Đến Tàng Thơ Lâu để khám phá nhiều tài liệu quý triều Nguyễn

18/04/2023 14:18 GMT+7

Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức chuỗi hoạt động tiếp nhận, trưng bày nhiều tài liệu quý triều Nguyễn.

Ngày 18.4, tại Tàng Thơ Lâu (địa chỉ 344 Đinh Tiên Hoàng, TP.Huế, Thừa Thiên – Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 với chuỗi hoạt động tiếp nhận tư liệu, sách, hiện vật và trưng bày các tài liệu quý triều Nguyễn.

Đến Tàng Thơ Lâu để khám phá nhiều tài liệu quý triều Nguyễn - Ảnh 1.

Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo TP.Huế và các nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử

LÊ HOÀI NHÂN

Dịp này, tại Tàng Thơ Lâu trưng bày các tài liệu với chủ đề Lưu dấu lịch sử, khám phá Tàng Thơ Lâu như các sách Hán Nôm: Đại Nam Quang chế, Đại Nam Anh nhã tiền biên, Hoàng triều Ngọc điệp, Ngự chế văn minh cổ khi đồ, Hoàng Việt tân luật, Thượng dụ Huấn điều, Nam quốc Giai sự… và bộ tranh Grande Tenue de la Cour d'Annam của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân được vẽ tại Huế tháng 12.1902, cùng các ảnh tư liệu, sử liệu quý.

Đến Tàng Thơ Lâu để khám phá nhiều tài liệu quý triều Nguyễn - Ảnh 2.

Các tư liệu quý triều Nguyễn do các nhà nghiên cứu tặng được trưng bày tại Tàng Thơ Lâu

LÊ HOÀI NHÂN

Đến Tàng Thơ Lâu để khám phá nhiều tài liệu quý triều Nguyễn - Ảnh 3.

Bộ từ điển chữ Hán của nhà sưu tầm Nguyễn Anh Huy trưng bày tại Tàng Thơ Lâu

LÊ HOÀI NHÂN

Bên cạnh đó, Tàng Thơ Lâu còn dành không gian để trưng bày những hình ảnh, sách, tư liệu được cá nhân, tổ chức trao tặng với tên gọi Dấu ấn Tàng Thơ lâu trong chúng ta để tôn vinh, tri ân các độc giả đã có nghĩa cử cao quý, góp phần trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Tàng Thơ Lâu nói riêng, nâng cao vị thế của văn hóa đọc Việt Nam nói chung.

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hoạt động hy vọng sẽ mang lại những trải nghiệm bổ ích, thú vị, nhằm kết nối tri thức, khám phá tinh hoa di sản văn hóa Huế, góp phần chung tay cùng Trung tâm tìm kiếm, lưu trữ các tư liệu và đầu sách có giá trị lịch sử... bổ sung nguồn tư liệu quý, tiếp tục sứ mệnh lưu trữ để Tàng Thơ Lâu trở thành nơi lưu trữ tài liệu về triều Nguyễn lớn nhất ở Việt Nam.

Đến Tàng Thơ Lâu để khám phá nhiều tài liệu quý triều Nguyễn - Ảnh 4.

Sự kiện thu hút nhiều người trẻ yêu sách tham gia

LÊ HOÀI NHÂN

Ngoài sự có mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, hoạt động còn thu hút nhiều người trẻ yêu sách đến khám phá, trải nghiệm. "Với mình hoạt động này rất ý nghĩa, mang lại cho mình những giá trị về văn hóa, lịch sử. Qua không gian trưng bày đồ sộ và đẹp mắt tại Tàng Thơ Lâu, mình nghĩ sẽ góp phần khuyến khích, thu hút giới trẻ trong việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử triều Nguyễn", anh Nguyễn Phước Bảo Hoàng (28 tuổi, người dân TP.Huế) chia sẻ.

Tàng Thơ Lâu xây dựng vào năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng với lối kiến trúc rất khoa học nhằm đáp ứng tốt nhất chức năng lưu trữ và bảo quản các sổ sách, văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình. Tàng Thơ Lâu là công trình kiến trúc độc đáo khi có sự kết hợp giữa kiểu thức châu Âu và kiến trúc truyền thống. Đặc biệt, công trình được xây dựng trên một hòn đảo, xung quanh là hồ nước để đối phó với hai thứ họa lớn là nước và lửa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.