Đến Na Uy thăm công viên tượng khỏa thân lớn nhất thế giới

17/01/2023 07:04 GMT+7

Đang bị cuồng chân vì Covid-19 nhốt ở nhà 2 năm, ngó lên mấy trang du lịch mùa thu Bắc Âu đang rời rợi như những tình khúc vàng đắm say thì một chị bạn nhắn nhủ: “Đi ngay đi không mùa đông sắp đến. À mà nhất định em phải đến công viên tượng khỏa thân ở Na Uy nhé”. Và thế là mua vé xách ba lô lên đường. Let’s go!

Tự do sáng tạo

Vốn nghe mấy nước khu vực Scandinavia toàn các nước giàu có phát triển, dân thưa, mỗi nước diện tích ngang với Việt Nam mà dân cỡ 3 - 5 triệu người, bằng nửa thành phố Hà Nội, thu nhập cao toàn cỡ 50.000 - 70.000 USD/người/năm, mới thấy xứ họ đúng là xứ sở thanh bình và hạnh phúc.

Sang vài ngày mới quen cái cảm giác thành phố vắng như Hà Nội ta sáng mùng 1 tết. Buổi sáng 10 giờ may ra mới có cửa hàng cửa hiệu mở cửa, chiều tối 17 giờ là đóng hết, thứ bảy chủ nhật cũng nghỉ luôn. Anh em trong đoàn bảo nhau câu ông bà ta nói “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa” sang bên này sai sai sao đó. Thủ đô Oslo của Na Uy được coi là thành phố toàn cầu và được xếp hạng nhất về chất lượng sống trong các thành phố lớn của châu Âu.

Tòa thị chính Oslo - nơi trao giải Nobel Hòa bình

Thục Yến

Trong một vài năm, Oslo từng được liệt trong danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Oslo trong mắt tôi xinh đẹp và lịch lãm với những công trình kiến trúc phong cách cổ điển nằm trên phố nhưng luôn có không gian vườn đẹp đẽ xanh mướt bao quanh. Thành phố này có tới 2/3 diện tích là rừng, công viên cây xanh cảm giác không khí để thở luôn trong lành và tươi mới. Dạo bước trên phố những ngày cuối cùng của mùa thu trong xào xạc lớp lớp lá vàng và ta lạc bước chốn công viên tượng khỏa thân nơi ước đến. Công viên này tên gọi Vigeland là nơi có bộ sưu tập tượng khỏa thân lớn nhất thế giới.

Đặc biệt, tất cả các tác phẩm này do một nghệ sĩ duy nhất điêu khắc nên, đó là Gustav Vigeland. Ông cũng là người thiết kế tấm huy chương của giải Nobel Hòa bình. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 1939 - 1949 với hơn 200 bức tượng được chế tác từ các chất liệu khác nhau như: đồng, granite và sắt. Không những vậy, Gustav Vigeland còn thiết kế toàn bộ cảnh quan khu vườn.

Đến đây ta không hề cảm thấy có cảm giác dung tục hay trần trụi mà cảm giác bay bổng, tư duy tự do sáng tạo và cả triết lý nhân sinh hiển hiện nơi từng bức tượng, từng đài phun nước, từng thảm hoa, rừng cây đẹp đẽ, hoàn hảo, không một chút thừa thãi.

Tháp đá nguyên khối Monolith đặt ở vị trí trung tâm, cao 14,12 m, gồm 121 tượng người quấn quýt, gắn chặt vào nhau, xếp từ chân tới đỉnh, thể hiện các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Tác phẩm này biểu trưng mạnh mẽ khát vọng của con người, những bức tượng ôm chặt lấy nhau thể hiện cảm giác cứu rỗi hướng tới những điều tốt đẹp đang chờ đón. Hay tác phẩm nổi tiếng Angry Boy (Cậu bé tức giận) với dáng đứng bằng một chân, đây là bức tượng được yêu thích nhất công viên, nơi mà khách du lịch thay nhau chụp ảnh đến nỗi một cánh tay cậu bé đã “đổi màu” do bị sờ quá nhiều. Qua đời vào năm 1943, nghệ sĩ Gustav Vigeland đã không thể sống tới khi công viên hoàn thành, nhưng ông đã để lại cho đời một quần thể công trình nghệ thuật ấn tượng độc đáo. Nơi đây hằng năm đón hơn 1 triệu khách tham quan là không gian mở thực sự cho người dân Oslo và du khách đến chiêm nghiệm về sự tự do và khát vọng sống, dù tất cả các bức tượng đều không có bất kỳ một chú thích nào.

