Đến lúc bỏ thi giáo viên dạy giỏi: Xét cả quá trình thay vì vài giờ trình diễn

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/01/2019 07:04 GMT+7

Chính giáo viên từng đi thi giáo viên dạy giỏi cũng cho rằng cuộc thi này hiện nặng về trình diễn và không thể đánh giá đúng. Do vậy, nhiều người ủng hộ phương án xét cả quá trình để chọn ra những người giỏi thực sự.

 

Nói không với giờ học trình diễn

Nên đánh giá những đóng góp thực tế của GV trong suốt quá trình giảng dạy HS, lấy thước đo là sự tiến bộ của HS và có thể dự giờ bất chợt để đánh giá trình độ GV thay vì tổ chức cuộc thi để trình diễn
Nguyễn Thị Nguyệt, GV dạy tiếng Anh Trường dân tộc nội trú THCS Văn Yên (Yên Bái)
Cô Đ.T.H, giáo viên (GV) Trường tiểu học Tô Hoàng, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết bản thân cô đã từng thi GV dạy giỏi đến cấp quận và thấy “thực sự áp lực, thực sự mệt”.
Một tiết dạy dự thi không chỉ cần đầu tư công sức của GV đó mà là trí tuệ tập thể. “Tôn vinh GV dạy giỏi chưa thực sự đầy đủ qua 1 - 2 tiết dạy. GV giỏi, ngoài cách đánh giá của ban giám khảo thì còn phải giỏi và được tôn vinh trong lòng học sinh (HS), phụ huynh mới là những GV tâm huyết thực sự”, cô H. nói.
Trước thực tế này, năm nay ngành giáo dục Q.Tây Hồ là một trong những quận ở Hà Nội đi tiên phong trong việc nói không với trình diễn trong cuộc thi GV dạy giỏi bằng cách thay đổi cách thức đánh giá giờ dạy, đồng thời không cho GV thời gian quá nhiều để có cơ hội chuẩn bị cho tiết dạy trình diễn.
GV chỉ biết trước một ngày về bài dạy của mình. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, cho biết: “Từ năm nay, nếu trong quá trình dạy, giám khảo phát hiện HS đã được học trước, được chuẩn bị kỹ lưỡng, GV sử dụng những phương tiện, kỹ thuật dạy học mà thường nhật không mấy khi được áp dụng thì giờ dạy đó sẽ không được đánh giá cao. Mặc dù rất muốn được dự những tiết học chuẩn bị kỹ lưỡng song chúng tôi cũng nói với các GV và nhà trường đã đến lúc không thể cứ tung hô những thứ vốn không có trong đời sống dạy học”, ông Vũ nói.
Tuy nhiên, theo ông Vũ quyết tâm làm như vậy thì ngành GD-ĐT của quận cũng phải chấp nhận những giờ dạy thi GV dạy giỏi ở cấp cao hơn có thể không được “đánh giá cao” vì không hoành tráng, không trình diễn được nhiều trang thiết bị dạy học hiện đại được chuẩn bị công phu...
Cô Trần Thị Ngọc Khánh, GV Trường THCS Phú Thượng (Q.Tây Hồ), cho biết thay đổi mạnh trong cách đánh giá GV dạy giỏi của quận được GV cảm thấy như trút được gánh nặng. “Việc tạo ra một sân chơi, hội thi để GV tự rèn luyện, học hỏi lẫn nhau là rất cần thiết nhưng nó phải thực chất, không áp lực thành tích”, cô Khánh nêu quan điểm.

Nên đánh giá giáo viên bằng sự tiến bộ của học trò

Bao giờ tuyên bố của Bộ trưởng trở thành hiện thực ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, không ít GV và nhà trường băn khoăn đặt câu hỏi gần đây Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhiều lần phát biểu với báo chí và tại các cuộc hội nghị, tọa đàm... rằng sẽ kiên quyết giảm áp lực cho GV, cắt giảm và thay đổi mạnh các cuộc thi liên quan đến GV, trong đó có GV dạy giỏi. Tuy nhiên, các trường vẫn nhận được công văn của phòng, sở về việc tham gia kỳ thi GV dạy giỏi y hệt các năm trước. Vậy bao giờ tuyên bố của Bộ trưởng trở thành hiện thực?
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, gặp cô Nguyễn Thị Nguyệt, GV dạy tiếng Anh Trường dân tộc nội trú THCS Văn Yên (Yên Bái), để hỏi suy nghĩ của cô về hình thức thi GV dạy giỏi hiện nay và đề xuất những thay đổi. Cô Nguyệt đã đề nghị: “Nên đánh giá những đóng góp thực tế của GV trong suốt quá trình giảng dạy HS, lấy thước đo là sự tiến bộ của HS và có thể dự giờ bất chợt để đánh giá trình độ GV thay vì tổ chức cuộc thi để trình diễn”.
Cô Huyền, GV Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), ủng hộ đề xuất nên xét GV dạy giỏi, trong đó quan trọng nhất là đánh giá phương pháp giảng dạy của GV thông qua sự tiến bộ của HS. Theo cô Huyền, đánh giá GV không chỉ qua 1 - 2 tiết dạy mà phải cả một quá trình. Chúng ta đang hướng tới đề cao sản phẩm đầu ra của giáo dục. GV giỏi phải là GV có sản phẩm đầu ra tốt.
Theo cô Huyền, có nhiều GV có thể không “màu mè” nhưng có phương pháp giáo dục rất tốt. Ví dụ, có những GV có phương pháp kèm cặp giúp HS có học lực kém so với mặt bằng chung nhưng nhờ GV có phương pháp, quan tâm thì các em đã tiến bộ hơn hẳn. Vậy thì, GV đó phải được đánh giá là GV giỏi chứ đâu phải chỉ là những giờ dạy sôi nổi.
“Tôi cũng trải qua các vòng thi GV dạy giỏi nên rất hiểu. Tôi rất hài lòng ở trong dự thảo đánh giá “sự tiến bộ của HS”, hoạt động sôi nổi của một tiết dạy rất tốt nhưng cũng có những tiết dạy cần thật chậm để HS nắm vững được kiến thức cơ bản”, cô Huyền nói.
Một GV Trường mầm non thực hành Hoa Hồng (Hà Nội) nêu thực tế với bậc mầm non, cô đi thi áp lực đã đành mà các cháu cũng rất vất vả. Một lớp mầm non có 3 cô, nếu 1 cô thi thì cả 3 cô phải dốc sức chuẩn bị. Nếu các cô cứ ép theo vào thi đua, thành tích của các cô thì các cháu cũng bị ảnh hưởng. “Nếu xét thì đỡ vất vả hơn cho cả cô và trò”, GV này nói.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng việc thi GV dạy giỏi nên chấm dứt. Ông chia sẻ kinh nghiệm của Nhật không có thi GV giỏi. Hằng năm, các GV có các giờ học công khai để người ngoài, bao gồm phụ huynh và các GV khác tới dự giờ, quan sát và thảo luận về các giờ học đó. Thay vì thi GV giỏi, họ tập trung cho việc nghiên cứu và trao đổi chuyên môn thông qua các diễn đàn, tạp chí và các hội nghề nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.