Khánh thành khu di tích thành An Thổ
>> Chuyện lạ ở một khu di tích giữa thủ đô
>> Tôn tạo khu di tích Tây Sơn thượng đạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.