Bức tượng Cậu bé giận dữ

Ghé thăm nơi trao giải Nobel Hòa bình

Sinh ngày 21.10.1833 ở Stockholm (Thụy Điển), Alfred Nobel là người phát minh ra tiền thân của vật liệu nổ. Chỉ từ một chi tiết khi người anh Ludvig của ông qua đời vào năm 1888, nhiều bài cáo phó đã nhầm lẫn và viết về cái chết của Alfred Nobel trong khi ông vẫn còn sống. Bản cáo phó trên một tờ báo Pháp viết Le marchand de la mort est mort (Nhà buôn cái chết đã chết) và tiếp tục viết: “Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời ngày hôm qua”.

Những dòng trên khiến Nobel thức tỉnh và lo ngại về việc ông sẽ được ghi nhớ ra sao sau khi ông chết, nên đã quyết định sử dụng toàn bộ tài sản của mình để trao giải thưởng cho những phát minh mang lại lợi ích cho nhân loại. Tất cả các giải thưởng Nobel được trao tại Stockhom, riêng Nobel Hòa bình được trao tại Oslo theo di chúc của Nobel và cũng chưa ai lý giải được vì sao lại như vậy. Tòa thị chính Oslo, địa điểm tổ chức trao giải Nobel hòa bình, vào tháng 10 hằng năm là một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất của thủ đô này.

Được khởi công từ năm 1931 và hoàn thành năm 1950, Tòa thị chính Oslo được thiết kế bởi Arnstein Arneberg và Magnus Poulsson. Những mái nhà của tòa tháp phía đông có một dàn chuông 49 chiếc gióng chuông mỗi giờ đồng hồ. Bên trong tòa nhà có các gian trưng bày và một sảnh lớn lát đá hoa cương và những bức tranh tường cao sát tới mái tòa nhà nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng.

Tòa nhà này hiện vẫn là nơi làm việc của hội đồng thành phố, chính quyền thành phố, các hãng phim nghệ thuật, phòng trưng bày và vẫn mở cửa hằng ngày cho du khách từ khắp thế giới ghé qua. Hôm chúng tôi đến, một cặp cô dâu chú rể đã đến đây chụp ảnh và nhận lời chúc phúc của người thân và bạn bè ở địa điểm rất ý nghĩa này.

Toàn cảnh công viên tượng khỏa thân

Những ai muốn tìm hiểu kỹ về Giải thưởng Nobel có thể tìm hiểu tại Bảo tàng Nobel gần đó với tất cả tư liệu về các nhân vật đã từng nhận Giải thưởng Nobel Hòa bình từ trước tới nay. Năm qua, Ủy ban Nobel Na Uy ngày 7.10 đã tuyên bố Giải Nobel Hòa bình thuộc về nhà hoạt động nhân quyền người Belarus Ales Byalyatski, Tổ chức nhân quyền Memorial của Nga và Trung tâm Tự do Dân sự - một tổ chức nhân quyền của Ukraine. Giải thưởng bao gồm 1 huy chương vàng và phần thưởng trị giá 1,14 triệu USD (khoảng 28 tỉ đồng). Đến đây để cảm nhận về giá trị và thấm thía ý nghĩa lớn lao của 2 chữ hòa bình - khát vọng muôn đời của nhân loại.

(Oslo - Hà Nội - tháng 11.2022)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.